Ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Philippines?

06/05/2022 20:00 GMT+7

Người dân Philippines sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 9.5, với bốn ứng viên hàng đầu bao gồm Ferdinand Marcos Jr., con trai cả của cựu lãnh đạo độc tài, và võ sĩ huyền thoại Manny Pacquiao.

Cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra vào ngày 9.5.

shutterstock

Philippines tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp sáu năm một lần. Do hiến pháp quy định mỗi người chỉ được làm tổng thống duy nhất một nhiệm kỳ, tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte không thể tái tranh cử, mặc dù ông vẫn nhận được tỷ lệ hài lòng cao. Cuộc đua đang diễn ra giữa 10 người kế nhiệm tiềm năng, theo Nikkei Asia.

Bốn ứng viên hàng đầu

Một thăm dò ý kiến của Pulse Asia Research vào tháng 3 cho thấy cựu thượng nghị sĩ Marcos, thường được gọi là "Bongbong", đứng đầu với tỷ lệ ủng hộ 56%. Trong số các ứng viên chủ chốt khác, Phó Tổng thống Leni Robredo đứng thứ hai với 24%, tiếp theo là Thị trưởng Manila Isko Moreno với 8% và chính trị gia xuất thân võ sĩ chuyên nghiệp - Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao với 6%.

Là con trai của một cựu tổng thống, ông "Bongbong" Marcos được biết đến rộng rãi cũng như có sự nghiệp chính trị lâu dài. Ông đã phục vụ ở cả thượng viện và hạ viện của quốc hội Philippines. Ông hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội, với khoảng 5,8 triệu người theo dõi Facebook.

Ông Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trong cuộc vận động tranh cử.

reuters

Ở Philippines, nơi những người trẻ tuổi chiếm một phần lớn cử tri, nhiều người không còn nhớ gì về những vi phạm nhân quyền xảy ra dưới thời cha của ông Bongbong, hay cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986 đã lật đổ nhà độc tài này. Những lời kêu gọi tái thiết nền kinh tế Philippines của ông Bongbong thu hút nhiều người trẻ tuổi ủng hộ ông trên Facebook, theo Nikkei Asia.

Bà Robredo đã gặp nhiều thách thức trong nỗ lực xóa nghèo ở Philippines và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Một phần vì bà đã đối đầu với tổng thống đương nhiệm, hơn 270 giáo sư đại học và nhà kinh tế học không hài lòng với chính quyền Duterte đã công khai bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho nữ phó tổng thống.

Bà Leni Robredo đang xếp thứ hai trong các cuộc thăm dò trước bầu cử.

afp

Ông Moreno, cựu diễn viên, đến từ Tondo, một khu "nhà nghèo" ở Manila. Là thị trưởng của thủ đô Philippines, ông đã có những nỗ lực để cải thiện vấn đề vệ sinh công cộng và nhà ở, cũng như chỉnh trang đô thị. Ông Moreno cam kết rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ tăng cường dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng của đất nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các thành phố cấp vùng.

Võ sĩ huyền thoại Pacquiao cũng nằm trong 4 ứng viên hàng đầu. Ông đã giải nghệ để tranh cử tổng thống, hứa hẹn sẽ xóa bỏ tình trạng tham nhũng trong chính phủ. Trọng tâm chú ý là liệu ông có thể kiếm thêm phiếu bầu bên ngoài hòn đảo Mindanao quê hương ông hay không.

Yếu tố Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những vấn đề phủ bóng lên cuộc bầu cử năm nay. Dù Philippines và Mỹ có quan hệ đồng minh lâu đời, Tổng thống Duterte đã xa cách với Washington, trong khi lại tỏ thái độ thân thiện với Trung Quốc bất chấp tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh và Manila có quan hệ thương mại chặt chẽ.

Lập trường của tổng thống Philippines tiếp theo đối với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh tại khu vực.

Ông Isko Moreno chụp hình với người ủng hộ.

facebook/isko moreno domagoso

Ông Bongbong có thể sẽ tiếp tục chính sách thân thiện với Trung Quốc của người tiền nhiệm. Sau khi gửi hồ sơ tranh cử tổng thống vào tháng 10 năm ngoái, ông đã đến Đại sứ quán Trung Quốc và nói chuyện với đại sứ, Nikkei Asia cho biết.

"Nếu bạn đề cập đến chính sách can dự với Trung Quốc của Tổng thống Duterte, đó là lựa chọn duy nhất của chúng ta", ông Bongbong nói tại một sự kiện hồi tháng 1. Nếu ông đắc cử, khả năng lớn là ông sẽ duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc để phục hồi nền kinh tế. Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, đứng đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Philippines.

Về phần mình, Phó Tổng thống Robredo nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề lãnh thổ. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Bất chấp điều đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp, xây dựng cũng như quân sự hóa các thực thể địa lý tại khu vực.

Gọi phán quyết của tòa trọng tài là "lá bài thuyết phục các quốc gia khác giúp đỡ chúng ta và cùng chúng ta ngăn chặn việc xâm phạm lãnh thổ", bà Robredo đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Thị trưởng Moreno từng nói Trung Quốc không phải là kẻ thù trong vấn đề Biển Đông, nhưng nên tôn trọng quan điểm của Philippines. Ông được coi là người sẵn sàng làm việc với các công ty Trung Quốc trong việc khai thác tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Nếu đắc cử, ông Moreno có thể sẽ đặt nặng vấn đề thương mại hơn trong quan hệ với Bắc Kinh.

Thượng nghị sĩ Pacquiao đề xuất thành lập một ủy ban chính phủ thảo luận về hòa bình với Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác với nước này. "Dù thỏa thuận của chúng ta với Trung Quốc là gì, điều đó cũng không được chà đạp lên các quyền của người dân Philippines. Chúng ta mong muốn trở thành bạn của tất cả các quốc gia và các thỏa thuận của chúng ta sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân trong nước", ông nói hồi tháng 2.

Cựu võ sĩ quyền Anh Manny Pacquiao.

reuters

Một câu hỏi khác là liệu tổng thống tiếp theo có tiếp tục các chính sách của ông Duterte hay không. Trong khi ông Bongbong được coi là gần gũi với đường lối chính sách của ông Duterte, bà Robredo và ông Pacquiao lại mâu thuẫn với tổng thống về Trung Quốc. Ông Duterte đã không công khai ủng hộ bất cứ ứng viên nào, một động thái được cho là bất thường.

Trong 6 năm cầm quyền của ông Duterte, đường sắt và tàu điện ngầm đã được xây dựng theo chương trình phát triển cơ sở hạ tầng được gọi đơn giản là "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng" ("Build, Build, Build"). Song một số dự án đang bị chậm tiến độ. Liệu tổng thống tiếp theo có ý định tiếp tục chương trình hay không là một câu hỏi quan trọng khác.

Kết quả bầu cử có thể sẽ rõ ràng trong vài ngày sau ngày bỏ phiếu 9.5. Tổng thống mới của Philippines sẽ nhậm chức vào ngày 30.6.

Trả lời Thanh Niên, ông Gregory Poling, chủ nhiệm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, cho biết các ứng viên có quan điểm rất khác nhau về Trung Quốc và Biển Đông.

"Bà Leni Robredo cho thấy lập trường rất cứng rắn về hành vi cưỡng bức của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà có lẽ sẽ đưa phán quyết trọng tài năm 2016 bất cứ lúc nào có cơ hội cũng như sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh với Mỹ để tăng cường khả năng răn đe (trước Trung Quốc)", ông Poling nói.

Nhà nghiên cứu lưu ý rằng ông "Bongbong" Marcos, người được xem là thân Trung Quốc hơn cả trong các ứng viên, đã hạ thấp vai trò của phán quyết trọng tài và nói sẽ không tìm kiếm sự can dự của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông.

"Song ông Marcos không chống Mỹ hay thân Trung Quốc như ông Duterte, cũng như không thể tự do hành động vì lực lượng vũ trang, bộ máy hành chính và công chúng ở Philippines ngày nay thậm chí còn chống Trung Quốc và thân Mỹ hơn so với 6 năm trước", ông Poling nhận định.

"Tôi nghĩ quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines sẽ được được làm sâu sắc hơn nếu một trong hai ứng viên này đắc cử", chuyên gia CSIS cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.