Có thể hiểu về bản chất, Trung tâm đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi là để thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia vào Trung tâm này thay vì đi nơi khác tìm cơ hội ưu đãi nhiều hơn. “Tuy nhiên, tôi cho rằng những ưu đãi về thuế, phí, thủ tục... không phải là vấn đề lớn với DN. Vấn đề lớn là Trung tâm đó đặt có đúng chỗ hay không? Các chính sách để họ tham gia kết nối thế nào”, ông Lam nói.
Một kho trữ lạnh sản phẩm thủy sản của Công ty CP Gò Đang, Tiền Giang |
Đình Tuyển |
Chia sẻ quan điểm về việc khi Trung tâm hình thành thì liệu rằng nông sản miền Tây có thoát cảnh bấp bênh được mùa mất giá, ông Lam nhận định, đầu ra cho nông sản có thể ổn định hơn với điều kiện Trung tâm có hạ tầng tốt, cùng với đó là vấn đề chi phí được giải quyết. Ông lấy ví dụ, trái cây xuất khẩu không được để ở ngoài tầm 1 tuần đến 10 ngày là hư.
Khi đó, nếu có các kho lạnh thì hoàn toàn có thể bảo quản trái cây từ 6 tháng đến 1 năm. Như vậy về nguyên tắc nông sản của nông dân có bị “dội chợ” vẫn có giải pháp khắc phục là mua và đưa vào trung tâm để tạm trữ tìm cơ hội khi có thị trường.
“Vấn đề ai là người đứng ra thu mua cho nông dân và ai trả chi phí lưu trữ kho lạnh. Chi phí lưu kho, vận tải, trữ hàng sẽ được hỗ trợ thế nào”, ông Lam nói và nhận định: “Chỉ khi thu hút được những DN đủ lớn có liên kết sản xuất chặt chẽ với nông dân, có đủ khả năng điều tiết sản lượng thì đầu ra cho nông sản mới không còn bấp bênh. Tất nhiên để DN làm được điều đó, nhà nước cần có những chính sách về tài chính để giúp họ đứng ra thu mua nông sản tạm trữ cho người dân khi cần”.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, điều quan trọng nhất của Trung tâm là phải thực sự trở thành cầu nối giữa các bên trong chuỗi sản xuất các ngành hàng nông nghiệp. Nông dân sẽ sản xuất theo địa chỉ, đặt hàng và DN bao tiêu ổn định, chủ động thị trường. Sự kết nối không chỉ giữa vùng nguyên liệu với DN sản xuất mà với cả các thị trường xuất khẩu thông qua nắm bắt thông tin từ các đại sứ quán, lãnh sự quán VN tại nước ngoài.
Chủ trương xây dựng Trung tâm là rất cần thiết nhưng đây mới chỉ là bộ khung. Để hoạt động cần rất nhiều yếu tố khác như những chính sách hỗ trợ DN phát triển, đội ngũ nhân lực giỏi trong cập nhật, quản lý dữ liệu từng loại nguyên liệu trên từng địa phương. Đặc biệt là các địa phương cần có chính sách giúp nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết doanh nghiệp, HTX để xây dựng lại đồng ruộng hướng tới sản xuất lớn, sản xuất nông sản chất lượng cao, tránh manh mún. Bên cạnh đó, cũng rất cần các địa phương ĐBSCL phát huy được những vùng sản xuất nông nghiệp thuận theo những điều kiện tự nhiên đặc thù. Chẳng hạn “vùng nước ngọt” (như An Giang, Đồng Tháp, Long An, một phần Kiên Giang…), tập trung cho lúa, là vùng đảm bảo nhiệm vụ an ninh lương thực. Vùng giữa đồng bằng có thể tập trung cho trái cây đặc sản, thủy sản nước ngọt. Vùng ven biển, có thể phát huy những mô hình một vụ lúa vào mùa mưa, nuôi tôm, cua, cá, phát huy một số cây trồng chống chịu mặn...
Bình luận (0)