Nàng thư ký sôi sục
Xinh đẹp, sinh năm 1873 trong một gia đình tư sản Pháp; sau sự phá sản của doanh nghiệp gia đình, 17 tuổi, Alice Guy chuyển đến Paris, trở thành thư ký cho nhiếp ảnh gia Léon Gaumont, bắt đầu mê điện ảnh. Sự kiện thứ hai thay đổi cuộc đời cô là buổi chiếu phim Tan tầm và cuộc trưng bày máy ảnh của anh em nhà Lumière năm 1895, nơi cô thư ký thầm nhủ “Ta có thể làm tốt hơn”. Đầy háo hức, Alice viết hai dự án và được Gaumont chấp nhận dè dặt.
Alice Guy - nữ đạo diễn phim đầu tiên |
Thông minh, giàu sáng tạo, Alice Guy đã giúp Gaumont định hình nhanh công nghiệp điện ảnh, tiếp tục thử sức vai trò đạo diễn với những câu chuyện nhỏ tự viết. Hình ảnh người phụ nữ đẹp đi trong vườn bắp cải, từ đó nhặt lên những bé sơ sinh - như cách người ta giải thích việc sinh sản cho bọn nhóc khi đó - trong phim ngắn Cô tiên bắp cải duyên dáng đã thực sự nổi bật so với nhiều phim tự nhiên chủ nghĩa của Lumière, báo trước khởi đầu của loạt phim dài đưa Alice thành nữ đạo diễn đầu tiên trên thế giới.
Alice Guy và những hình ảnh của bà trên phim trường |
Getty Images |
Alice Guy nhanh chóng đảm nhận vị trí sản xuất của nhà Gaumont, quán xuyến hầu hết công việc của công ty từ kịch bản tới dàn dựng; bản thân cũng làm phim, viết kịch bản và đột phá với cách quay cận cảnh trong Madame à des envies, dù quay ở studio không khớp hậu cảnh nhưng cho phép khán giả đến gần diễn viên. Điều hành thao lược, Alice Guy đã đưa sản xuất của Gaumont tăng vọt, trở thành đối thủ cạnh tranh với Pathé. Sôi sục sáng tạo, Alice chạm đến mọi thể loại với tư cách sản xuất, biên kịch và đạo diễn, mà bộ phim Thằng gù nhà thờ Đức Bà chuyển thể Victor Hugo năm 1905 với bố cục nhiều lớp, cho thấy tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật vượt khuôn thước.
Nhiều người tin rằng The Jazz Singer năm 1929 là phim đầu tiên có âm thanh đồng bộ, thực tế Gaumont và Alice Guy bắt đầu làm phim có âm thanh từ năm 1902: Để thực hiện phim âm thanh, họ thu âm giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng trên máy hát. Sau đó quay ca sĩ hát nhép theo bản thu âm, tiếp tục đồng bộ hóa âm thanh và hình ảnh qua máy Chronophone. Được cấp bằng sáng chế, Gaumont dồn lực tiếp thị phát minh, Alice Guy đạo diễn và sản xuất 150 phim âm thanh để quảng bá sản phẩm. Đối mặt với tốc độ thành công, Alice thuê các biên kịch và đạo diễn khác cùng hợp tác, vận động xây dựng phim trường lớn năm 1905 và tiếp quản điều hành. Nhờ có studio hoành tráng ở Paris này Gaumont bắt kịp Méliès và Pathé, phim Cuộc đời và cái chết của Chúa Kitô dài 34 phút năm 1906 giữ kỷ lục với gần 300 quần chúng, 25 bối cảnh nội/ngoại, trong đó có vườn Fontainebleau huyền thoại. Alice Guy được gọi trân trọng là “Mademoiselle Alice”.
Mặt trời lên ở Mỹ
Năm 1907, Alice kết hôn với quay phim Herbert Blaché kém cô 9 tuổi, cùng được cử đến New York đại diện Gaumont. Sống bên chồng và sinh con nhưng nỗi nhớ phim trường khiến Alice Blaché quyết định thành lập Công ty Solax - trước cả Hollywood - sản xuất và đạo diễn hàng loạt phim rất thành công, trở nên giàu có và nổi tiếng khắp nước Mỹ. Khi mang thai con thứ hai, Alice bắt tay xây dựng rạp riêng tại Fort Lee, sau đó đạo diễn một số phim hành động, chiến tranh. Cùng với cô, diễn viên Winnie Burns đã thực hiện các pha nguy hiểm và ngoạn mục. Đối với hiệu quả đặc biệt, Alice đi xa đến mức làm nổ tung con thuyền thật, trong khi đồng nghiệp sử dụng mô hình. Những năm 1910, Alice nhận lời đạo diễn cho các công ty khác, chuyển sang các đề tài xã hội mang tính nhân văn.
Năm 1919, Blaché phản bội. Ly hôn và sụp đổ, Alice mang hai con trở về Pháp năm 1922, gian nan tìm lại chỗ đứng trong điện ảnh vì bị quên lãng. Để nuôi con, Alice viết truyện trẻ em bán cho các tạp chí. Năm 1964, Alice Guy trở lại Mỹ sống với con gái Simone và mất 4 năm sau ở tuổi 95. Năm 2012, Alice được Ủy ban Điện ảnh Fort Lee lắp đặt bia mộ mới thay cho bia gốc chỉ ghi tên, ngày sinh, ngày mất. Bia mới ghi Alice Guy là “Nữ đạo diễn phim đầu tiên”, “Phụ nữ đầu tiên đứng đầu hãng phim” và “Chủ tịch Công ty Solax, Fort Lee, NJ”. Ngoài ra, bia còn được trang trí logo mặt trời mọc của Công ty Solax.
Và bóng đêm ở Pháp
Vấn vương nghề nghiệp, Alice Guy dành những năm cuối đời tìm lại các mảnh giá trị của mình, nhưng phần lớn chứng từ về một trong những đạo diễn, nhà sản xuất giỏi nhất thời đại đó đã bị tiêu hủy, tệ hơn, nhiều công lao của bà đã bị chuyển tên cho những nam nhân khác. Năm 1930, công bố lịch sử công ty mà Alice Guy là giám đốc sản xuất đầu tiên và công cụ sáng tạo, Gaumont không nhắc tên tiền bối! Nếu Alice Guy nhận được Huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 1958 thì bao quanh công trạng của cô là chứng hững hờ, Viện Lưu trữ điện ảnh Pháp thậm chí không có chuyên gia về nữ đạo diễn, trong khi nhiều người cô tuyển dụng/bổ nhiệm được vinh danh. “Thật không thể hiểu nổi khi người Pháp không làm gì để công khai cuộc đời, sự nghiệp đáng kinh ngạc của công dân mình; trong khi chúng tôi làm mọi cách để biến nó thành bảo vật, dù cô ấy không có quốc tịch Mỹ”, nhà làm phim và biên kịch Mỹ Alison Mc Mahan nói.
Jackie Buet, người sáng lập và giám đốc Liên hoan phim Phụ nữ quốc tế Créteil - nơi các đạo diễn nữ Việt Nam thường xuyên có mặt, nói bà rất nghi ngờ ngành công nghiệp điện ảnh Pháp hướng tới phụ nữ khi đã quên Alice Guy, mà nguyên nhân theo bà có thể là chủ nghĩa sô-vanh nam. Jackie Buet cho biết rất khó khăn trong việc tìm các bản phim khi thực hiện tưởng nhớ Alice Guy, rằng “không thể tin người phụ nữ tài năng này lại không được biết nhiều hơn ở Pháp, trong khi đáng ra phải hàm ơn”. Đạo diễn Martin Scorsese, trong buổi trao Giải thành tựu trọn đời của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ năm 2012 cho Alice Guy, phát biểu: “Cô ấy đã viết, đạo diễn, sản xuất hơn ngàn bộ phim, nhưng bị lãng quên bởi chính ngành công nghiệp mà cô đã góp phần tạo ra, làm sáng chói”.
Alice Guy có phải nhà nữ quyền?
“Theo cách nào đó, có”, Alison giải thích. Rằng “Alice là một phụ nữ độc lập, tự dẫn dắt sự nghiệp riêng và bảo bọc gia đình, đã đạo diễn, sản xuất phim ngay cả khi phụ nữ chưa có quyền bầu cử”.
Alice có thể không phải nhà nữ quyền như chúng ta hiểu hôm nay, nhưng tất cả những gì bà đã làm/nói trong sự nghiệp của mình đều khẳng định phụ nữ bình đẳng cùng nam giới. Trở lại bộ phim tài liệu mà người xem nhận ra tình yêu thương, ngưỡng mộ, xót xa của các tác giả qua công phu tích lũy tư liệu, qua những cuộc phỏng vấn, âm nhạc, hiệu ứng đặc biệt…; nhưng do hình ảnh phim của Alice Guy quá hiếm nên tác phẩm bề thế cho cảm giác nghiên cứu hơn nghệ thuật. Dù vậy phim vẫn gây xốn xang, nhắc chúng ta về sự cấp thiết tri ân những người khai sáng trong tất cả lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Khi trên thế giới đến nay vẫn chưa có đến 10% nữ đạo diễn, Be Natural khiến cuộc đấu tranh công nhận Alice Guy càng trở nên thấm thía…
Bình luận (0)