Nông sản ĐBSCL trầy trật với chi phí logistics

Đình Tuyển
Đình Tuyển
10/04/2021 06:31 GMT+7

Ngày 9.4, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức tọa đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL ”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, cảng biển, DN logistics.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vùng lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, những hạn chế về cảng biển, giao thông, cở sở hạ tầng đang là những “nút thắt” quá lớn với hàng nông sản ĐBSCL. Thêm vào đó, ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn... Vì vậy, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm và phải đưa lên TP.HCM để xuất đi với chi phí rất cao.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre), chi phí vận chuyển chính là điểm nghẽn rất lớn, nhưng vấn đề “gốc rễ” còn là công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo. Điều này dẫn đến nhiều mặt hàng bắt buộc phải xuất đi bằng đường hàng không với chi phí quá cao. Chẳng hạn hiện tại cước vận chuyển của trái cây tươi VN sang Mỹ đã lên 6 - 6,2 USD/kg, rất khó để cạnh tranh. “Nếu bảo quản tốt, hàng xuất đi bằng đường biển thì chi phí sẽ giảm xuống chỉ bằng 1/15 lần cước xuất khẩu đường hàng không”, bà Vy nói.
Để giải quyết các “điểm nghẽn” vận chuyển, xuất khẩu nông sản ĐBSCL, ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ hàng hải Hậu Giang, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các cảng biển trên sông Hậu. Đây là vấn đề “sinh tử” đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TP.HCM, Long An với các tỉnh miền Tây Nam bộ, đảm bảo cho các loại sà lan trọng tải trên 3.000 tấn hoặc sà lan chở trên 120 TEU (container 20 feet) lưu thông thuận lợi hai chiều không phụ thuộc vào con nước. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa; đặc biệt là container lưu thông tuyến TP.HCM - Long An - Tây Nam bộ - Phnom Penh.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết dù là tỉnh có khó khăn, nhưng để phát triển logistics, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hậu Giang sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư ước tính 18.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, gia tăng liên kết vùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.