Tư liệu lần đầu công bố về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại:

Ai cung cấp thông tin mật cho Bảo Đại?

27/03/2023 06:39 GMT+7

Sau khi lưu vong, cuộc đời chính trị của Bảo Đại lọt vào "tầm ngắm" của các thế lực khác nhau. Chính vì vậy, vị cựu hoàng được tiếp nhận thông tin mật từ nhiều phía để có điều kiện cân nhắc đưa ra các quyết sách cho phù hợp với từng giai đoạn và thời cuộc, theo suy nghĩ của Bảo Đại.

Về lá thư tay do một cán bộ "V.M" (Việt Minh) gửi "công dân Vĩnh Thụy" nhằm thức tỉnh ông suy nghĩ lại về vai trò của mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở tác phẩm Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), cuối thư có câu: "Nếu quả thật ông không hiểu hay ông đã nghi ngờ địa vị của ông hôm nay xin ông đúng 15 Juin rời Đà Lạt vào Sài Gòn tôi sẽ ráng tìm cách lại thăm ông và cùng ông giải quyết sự rắc rối ấy".

Tiếp đó, căn cứ vào "Thư của một người không rõ họ tên viết ngày 23.11.1947 gửi cựu hoàng Bảo Đại ở Hồng Kông" do một người gửi từ Paris (Pháp), mở đầu bằng cách xưng tôn kính "Tâu bệ hạ" thì chúng ta biết thêm chi tiết khác. Chẳng hạn: "Ở đây người ta cho rằng Bệ hạ là nhân vật duy nhất có thể thỏa mãn vấn đề giải pháp chính trị tiếp theo các hoạt động quân sự. Vấn đề phải tạo cho Ngài các điều kiện cần thiết".

Ai cung cấp thông tin mật cho Bảo Đại? - Ảnh 1.

Cựu hoàng Bảo Đại (1913 - 1997)

Một trong những điều kiện đó, bên cạnh vai trò của các chính khách Pháp, còn là "Việc tôi phải làm trong lúc này là nắm bắt tình hình cụ thể để tâu trình với Bệ hạ và để hoạt động trong luồng dư luận. Cần phải có những người An Nam để làm những việc này".

Tác giả bức thư đề xuất: "Ở đây Bửu Lộc đang làm luật sư tại tòa hoạt động rất tốt. Tốt hơn nữa còn có Đỗ Hương đã nhiều năm làm việc ở Bangkok mà Ngài từng gặp gỡ ở Đà Lạt. Tôi đoán hình như ông ta sắp đi làm việc ở Liên hiệp quốc thì phải. Đối với tôi, tầm cỡ hai người này khác với số đông những người xung quanh Bệ hạ ở Hồng Kông mà tôi từng gặp".

Từ nhận định này, cho thấy nhóm chính trị từ VN sang Hồng Kông tìm gặp Bảo Đại trùng với nhận định mà cán bộ Việt Minh đã viết trong thư: "Những kẻ mà ông gặp ở Hồng Kông hay Đà Lạt mà họ tự mang danh là chính khách chỉ là một hạng người không liêm sỉ".

Còn phía các chính khách người Pháp thì sao? Lá thư này có đoạn: "Latala không phải là tồi nhưng ông ta quá nghiêng về Đảng Xã hội và bộc lộ rõ rệt là đang muốn giữ một vai trò. Trong số những người Pháp, tôi nghĩ đến Paul đang làm việc cho Ngài cũng như vậy, Jean Ramadier thì rất khen ngợi Ngô Đình Diệm. Tuy Jean Ramadier có vẻ như ủng hộ Ngài, nhưng tôi nghĩ đây không phải là nhân tố vững chắc".

Ai cung cấp thông tin mật cho Bảo Đại? - Ảnh 2.

Thư của Nguyễn Đắc Vinh gửi cựu hoàng Bảo Đại

Q.TRÂN chụp từ sách

Dù danh tính người cung cấp thông tin này cho cựu hoàng Bảo Đại vẫn còn bí ẩn, nhưng chúng ta lại có thể biết cụ thể về một trường hợp khác. Đó là "Thư của Nguyễn Đắc Vinh viết ngày 13.9.1949". Trong thư, ông Vinh xưng hô "Thưa hoàng đế" và cho biết mình là "Cố vấn chính trị ủy ban Mường - Lương Sơn": "Lấy tư cách là một nhân viên của một nhóm thanh niên, gồm nhiều giới trong và ngoài khu chiếm đóng, trân trọng kính dâng ngài một vài tài liệu nhân dịp ngài ra Hà Nội".

Tài liệu 1 là văn bản của ông Võ Hoàng - Ban Chỉ huy Chi đội 6 Mặt trận Hà Nội ký ngày 4.7.1946; tài liệu 2 do ba người ký tên "Gửi anh Chi Nam" báo cáo về việc "Chính phủ Bảo Đại đã thành lập ngày 1.7.1949".

Tài liệu này có đoạn nhận định: "Theo lối bình luận của các nhóm chính trị thì chính phủ này vừa thành lập sẽ từ chức trong một ngày rất gần vì Pháp không muốn Vĩnh Thụy chấp chính một cách trực tiếp và Nguyễn Phan Long thì lại là người của Mỹ (Hoa Kỳ) nên chắc chắn sẽ gặp nhiều trở lực do Pháp gây ra".

Đặc biệt, về hành trình của Bảo Đại khi ra Hà Nội, văn bản này cho biết chi tiết: "Ra Bắc, Bảo Đại ở lâu đài Puginier (Toàn quyền cũ), ở sân bay Gia Lâm về, Bảo Đại về Nhà hát Lớn rồi về thẳng lâu đài Puginier (qua phố P.Bert, B.Derbord, ra thẳng đường Puginier). Ngày hôm sau sẽ ra dinh Thủ tướng Xuân bây giờ tức là Thống sứ cũ và nhà thị chính rồi từ ngày 4 sẽ đi vi hành từng phố".

Rõ ràng, phía lực lượng kháng chiến của ta đã nắm rõ đường đi nước bước của Bảo Đại.

Do tầm quan trọng thông tin, dưới văn bản này, Nguyễn Đắc Vinh còn ghi thêm: "Hai tờ mật thư này đã đưa ra "bưng" hồi 1g ngày 3.7.1949. Sao 2 bản: 1 đưa ông Nguyễn Đệ, 1 đưa cho Hoàng thân Bửu Lộc…

Yêu cầu: Xin chớ cho Bureau hay Sureté biết tên tôi và tài liệu này vì rất nguy hại cho tôi - trong cơ sở ấy rất nhiều Việt Minh lẩn vào. Nếu Hoàng đế muốn, xin chuyển lệnh, chúng tôi có thể bắt thủ phạm tại chỗ và các tổ trưởng Việt Minh trong Hà Nội".

Bằng các tài liệu mật này, ta thấy Bảo Đại có được thông tin từ rất nhiều phía... (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.