Ai Cập dựng hàng rào cát ngăn lũ từ biển

Văn Khoa
Văn Khoa
24/03/2022 09:41 GMT+7

Dự án xây hệ thống đê bằng cát đang giúp những vùng thấp của Ai Cập ngăn chặn nước biển tràn vào, nhưng một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Reuters ngày 22.3 đăng bài viết cho thấy nhờ có hệ thống đê bằng cát mà ngôi làng Mastroua của ngư dân Aziz Lasheen trong tỉnh Kafr El-Sheikh thuộc miền bắc Ai Cập không còn bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão. Cứ vào mỗi mùa đông, khi có nhiều đợt mưa to và bão ập đến, nước biển ở Địa Trung Hải dâng lên, tràn vào Mastroua tàn phá nhiều ngôi nhà, gây ngập vùng đất nông nghiệp và con đường mà ông Lasheen cùng nhiều ngư dân khác đi bộ để đến tàu cá của họ.

Ông Lasheen cho hay thu nhập của ông giảm 70% vào mùa đông và phải dùng tới tiền dành dụm để lo cái ăn cho gia đình. Tuy nhiên kể từ khi những con đê bằng cát được xây gần làng hồi năm ngoái, cuộc sống trở lại bình thường, nhiều ngư dân kiếm được thu nhập đều đặn và nông dân trồng hoa màu trở lại.

Những con đê bằng cát được xây ở tỉnh Kafr El-Sheikh, Ai Cập

Reuters

Bảo vệ kế sinh nhai của 250.000 người

Những con đê bằng cát nói trên nằm trong dự án quản lý bờ biển rộng hơn với kinh phí 105 triệu USD (gần 2.400 tỉ đồng) do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) dẫn đầu. Theo dự án, chính phủ Ai Cập đang xây dựng một hệ thống đê bằng cát dọc các bờ biển ở châu thổ sông Nile để ngăn chặn nước biển xâm nhập những vùng thấp trong mùa mưa bão. Trải dài gần 70 km, hệ thống đê bao phủ 5 tỉnh được xác định là những điểm nóng về lũ lụt, gồm Kafr El-Sheikh, Beheira, Dakahlia, Damietta và Port Said.

Mục tiêu của dự án là bảo vệ nhà cửa và kế sinh nhai của 250.000 người ở châu thổ sông Nile, theo ông Mohamed Bayoumi, chuyên gia về biến đổi khí hậu của UNDP ở Ai Cập. Dự án kéo dài 7 năm, được tiến hành từ năm 2019, và cho đến nay, gần 70% hệ thống đê đã được hoàn thành, theo ông Bayoumi.

“Không có công trình bảo vệ bờ biển hiện nay, những vùng duyên hải dễ có nguy cơ hứng lũ. Nước biển sẽ gây ngập những vùng đất này trong mùa mưa bão và gây gián đoạn cho các hoạt động đồng áng, nông dân sẽ mất mùa”, ông Bayoumi nhận định.

Đẩy vấn đề sang nơi khác ?

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo việc xây dựng hệ thống đê bằng cát chỉ đẩy vấn đề lũ lụt sang nơi khác, đưa lượng nước dư thừa từ những vùng được bảo vệ dọc bờ biển Địa Trung Hải tới phần còn lại của châu thổ sông Nile, theo Reuters. “Việc chỉ bảo vệ những vùng đất thấp của châu thổ sông Nile sẽ biến những khu vực đó thành các đảo nhỏ trong dài hạn và sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới những vùng đất và cộng đồng gần đó”, ông Abbas Sharaky, giáo sư về địa chất và tài nguyên nước tại Đại học Cairo, cảnh báo. “Toàn bộ khu vực nên được bảo vệ vì vùng châu thổ sông Nile đang gặp nguy hiểm do biến đổi khí hậu, chứ không chỉ có những vùng đất thấp đó”, ông Sharaky nhấn mạnh.

Giáo sư Sharaky còn cho rằng Ai Cập đến nay chỉ dùng những giải pháp tạm thời để ngăn chặn nước biển xâm nhập những vùng đất thấp. “Những dự án (ngăn lũ) thành công trong việc bảo vệ khu vực bị ảnh hưởng, nhưng tính bền vững của sự thành công không được đảm bảo nếu không có kế hoạch tích hợp vừa giảm việc thải carbon, vừa tăng việc sử dụng năng lượng xanh. Đây là những nơi dự kiến biến mất hoàn toàn và điều này cần một kế hoạch lớn ở tầm quốc gia và toàn cầu để cứu những nơi đó”, ông Sharaky nhận định.

Khi nhiệt độ gia tăng làm các tảng băng tan chảy nhanh hơn, khiến đại dương ấm lên và mở rộng, những cộng đồng vùng duyên hải đối mặt lũ lụt thường xuyên hơn và những cơn bão khắc nghiệt hơn có thể đẩy nước biển tràn vào đất liền. Đây là cảnh báo do các nhà khoa học thuộc Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đưa ra trong một báo cáo năm 2019, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.