Ai mệt thì về Huế thương: Lạc vào quán Ta, dừng chân quán Chiều

29/03/2019 11:13 GMT+7

Lần đầu tới Huế, xuống chuyến bay lúc ánh tà dương dần hiện lên, bao nhiêu gấp gáp trong tôi chợt đi đâu hết. Huế đẹp và yên bình quá. Đường phố sạch, không kẹt xe dù đang giờ tan tầm. Vội làm gì, đang ở Huế mà.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, làm việc tại Sài Gòn, suốt nhiều năm sống ở hai thành phố lớn nhất nước, nhịp sống vội vàng không biết đã "ngấm" vô tự bao giờ. Vẫn biết an nhiên tại tâm nhưng nếu có hẳn một không gian xanh, yên bình để mình chìm đắm thì còn gì bằng.

Lần đầu tới Huế, xuống sân bay vào lúc ánh tà dương dần hiện lên bao nhiêu gấp gáp trong tôi chợt đi đâu hết. Tựa như người đang mệt được nằm xuống một chiếc giường thật êm vậy. Huế đẹp và yên bình quá. 

Dạo bộ qua trường đại học sư phạm thấy những tà áo dài thấp thoáng tan trường làm tôi càng như thấy đã lạc vào xứ mộng mơ. Đường phố sạch và thoáng, không có cảnh kẹt xe dù đang giờ tan tầm. Vì thế cũng dễ hiểu khi ít nghe tiếng còi hay tiếng rồ ga vội vã. Vội làm gì, đang ở Huế mà...

Yên bình xứ Huế THÙY DƯƠNG
Giờ tan tầm ở Huế, những con đường... thong thả THÙY DƯƠNG

Huế cũng như nhiều vùng khác trên cả nước rất phong phú về ẩm thực. Người miền trung ưa ăn cay nên ngoài các món bánh lọc, nậm, ram ít... hầu như món gì cũng dễ làm thực khách se se nơi đầu lưỡi. Ở Huế, đồ ăn có rất nhiều giá để thực khách lựa chọn. Nếu muốn thử thức ăn đường phố bạn chỉ cần mang 100.000 đồng đã có thể ăn no từ ốc, chè, cơm hến, bún bò...

Cơm hến Thùy Dương
Chè bột lọc bọc heo quay NHẬT DIỄM

Thú cà phê miền nào cũng có nhưng vừa nhấp tách cà phê vừa ngắm Đại nội thật gần sau bóng cây thì chắc chỉ có Huế.

Nằm ngay góc đường Đặng Thái Thân, số nhà 44 không biển hiệu, nằm khiêm tốn dưới tán cây. Chủ quán là ông Lê Văn Phát, đã kinh doanh cà phê từ năm 1994. Ông có thú sưu tầm đồ gốm nên tại quán bày và dùng khá nhiều các loại gốm từ nhiều miền đất nước, ngoài ra còn có thêm gốm Nhật phong cách xưa cũ. Tranh bày tại quán đều là những họa sĩ vì mến ông chủ, mến quán mà tặng. Quán tuy không có tên nhưng khách yêu thích đặt tên là "Chiều". Không rõ vì ngồi quán lúc ban chiều sẽ đẹp và mát nhất hay vì quán chiều lòng người quá.

Quán cà phê 44 Đặng Thái Thân, Huế THÙY DƯƠNG
Một chiều bình yên nhìn từ quán cà phê 44 Đặng Thái Thân THÙY DƯƠNG
Không gian quán nhuộm màu xưa, cũ THÙY DƯƠNG
Ông Lê Văn Phát, chủ quán cà phê được khách đặt tên là "Chiều" THÙY DƯƠNG
 
Góc Trịnh Công Sơn THÙY DƯƠNG

Khách du lịch tới Huế thường chọn khu phố đi bộ hay còn gọi là khu phố Tây để nghỉ vì khá tiện đi tham quan và nhiều dịch vụ tiện ích. Trong khu này cũng có nhiều quán cà phê đẹp mắt, phong cách phục vụ dễ thương tuy nhiên tôi lại thích không gian xinh xắn ở quán Ta nằm ở 44 Phạm Ngũ Lão. Đơn giản vì quán nhiều góc đẹp và đặc biệt có trưng bày các sản phẩm thủ công của Huế như chân hương của làng hương Thủy Xuân hay sen giấy của làng Thanh Tiên. Bên cạnh đó nhiều họa sĩ Huế chọn nơi đây để đặt tranh của mình như họa sĩ Hoàng Phúc Quý, Phan Quang Tân...

Sản phẩm thủ công của làng hoa giấy Thanh Tiên, Huế THÙY DƯƠNG
Tranh của họa sĩ Hoàng Phúc Quý được trưng bày tại quán THÙY DƯƠNG

Nếu du khách có thời gian và nhu cầu khám phá các làng nghề thủ công truyền thì Huế cũng là một nơi lý tưởng. Nằm rải rác trong các làng quê "xanh như ngọc" (trích thơ Hàn Mặc Tử) các hộ gia đình làm nghề truyền thống vẫn cần mẫn giữ nghề. Du khách có thể trải nghiệm thăm làng nghề bằng đò Huế và xe đạp cũng rất thú vị.

Hoa giấy làng Thanh Tiên, Huế THÙY DƯƠNG
Hoa giấy rực rỡ giữa không gian cổ kính THÙY DƯƠNG
Nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, làng tranh dân gian Sình THÙY DƯƠNG
Làng hương Xuân Thủy THÙY DƯƠNG

Riêng tôi thì thấy chỉ dạo bộ bên sông Hương, đọc sách trong không gian cà phê đẹp là đủ thư thái sau nhiều ngày tất bật. Là một người đã tới Huế, tôi muốn nhắn nhủ lại: "Ai mệt thì về Huế thương!".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.