‘Ấm lòng’ hình ảnh tiếp viên trưởng cõng cụ ông trên máy bay

21/06/2022 11:43 GMT+7

Chàng tiếp viên trưởng một hãng hàng không cõng cụ ông trên lưng, theo sau là một người đàn ông có tuổi khác gây sốt mạng xã hội vì hành động tử tế của mình.

Hình ảnh tiếp viên trưởng cõng cụ ông trên khoang máy bay đã làm “ấm lòng” cộng đồng mạng. Được biết, anh Lê Thanh Phong (34 tuổi, tiếp viên trưởng hãng hàng không Bamboo Airways) là người trực tiếp cõng cụ trên chuyến bay mang số hiệu QH147, khởi hành từ Hà Nội đến TP.Đà Nẵng hôm 15.6.

Hình ảnh tiếp viên hàng không cõng cụ ông gây sốt mạng xã hội

NVCC

“Để con cõng giúp chú!”

Anh Phong vẫn nhớ rõ hình ảnh người con trai gần 70 tuổi chậm rãi cõng cha mình đã gần 90 tuổi lên cửa sau của máy bay. Lúc này, dù đang đứng đón hành khách ở cửa trước, chàng tiếp viên trưởng nhanh nhảu chạy đến, đỡ lấy cụ ông trên lưng và mở lời: “Để con cõng giúp chú!”.

Người con trai có vẻ ngần ngại nhưng vì sự chân thành từ anh Phong, đã đặt cha mình lên lưng chàng tiếp viên trưởng và di chuyển theo sau. Lối đi giữa 2 hàng ghế hạn chế, anh bước chậm để vững chân.

“Chân cụ bị vôi hóa khớp gối nên không thể đi lại, tôi vừa cõng vừa nhờ chú (con trai cụ) đỡ phụ lưng ông, tay tôi vịn nhẹ đùi vì sợ làm cụ đau. Lúc đó chỉ tập trung và đi thật chậm để đến hàng ghế, lòng tự thấy hạnh phúc chứ không nghĩ nhiều”, anh Phong kể lại.

Nhìn sự hiếu thảo của người cha, anh Phong quyết tâm phải cõng cụ xuống máy bay

NVCC

Trong suốt chuyến bay, anh dành nhiều sự quan tâm đến hai cha con đã lớn tuổi này. Người con trai chăm cha mình từng chút một từ ăn uống, nắng rọi vào người cụ liền nhanh chóng hỏi xin tiếp viên hàng không hạ tấm chắn cửa sổ… Lúc này, anh Phong càng quyết tâm phải là người cõng cụ xuống khi máy bay hạ cánh.

“Tôi có thể điều phối một bạn tiếp viên khác hỗ trợ nhưng tôi muốn được tự tay giúp vì bản thân có vài kinh nghiệm chăm sóc người già. Ba tôi cũng vừa mới mất, điều này càng làm tôi động lòng trắc ẩn, thương chú và thương cả cụ”, anh Phong chia sẻ.

Lý giải tại sao không dùng xe lăn để hỗ trợ, anh Phong cho rằng lối đi trong hàng ghế rất hẹp, xe lăn thông thường sẽ không dùng được và những sân bay lớn mới có xe lăn nhỏ chuyên dụng.

Sau 1 giờ 15 phút di chuyển, máy bay cũng hạ cánh, anh Phong ân cần đến ghế đỡ cụ lên lưng mình để đưa xuống cầu thang. Lúc này, một tiếp viên trong tổ bay kịp lấy điện thoại chụp lại để anh làm kỷ niệm và nó trở thành một trong những chuyến bay hạnh phúc của anh.

“Trước đây, trong chuyến bay hành hương từ Ấn Độ sang thánh địa Mecca, đoàn người Ấn nghèo khổ đến mức lên máy bay nhưng không biết có nhà vệ sinh. Một cụ già đã yếu bấm bụng “đi” tại chỗ. Tôi dìu cụ vào nhà vệ sinh tắm rửa sạch sẽ, thay bộ đồ khác mà cụ mang theo. Lúc này cụ khóc và xoa đầu tôi, bản thân tôi cũng khóc theo”, anh Phong kể.

Người làm nghề tử tế

9 năm theo đuổi nghề tiếp viên hàng không, ít ai biết rằng anh Phong từng là một thuyền viên làm việc 12 - 14 giờ một ngày trong suốt 2 năm, từng nhiều lần thi vào ngành này nhưng không trúng tuyển. Áp lực tạo ra những nỗ lực và may mắn, anh bước chân vào nghề, cống hiến hết mình và giữ vị trí tiếp viên trưởng như hôm nay.

Một tháng, anh làm việc tối đa 80 - 90 giờ bay, có 8 ngày nghỉ nhưng phải sẵn sàng bay bất chợt nếu có yêu cầu. Những chuyến bay sớm, có hôm 2 giờ rưỡi sáng anh Phong đã thức dậy chuẩn bị, đồng hồ sinh học thay đổi liên tục vì đặc thù công việc nhưng anh vẫn khẳng định: “Được làm việc là một niềm vui, tôi tận hưởng mỗi giây phút đi làm và giữ nhiệt huyết với nghề”.

9 năm qua, anh đi làm là để “thưởng thức” công việc

nvcc

Anh Phong từng được chọn là nhân viên tiêu biểu của công ty giữa hàng trăm tiếp viên trưởng khác. Nhưng anh quan niệm, giải thưởng hay sự vinh danh chỉ là ghi nhận cho quá trình làm việc, còn động lực đi làm của anh chính là mong muốn được phục vụ và chăm lo cho con người.

Vẫn hay dặn nhân viên “phải nở nụ cười thật tươi và nhí nhảnh” trước hành khách, các chuyến bay mà anh Phong điều phối đều mang năng lượng tích cực, kết nối mọi người với nhau.

Nụ cười tươi luôn trên môi là nét đặc trưng của anh

NVCC

“Dù hôm qua có lỗi lầm hay chiến công thì cũng tạm quên, hãy bắt đầu ngày mới bằng tinh thần mới, nhiệt huyết và nụ cười trên môi, “thưởng thức” công việc của mình. Làm nghề phải chỉn chu và tử tế dù có khó nhọc thế nào. Tôi luôn cố gắng chỉ mong một ngày, tiếp viên hàng không Việt Nam sẽ được ghi nhận trên trường quốc tế”, chàng tiếp viên trưởng cõng cụ ông tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.