Al-Qaeda ở đâu 20 năm sau vụ khủng bố 11.9?
Các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ đã tiêu diệt được thủ lĩnh Osama bin Laden và làm cho al-Qaeda suy yếu. Nhưng tổ chức này vẫn chưa bị đánh bại và mối đe dọa từ al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác ở Afghanistan, dù đã giảm đi, nhưng chưa bao giờ biến mất.
Tự động phát
Mười năm sau khi thủ lĩnh Osama bin Laden bị hạ sát, al-Qaeda hiện không còn hình hài của mạng lưới khủng bố từng tấn công nước Mỹ vào ngày 9.11.2001. Dù vậy, nhóm này vẫn là một mối đe dọa không thể bỏ qua.
Sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt bin Laden ở Pakistan, thủ lĩnh kế tiếp của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri. Người này luôn phải ẩn nấp, chủ yếu quanh khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan, đến mức làm nổi lên nghi ngờ liệu ông có còn sống hay không.
|
Tuy nhiên, nhóm al-Qaeda thì đã biến đổi hoàn toàn khác. Không còn là một đầu não ra quyết định nhất quán nữa, hiện dàn lãnh đạo của tổ chức này có vẻ đóng vai trò “ban cố vấn” để thúc đẩy và hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan khắp thế giới.
Theo một báo cáo gần đây từ tổ chức Dự án Chống Chủ nghĩa Cực đoan, “dưới sự lèo lái của Zawahiri, al-Qaeda đang ngày càng trở nên phi tập trung hóa, và quyền quyết định chủ yếu nằm trong tay các lãnh đạo chi nhánh al-Qaeda” ở khắp nơi, từ Somalia đến Afghanistan, cũng như Syria và Iraq.
Mỹ đã đặt giá 25 triệu USD để bắt thủ lĩnh Zawahiri và đặt cái tên này trong danh sách truy nã khủng bố, nhưng theo giới phân tích, giới chức Mỹ dường như không quá lo lắng và không dồn hết nỗ lực để truy bắt người này.
Sự kém hứng thú của Washington có thể có nguyên nhân là al-Qaeda, trong vai trò trung tâm ra quyết định, đã suy yếu, trong khi nhóm IS đối địch lớn mạnh hơn.
IS đã thu hút sự chú ý của dư luận bằng giọng điệu cực đoan lan tràn trên mạng xã hội, và vào thời đỉnh cao đã lập ra một “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng tại nhiều vùng ở Iraq và Syria.
Al-Qaeda không muốn bị IS đưa vào quên lãng, nên 2 tổ chức này chẳng những không kết hợp lực lượng mà còn đánh nhau trên nhiều chiến trường ở Trung Đông và châu Phi, giành giật người và nguồn tài trợ.
Nhưng dù tả tơi vì xung đột và các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ, al-Qaeda vẫn chưa bị đánh bại. Giờ đây, với sự trở lại của Taliban tại Afghanistan, giới tình báo và quốc phòng phương Tây đang sợ al-Qaeda sẽ lợi dụng tình hình để tái lập lực lượng.
|
Một báo cáo của cộng đồng tính báo Mỹ vào tháng 4 nói al-Qaeda tiếp tục “lập âm mưu tấn công khủng bố công dân và quyền lợi của Mỹ”.
Trong thỏa thuận ký với chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 2.2020, Taliban cam kết sẽ không cho phép al-Qaeda dùng Afghanistan làm bàn đạp đe dọa an ninh Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó, một báo cáo của Liên Hợp Quốc nói rằng Taliban thường xuyên tham vấn al-Qaeda trong quá trình đàm phán với Mỹ và “đảm bảo rằng sẽ trân trọng quan hệ lịch sử giữa Taliban và al-Qaeda”.
Hôm 9.9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cảnh báo về khả năng al-Qaeda sẽ gầy dựng lại ở Afghanistan. Ông nói Mỹ đã sẵn sàng ngăn chặn sự trở lại hay các mối đe dọa từ nhóm khủng bố này.
Bình luận (0)