Ai chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân tai biến do phiền hà khi chuyển tuyến y tế?

Liên Châu
Liên Châu
03/01/2024 14:04 GMT+7

Cùng với triển khai giấy chuyển tuyến điện tử để minh bạch, xóa bỏ xin - cho chuyển tuyến bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm nếu người bệnh bị biến cố do không được chuyển tuyến phù hợp.

Giữ bệnh nhân không cho chuyển

Theo đại diện Ban thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), việc chuyển tuyến bảo hiểm y tế với các bệnh nhân được thực hiện trong các tình huống: chuyển lên cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên khi quá khả năng chuyên môn; chuyển về cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc cơ sở khám chữa bệnh nơi đã giới thiệu bệnh nhân đi; chuyển sang cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên các địa bàn giáp ranh khi có yêu cầu chuyên môn.

Ai chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân tai biến do phiền hà khi chuyển tuyến y tế?- Ảnh 1.

Giấy chuyển tuyến điện tử đảm bảo minh bạch hơn, xóa bỏ xin - cho khi chuyển tuyến bảo hiểm y tế

ĐINH HUY

Tuy nhiên, vừa qua còn bất cập trong việc chuyển tuyến về y tế cơ sở để cấp phát thuốc ngoại trú (lao, HIV/AIDS…) của bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tại tuyến tỉnh, T.Ư.

Ngoài ra, còn tình trạng người bệnh gặp khó khăn do cơ sở khám chữa bệnh giữ bệnh nhân ở lại để điều trị.

Cũng có tình trạng cơ sở khám chữa bệnh viết giấy chuyển tuyến theo yêu cầu người bệnh; hoặc hồ sơ, giấy tờ ký giấy chuyển không đúng thẩm quyền, ghi thông tin chuyển tuyến không đúng.

Lý giải về quy định chuyển tuyến bảo hiểm, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết vừa qua đã phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, T.Ư, tỉnh, huyện, xã để chăm sóc người bệnh tốt hơn, phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý.

Theo quy định, người bệnh sẽ khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến dưới, khi có nhu cầu cao hơn người bệnh sẽ được chuyển tuyến trên.

Người bệnh cũng được chuyển xuống tuyến, chuyển tuyến ngang, phù hợp với diễn biến bệnh. Ví dụ, khi bệnh ổn định, người bệnh được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục chăm sóc, điều trị, theo dõi nếu vẫn cần nội trú. Hoặc bệnh mạn tính sau đợt cấp tính có thể về tuyến dưới theo dõi, cấp phát thuốc.

Cũng có những ca chuyển ngang tuyến (từ đa khoa tỉnh sang chuyên khoa tỉnh để điều trị chuyên khoa sâu).

Bà Trang cho rằng, chuyển tuyến là cần thiết để đảm bảo vững chắc hệ thống y tế, và sử dụng hiệu quả, phù hợp phạm vi chuyên môn. 1 năm Quỹ Bảo hiểm y tế chi hơn 110.000 tỉ đồng cho khám chữa bệnh và chúng ta "liệu cơm gắp mắm" cân đối thu - chi chứ không thể chi theo yêu cầu bệnh nhân lựa chọn.

"Do đó, giấy chuyển tuyến là thủ tục, là hình thức ghi nhận công tác chuyển tuyến; ghi nhận thông tin cơ bản tình trạng bệnh, để người bệnh được ghi nhận những quyền lợi liên quan do bảo hiểm y tế chi trả khi chuyển đúng tuyến. Giấy chuyển tuyến cũng giúp các cơ sở có sự kết nối chuyên môn điều trị cho người bệnh, điều trị tốt hơn, đặc biệt với ca nặng", bà Trang khẳng định.

Xem nhanh 12h ngày 3.1: Thời sự toàn cảnh

Chuyển tuyến phải an toàn người bệnh

Bà Trang đánh giá, vừa qua, quá trình thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn vướng mắc, trong đó, chuyển tuyến điều trị còn tình trạng xin - cho, gây khó cho người bệnh.

Ai chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân tai biến do phiền hà khi chuyển tuyến y tế?- Ảnh 2.

Các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm nếu không chuyển tuyến bảo hiểm y tế kịp thời, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh

NGỌC THẮNG

Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi người bệnh, chuyển tuyến đúng tình trạng bệnh, từ 1.4, cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển tuyến điện tử, thực hiện trên hệ thống kết nối dữ liệu liên thông như đang áp dụng giám định bảo hiểm y tế. Từ 1.7 sẽ chính thức áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử.

Khi các thông tin minh bạch về quá trình điều trị thể hiện trên hệ thống kết nối dữ liệu thì sẽ thể hiện rõ tình trạng bệnh, cơ quan giám định xác định được, việc chỉ định chuyển tuyến là phù hợp hay không.

Theo bà Trang, ngoài ra, để tránh tình trạng giữ người bệnh, gây phiền hà, sẽ có các quy định chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm của cơ sở y tế với sức khỏe người bệnh, chịu trách nhiệm chuyên môn, trong đó quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.

Nếu vì yêu cầu chuyên môn mà không chuyển bệnh nhân khi vượt quá năng lực của cơ sở, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bệnh, thậm chí có thể gây tai biến cho người bệnh thì cơ sở phải chịu trách nhiệm.

Các quy định về chế tài kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, có thể là đình chỉ hoạt động hoặc có những biện pháp khác theo quy định về chuyển tuyến.

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để có thể thực hiện theo lộ trình về tiêu chí đối với một số trường hợp cụ thể, trường hợp bệnh nặng như thế nào, đến mức nào… thì phải chuyển tuyến trên, đảm bảo công khai, minh bạch trong chuyển tuyến.

"Cũng cần có quy định, với các chuyên khoa mà cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới không thực hiện, người bệnh được lên thẳng tuyến trên, thay vì phải xin có giấy chuyển tuyến, như đang áp dụng", bà Trang cho biết thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.