Ai chịu trách nhiệm vì Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ?

14/03/2023 15:13 GMT+7

Chính sách sai lầm của ban quản trị Ngân hàng Silicon Valley (SVB), tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư và tác động từ chính sách tăng lãi suất là những yếu tố phần nào dẫn đến vụ sụp đổ của ngân hàng.

Vụ sụp đổ chóng vánh của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ và là đối tác chính của các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ tại thung lũng Silicon, chỉ trong vòng 48 giờ đã gây chấn động thị trường Mỹ và toàn cầu trong những ngày qua. Với 209 tỉ USD tài sản tính đến cuối năm ngoái, SVB trở thành ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ bị sụp đổ, theo Reuters.

Ai chịu trách nhiệm vì Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ? - Ảnh 1.

Nhân viên an ninh tại trụ sở SVB tại Santa Clara, bang California

AFP

Nhà chức trách Mỹ đã vào cuộc và đảm bảo người gửi tiền tại SVB sẽ lấy lại được tiền gửi, nhưng cũng cảnh báo rằng sẽ bắt những người liên quan phải chịu trách nhiệm. "Tôi cam kết sẽ bắt những người gây ra mớ hỗn loạn này chịu trách nhiệm và tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và quản lý các ngân hàng lớn hơn để chúng ta không rơi vào tình trạng này một lần nữa", Tổng thống Joe Biden thông báo hôm cuối tuần.

Vai trò của Fed

Giới phân tích cho rằng chính việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed, đứng đầu là ông Jerome Powell, người được chính ông Biden tái đề cử) là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng. Từ năm ngoái, Fed liên tục tăng lãi suất nhằm chống lạm phát tại Mỹ. Việc tăng lãi suất khiến giá trị trái phiếu chính phủ dài hạn mà SVB đang đầu tư bị giảm xuống.

Lãi suất được tăng cao hơn khiến nhiều startup gặp khó khăn trong việc gọi vốn và họ bắt đầu rút tiền gửi tại SVB để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Nhiều công ty rút tiền cùng lúc khiến SVB bị thiếu tiền và phải rao bán trái phiếu để có tiền trả cho khách hàng.

Tổng giám đốc Jeff Sonnenfeld của Viện lãnh đạo điều hành (CELI) của Trường Quản lý Yale và giám đốc nghiên cứu Steven Tian của CELI cho rằng "sự sụp đổ của SVB là hệ quả trực tiếp của việc tăng lãi suất kéo dài và quá mức của Fed".

SVB, ngân hàng số một cho nhiều start-up Mỹ, đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Sai lầm của SVB

Giới công nghệ đang tố cáo Tổng giám đốc Greg Becker của SVB là người phải chịu trách nhiệm chính cho sự sụp đổ của ngân hàng 40 năm tuổi sau khi đã vượt qua nhiều đợt khủng hoảng tài chính trước đây.

Theo tờ The Economic Times, SVB đã dùng hàng chục tỉ USD của các khách hàng là các nhà đầu tư mạo hiểm để mua trái phiếu dài hạn với kỳ vọng Fed sẽ giữ mức lãi suất thấp.

Khi Fed tăng lãi suất, số trái phiếu này bị giảm giá trị. Theo Grid News, so với các ngân hàng khác, SVB cho vay ít hơn nhiều so với giá trị mà khách hàng gửi tiền vào.

Khi các khách hàng bắt đầu rút tiền, SVB ngày 8.3 phải bán lỗ danh mục trái phiếu trị giá 21 tỉ USD, trong đó hầu hết là trái phiếu chính phủ Mỹ. Danh mục trái phiếu mà công ty rao bán chỉ có lãi suất 1,79%, thấp hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ (3,9%). Điều này đồng nghĩa SVB chịu lỗ 1,8 tỉ USD. Ngày 9.3, SVB thông báo sẽ bán số cổ phiếu trị giá 2,25 tỉ USD.

Việc SVB bất ngờ tìm nguồn vốn, cộng với sự sụp đổ ngay trước đó của Ngân hàng Silvergate (một trong những ngân hàng chính của ngành tiền kỹ thuật số) được cho là đã khiến những người gửi tiền hoang mang, yêu cầu rút đến 42 tỉ USD từ SVB trong ngày 9.3. Theo CNBC, các khách hàng của SVB nói rằng CEO Becker đã không tạo được sự tin tưởng khi ông kêu gọi bình tĩnh trong cuộc gọi vào chiều 9.3. Đến cuối ngày giao dịch 9.3, SVB bị âm 958 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu của ngân hàng giảm 60%.

CEO Greg Becker của SVB

CEO Greg Becker của SVB

REUTERS

CNN ngày 13.3 dẫn lời một nhân viên của SVB cho biết đã "chết lặng" khi ông Becker công khai thừa nhận khó khăn tài chính của ngân hàng, dẫn đến sự hoảng loạn của khách hàng và khiến họ đổ xô rút tiền. "Điều đó tuyệt đối ngu xuẩn. Họ đã rất thẳng thắn, điều trái ngược với những gì thường thấy trong một cuộc khủng hoảng. Nhưng sự thẳng thắn và minh bạch đã giết chết họ", vị nhân viên nói.

"Mọi người bị sốc vì sự ngu ngốc của CEO. Đã làm trong ngành đến 40 năm mà ông lại nói với tôi rằng ông không thể gọi vốn 2 tỉ USD một cách âm thầm ư? Cứ lên máy bay và bay qua Kuwait như những người khác và cho họ kiểm soát 1/3 ngân hàng", nhân viên của SVB nói.

Hai nhà phân tích Sonnenfeld và Tian tại Yale cũng đồng ý về việc giới lãnh đạo SVB xứng đáng nhận chỉ trích. Hai vị này cho rằng việc SVB công bố gọi vốn 2,25 tỉ USD và tiết lộ khoản lỗ 1,8 tỉ USD là điều không cần thiết. Thay vào đó, họ có thể lần lượt công bố 2 thông tin trên trong 1-2 tuần để giảm tác động cộng hưởng.

Bên cạnh đó, nguồn tin nội bộ nói trên của SVB - phụ trách mảng quản lý tài sản và là người kỳ cựu tại Phố Wall, cho rằng SVB có hơn 1 năm để chuẩn bị cho khả năng Fed tăng lãi suất và nguy cơ các khách hàng rút tiền. Người này đặt dấu hỏi về chiến lược của giới lãnh đạo công ty trong việc quản lý bảng cân đối tài chính trước khi vụ việc xảy ra.

Vai trò của các nhà đầu tư

Ai chịu trách nhiệm vì Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ? - Ảnh 3.

Khách hàng tại chi nhánh của SVB tại bang Massachusetts ngày 13.3

REUTERS

Theo CNBC, cộng đồng đầu tư mạo hiểm đang tố cáo các nhà đầu tư khác đóng vai trò trong sự sụp đổ của SVB. "Đây là một cuộc rút tiền ồ ạt trước nguy cơ khủng hoảng (thuật ngữ tiếng Anh là bank run) do sự cuồng loạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nó sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vụ nổi tiếng nhất của một ngành tự mình hại mình", nhà đầu tư công nghệ tài chính Ryan Falvey tại hãng Restive Ventures nói với CNBC.

Ông Falvey, cựu nhân viên của SVB, cho biết nhiều quỹ đầu tư lớn như Union Square Ventures và Coatue Management đã gửi email cho các startup của họ để yêu cầu rút tiền khỏi SVB vì lo ngại "bank run" và mạng xã hội làm tăng thêm sự hoang mang. Theo AFP, Quỹ Founders của tỉ phú Peter Thiel cũng là một trong những quỹ kêu gọi rút tiền. "Khi bạn nói 'Này, rút tiền gửi đi, ngân hàng này sắp sập rồi', việc đó giống như nổ súng trong một nhà hát đông đúc", ông Falvey nói.

Nhà đầu tư Spencer Greene, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm TSVC, cũng chỉ trích những nhà đầu tư khác vì nhận định sai về tình hình của SVB. "Có vẻ không có vấn đề thanh khoản nào cho đến khi một vài quỹ đầu tư mạo hiểm cho là vậy. Họ thật vô trách nhiệm", ông Greene nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.