Sau vụ Washington đưa Huawei Technologies, hãng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc, vào danh sách đen thương mại hồi tháng trước, căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung càng gia tăng. Bloomberg mới đây có bài viết phân tích, so sánh nhiều dữ liệu về mặt công nghệ của Trung Quốc và Mỹ để cho thấy nước có lợi thế hơn giữa chiến tranh lạnh công nghệ.
Số lượng hãng công nghệ giá trị nhất
|
Xét về mặt này, Mỹ thắng Trung Quốc. Mỹ là nước sản sinh nhiều hãng công nghệ giá trị nhất thế giới, với những cái tên đi đầu trong mảng phần mềm, smartphone, thương mại điện tử, tìm kiếm và mạng xã hội. Microsoft, Amazon, Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Facebook là các hãng đứng đầu toàn cầu ở cả năm lĩnh vực kể trên.
Ngành công nghệ Trung Quốc cũng phát triển trong 5 năm qua, với Tencent và Alibaba dần vào top các doanh nghiệp công nghệ với vốn hóa hàng đầu thế giới. Vốn hóa không chỉ là thước đo giá trị thị trường công ty mà còn cho thấy sức mạnh tài chính, nguồn lực thuê tuyển nhân tài, thâu tóm doanh nghiệp khác, huy động vốn và đầu tư công nghệ mới của công ty.
Cơ sở người dùng internet
|
Ở vòng này, Trung Quốc thắng Mỹ. Mỹ từ lâu là thị trường internet lớn nhất, quan trọng nhất song dân số đông giúp Trung Quốc vượt Mỹ. Quốc gia Đông Á hiện có số người dùng di động gấp bốn lần Mỹ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quốc nội ở mọi lĩnh vực từ thương mại điện tử, nhắn tin cho đến thanh toán kỹ thuật số phát triển mạnh.
Khoảng cách thu nhập
|
Mỹ thắng Trung Quốc trong vòng này. Dù Trung Quốc có lợi thế về số lượng người dùng thô, người tiêu dùng Mỹ lại có khả năng chi tiêu mạnh hơn nhiều. Người Mỹ tạo ra sản lượng kinh tế gần gấp bảy lần so với người Trung Quốc. Đây là điểm giúp các hãng công nghệ Mỹ có môi trường giàu mục tiêu để đem về doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ mới.
Vốn mạo hiểm
|
Mỹ và Trung Quốc cân sức về mặt này. Mỹ là nơi hoạt động kinh doanh đầu tư mạo hiểm ra đời. Nước này sử dụng mô hình vốn tư nhân để tạo ra nhiều hãng công nghệ mạnh nhất thế giới và hiện vẫn có lợi thế. Tuy nhiên, Trung Quốc về cơ bản thu hẹp được khoảng cách về mức vốn. Số startup định giá 1 tỉ USD trở lên ở Trung Quốc tăng mạnh không thua Mỹ. Đơn cử, Bytedance, công ty tung ứng dụng TikTok, đạt 75 tỉ USD định giá hồi năm ngoái.
Cạnh tranh mảng chip
|
Mỹ hẳn nhiên thắng Trung Quốc ở vòng này. Chất bán dẫn là sức mạnh tính toán, là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ. Giới doanh nghiệp Mỹ có lợi thế khi nắm hầu hết tài sản trí tuệ hàng đầu, lấn át đối thủ cạnh tranh Trung Quốc về sản lượng.
Theo ước tính của Sanford C. Bernstein, HiSilicon, hãng chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc và là một nhánh của Huawei, đạt doanh thu 7,6 tỉ USD năm ngoái. Con số này chỉ bằng khoảng 1/10 doanh thu của Intel. Các hãng chất bán dẫn Trung Quốc ngoài ra cũng cần phần mềm từ Cadence và Synopsys để thiết kế, cần thiết bị từ Lam Research và Applied Materials để tạo chip vật lý.
5G và tương lai truyền thông
|
Đến mặt này thì Trung Quốc vượt Mỹ. Những ngày Alexander Graham Bell phát minh điện thoại, biến Mỹ trở thành cái tên tiên phong làng viễn thông thế giới đã qua. Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Mỹ phần nào mất chỗ đứng trong hai thập niên vừa rồi và ngành công nghiệp này ở Mỹ giờ bị chi phối bởi các nhà cung ứng ngoại như Nokia, Ericsson. Bloomberg nhận định Huawei rõ ràng là hãng mạnh nhất, thống trị sự phát triển của công nghệ 5G mà các nhà mạng toàn cầu đang rục rịch triển khai.
[VIDEO] Huawei vẫn ra mắt điện thoại Mate 20 X, chip 5G mới giữa rắc rối với Mỹ
|
Tài năng công nghệ
|
Mỹ có nhiều chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) được săn đón hơn Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2017, Mỹ dẫn đầu thế giới với hơn 28.000 chuyên gia AI, trong khi Trung Quốc chỉ có 18.000, theo ước tính của Trường Chính sách và Quản lý Công thuộc Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, khoảng cách này có thể được rút ngắn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết năm 2016 Trung Quốc có 4,7 triệu sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học gần đây, trong khi Mỹ chỉ có 568.000.
Sản xuất hàng loạt
|
Hai thập niên qua, Apple và nhiều hãng công nghệ Mỹ theo chân các nhà sản xuất truyền thống mà tìm về chuỗi lắp ráp, sản xuất tại Trung Quốc. Đơn cử, Foxconn Technology, nhà sản xuất iPhone hàng đầu, thuê tuyển khoảng 1 triệu nhân viên vào mùa cao điểm. Mỹ có điểm mạnh là sở hữu nhân công có năng suất mỗi giờ cao và khả năng xử lý công nghệ nhạy cảm tốt, chẳng hạn như công nghệ hàng không vũ trụ, song Trung Quốc nhìn chung vẫn nhỉnh hơn Mỹ về mặt sản xuất.
Hãng tin Mỹ kết luận rằng hệt như cuộc đối đầu thuế quan “ăn miếng trả miếng” chưa đến hồi kết suốt hơn một năm qua, chiến tranh lạnh công nghệ ngày càng tăng tiến sẽ rất khó tìm bên chiến thắng rõ ràng.
Bình luận (0)