Như Thanh Niên đưa tin, sáng 26.5, khi các em học sinh chuẩn bị vào lớp, một cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) bất ngờ bị bật gốc ngã đè khiến nhiều em học sinh bị thương, có một học sinh sau đó tử vong tại bệnh viện.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm về tai nạn xảy ra với các em học sinh?
Quy định về cây xanh đô thị
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, sự việc đau lòng xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các cơ sở, trường học, bệnh viện… có cây xanh cổ thụ trên địa bàn TP.HCM trong mùa mưa sắp tới.
|
LS Thục nói thêm, lẽ ra Trường THCS Bạch Đằng phải có trách nhiệm lên kế hoạch báo cáo với chính quyền địa phương về tình hình quản lý các cây xanh trước mùa mưa hoặc thuê đơn vị quản lý cây xanh, công ty công ích có chức năng để khảo sát, kiểm tra mức độ an toàn của cây xanh trong khuôn viên. Đây là ý thức chủ quan của đơn vị quản lý, mà cụ thể là Trường THCS Bạch Đằng vì việc cây ngã đổ không phải lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn TP.HCM.
“Quay lại vấn đề cây phượng trong khuôn viên trường học, nếu cây phượng này không thuộc danh mục cây cổ thụ, cây bảo tồn, cây được đánh số bảo quản thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về nhà trường. Đây là bài học cảnh báo không những cho trường học mà còn cho các cơ quan tổ chức khác trong việc quản lý cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị”, LS Thục nói.
Chủ sở hữu được giao quản lý cây phượng phải bồi thường
Còn LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 604 bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Vì vậy, nếu cây xanh gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có thể khởi kiện chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... được quy định trong bộ luật Dân sự 2015.
|
Tuy nhiên, LS Lượng nhấn mạnh điều cần lưu ý là dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, bộ luật Dân sự 2015, đó là: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Bình luận (0)