Tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN (VLA), cho rằng nông sản đang phải gánh chi phí logistics ở mức cao nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước khác. Theo khảo sát của VLA, chi phí logistics của sản phẩm hải sản thấp nhất cũng chiếm 12,1% giá thành sản xuất; rau quả chiếm tới 29,5%; sản phẩm gạo hiện có chi phí logistics cao nhất với 29,8% giá thành sản xuất.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú, bày tỏ chi phí vận chuyển nội địa quá cao đang là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản. Ông Quang dẫn chứng, cung đường vận chuyển nông sản từ TP.HCM đi các cửa khẩu phía bắc để xuất khẩu đi qua quá nhiều trạm thu phí cũng góp phần đẩy giá lên cao, đây là điều hết sức vô lý. “Một container tôm từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi đó Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa”, ông Quang nói.
Còn ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2.9 (Đắk Lắk), nhìn nhận các doanh nghiệp mua nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian cũng là nguyên nhân đẩy chi phí logistics lên quá cao. Trong ngành cà phê, doanh nghiệp của ông Huy hiện chỉ mua trực tiếp được 30% sản lượng cà phê, còn lại 70% phải mua qua trung gian. Theo tính toán, chi phí logistics cà phê từ nông dân cho đến nhà sản xuất và ra cảng TP.HCM hiện nay là 15 USD/tấn, cao gấp đôi chi phí vận chuyển hàng từ TP.HCM đi Nhật Bản chỉ có 7,5 USD/tấn.
Ông Nguyễn Duy Minh cho rằng để tháo gỡ điểm nghẽn chi phí logistics trong tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thì cần thiết phải hình thành các trung tâm logistics hiện đại. Hiện nay, Chính phủ đã nhìn rõ vai trò của ngành dịch vụ logistics nên về thể chế đã có nhiều quyết định cũng như kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến phát triển ngành này.
Bình luận (0)