Ai tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan nâng khống giá trị tài sản thế chấp?

21/11/2023 08:59 GMT+7

Nhiều tài sản thế chấp của nhóm khách hàng tại Vạn Thịnh Phát và liên quan bà Trương Mỹ Lan không được định giá, nâng khống giá trị để đưa vào thế chấp tại SCB làm phương án vay.

Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã nâng khống giá trị các tài sản thế chấp đưa vào Ngân hàng SCB để rút tiền chi dùng cho nhiều mục đích khác nhau.

Giá trị tài sản thế chấp chỉ bằng 1/6 khoản vay

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) ngày 8.10.2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 61 về việc kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB. Để thực hiện báo cáo rà soát cho mục đích đặc biệt khi ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt, tất cả tài sản bảo đảm của các khoản nợ với tổng số dư trên 50 tỉ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và trên 10 tỉ đồng đối với khách hàng cá nhân điều được định giá lại theo yêu cầu của NHNN. 

5 đồng phạm người Việt Nam tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan đang bị truy nã là ai?

Đến ngày 3.1.2023, Ngân hàng SCB đã ký hợp đồng thuê Công ty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân thực hiện thẩm định giá tài sản tại thời điểm ngày 30.9.2022. Kết quả, giá trị các tài sản của Ngân hàng SCB là 295.940 tỉ đồng (tài sản cố định là 5.946 tỉ đồng; tài sản bảo đảm của các khoản vay còn dư nợ là 289.994 tỉ đồng).

Làm thế nào để bà Trương Mỹ Lan nâng khống giá trị tài sản thế chấp? - Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã nâng khống nhiều giá trị tài sản đưa vào thế chấp tại SCB

T.X

Liên quan đến các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP, trong giai đoạn từ ngày 1.1.2012 đến ngày 7.10.2022, có 1.166 tài sản bảo đảm cho 1.284 khoản vay, có tổng dư nợ (tính đến ngày 17.10.2022) là 677.286 tỉ đồng (gồm nợ gốc và lãi), có giá trị theo sổ sách là 1,265 triệu tỉ đồng. Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726/1.166 tài sản có giá trị định giá lại phân bổ là 253.561 tỉ đồng. Số 440 tài sản còn lại Công ty thẩm định giá Hoàng Quân không định giá do, các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không đủ phạm vi định giá lại.

Trong số 726 tài sản được định giá, theo đánh giá của Ngân hàng SCB, có 517 tài sản có đủ pháp lý thế chấp, cầm cố để được tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc hợp đồng thế chấp/cầm cố là 179.196 tỉ đồng. Số còn lại 209 tài sản không có đủ điều kiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định…). Do vậy, SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro. 

Như vậy, sau khi định giá lại tài sản đảm bảo cho các khoản nợ của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, giá trị tài sản đã giảm đi rất nhiều.

Điển hình của việc tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo dự án Mũi Đèn Đỏ. Cụ thể, Ngân hàng SCB đã giải ngân cho 100 khách hàng 137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ còn dư nợ 133.710 tỉ đồng (bao gồm gốc và lãi), chiếm 22% tổng dư nợ gốc nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP tại SCB. Theo đó, tài sản đảm bảo trên sổ sách là 584.487 tỉ đồng, trong đó tài sản đảm bảo là phần vốn góp, cổ phần là 433.473 tỉ đồng; quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỉ đồng; các bất động sản, quyền tài sản khác là 3.363 tỉ đồng. 

Thế nhưng, khi Công ty thẩm định giá Hoàng Quân thẩm định lại giá thì chỉ định giá trị là 22.003 tỉ đồng; tài sản bảo đảm là phần vốn góp, cổ phần không định giá được (vì cổ phần đã định giá trị vào quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỉ đồng); quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 18.317 tỉ đồng; các bất động sản khác là 3.686 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng SCB đánh giá về tài sản bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro với giá trị là 17.597 tỉ đồng, trong đó quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 17.597 tỉ đồng, các bất động sản khác là 0 đồng.

'Hệ sinh thái' gia đình của bà Trương Mỹ Lan gồm những ai?

Công ty thẩm định giá tiếp tay nâng khống giá trị tài sản thế chấp

Theo cơ quan điều tra, để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện được hành vi rút, chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB thông qua thủ đoạn vay, có sự tiếp tay của các công ty thẩm định giá.

Các công ty thẩm định giá đã thông đồng với các đối tượng tại Ngân hàng SCB phát hành chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ của nhóm Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP. Đó là Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty E XIM, Công ty DATC đã không thực hiện công tác thẩm định giá nhưng đã phát hành các chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để thông đồng, hợp thức thủ tục vay vốn, nâng khống giá trị.

Kết quả điều tra vụ án xác định: Về bản chất, việc đưa tài sản bảo đảm vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội. Có nhiều tài sản bảo đảm không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị, đưa vào thế chấp tại Ngân hàng SCB làm phương án vay. 

Cụ thể, có 684 khoản vay trên 1.284 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân; nhiều khoản vay được giải ngân trước, sau đó mới hợp thức hồ sơ vay và tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, có 201 khoản vay chưa được phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền.

Ví dụ, một trong những việc phát hành chứng thư nâng khống giá trị theo kết quả điều tra là  Võ Tấn Hoàng Văn - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB - đã chỉ đạo Lê Văn Chánh - nguyên Giám đốc định giá và tài sản SCB - nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá từ phòng Tái thẩm định chuyển cho Lê Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty E XIM và đề nghị Kiều Trang tiến hành thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty E XIM phát hành 17 chứng thư nâng khống giá trị tài sản để SCB sử dụng làm tài sản thế chấp, đảm bảo cho khoản vay của 11 khách hàng. Tổng số tiền đã giải ngân cho 11 khoản vay nói trên hơn 1.140 tỉ đồng; tổng nghĩa vụ trả nợ đến ngày 17.10.2022 lên hơn 1.550 tỉ đồng (bao gồm dư nợ gốc và lãi vay). Trong khi đó, giá trị tài sản đảm bảo được phân bổ để đảm bảo cho các khoản vay này theo định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và đánh giá đủ điều kiện pháp lý của SCB chỉ gần 565,7 tỉ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 300.000 tỉ đồng, tiền mặt kê biên chỉ hơn 2.000 tỉ

Các bị can tại Ngân hàng SCB đều khai nhận chỉ ký thủ tục hợp thức, không thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay theo quy định của pháp luật và quy trình của SCB về việc cho vay. Do vậy, cơ quan điều tra xác định toàn bộ số tiền gốc hơn 415.666 tỉ đồng mà Trương Mỹ Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn hợp thức để rút ra khỏi SCB đến nay còn dư nợ không trả được là số tiền mà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.