Phạm Thanh Thiện (26 tuổi, tiếp viên hàng không) đã gắn bó với nghề gần 4 năm. Thời điểm đó, mức thu nhập trong công việc này đối với một sinh viên mới tốt nghiệp như Thiện là khá tốt, cộng thêm những trải nghiệm mới mẻ của nghề đi làm xuyên quốc gia càng làm anh muốn theo đuổi nó lâu dài.
Thanh Thiện gắn bó với nghề tiếp viên hàng không được gần 4 năm |
NVCC |
Sáng ở Việt Nam, chiều sang nước bạn
Đặc thù công việc di chuyển xuyên quốc gia, buổi sáng chàng tiếp viên hàng không đang ở Việt Nam nhưng đến chiều lại có mặt ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Đường bay quốc tế mà công ty đang khai thác, Thiện gần như đặt chân trên tất cả các chuyến bay, chu du ở độ cao nghìn mét.
Lịch bay của Thiện sẽ được sắp xếp khác nhau phụ thuộc vào từng tháng. Thông thường vào dịp lễ tết, mùa hè, tháng du lịch thì anh sẽ có lịch bay dày hơn nhưng không quá 100 giờ bay và được nghỉ ít nhất 7 ngày trong tháng.
Luôn mang vẻ ngoài rạng rỡ tiếp đón hành khách nhưng với một tiếp viên bay tuyến quốc tế như Thiện, việc thay đổi múi giờ giữa các quốc gia đồng nghĩa giờ giấc ngủ nghỉ không cố định. Khó ngủ là một trong những tình trạng mà Thiện gặp phải vì cơ thể chưa kịp thích nghi.
Thiện có thể ngắm nhìn bao quát lãnh thổ ở độ cao nghìn mét |
NVCC |
“Vì thế, trước mỗi chuyến bay tôi sẽ ăn uống đầy đủ, đảm bảo ngủ đủ giấc. Ngày nghỉ thì dành thời gian chăm sóc bản thân, tập luyện thể thao… Đây là bí quyết giúp tôi giữ sức khỏe, nạp năng lượng cho cơ thể và luôn tươi tắn trong mỗi chuyến bay”, Thiện chia sẻ.
Bỏ qua những khó khăn trong nghề như không được bên gia đình dịp lễ tết, ảnh hưởng sức khỏe vì bay thời gian dài và thay đổi thời tiết, môi trường hay áp lực từ hành khách… Thiện vẫn hạnh phúc với nghề.
Không nghỉ trưa như nhân viên văn phòng
Đặc biệt, nghề tiếp viên hàng không không có giờ nghỉ trưa cố định. Theo Thiện, công việc này chỉ có giờ làm nhiệm vụ và ngày nghỉ theo lịch, còn trên chuyến bay sẽ không có “1 giờ 30 phút nghỉ trưa như một nhân viên văn phòng”.
Công việc đặc thù là phục vụ hành khách, khách cần phải có mặt để hỗ trợ ngay lập tức nên giờ nghỉ trưa của cả tổ bay sẽ không được xác định cụ thể. Giờ nghỉ ngơi hiếm hoi của một tiếp viên hàng không cũng là giờ ăn uống và thường diễn ra vỏn vẹn 7 - 10 phút.
Chàng trai 26 tuổi mộc mạc trong bức ảnh đời thường |
NVCC |
“Chúng tôi sẽ tranh thủ dùng bữa luân phiên nhau sau khi hoàn thành xong phần nhiệm vụ của mình để đảm bảo sẽ luôn có người túc trực hỗ trợ khi một tiếp viên khác đang ăn uống. Nghề này không có chuyện 'ngả lưng chợp mắt' như nhân viên văn phòng đâu, không phải bỏ bữa là vui rồi”, Thiện cười nói.
Ăn uống ở độ cao nghìn mét sẽ có những bất cập như món ăn không quá đa dạng, hạn chế loại thực phẩm dạng nước để tránh trường hợp khi máy bay rung lắc sẽ đổ thức ăn hay mùi quá nồng vì khó thoát khí ra ngoài…
Sau khi dùng bữa, Thiện lại tiếp tục nhiệm vụ của mình như kiểm tra khoang hành khách, phục vụ chăm sóc và giải đáp thắc mắc, yêu cầu của khách suốt chuyến bay, quan sát để kịp thời hỗ trợ khi khách có nhu cầu…
Không có “1 giờ 30 phút nghỉ trưa” ở nghề tiếp viên hàng không |
NVCC |
Tác phong chuyên nghiệp và luôn tràn đầy năng lượng dù chuyến bay có kéo dài hơn 10 giờ, Thiện tâm niệm: “Hành khách luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Với một tiếp viên hàng không, sự hài lòng của khách trong chuyến bay chính là thành công của cả tổ. Ăn trễ, bỏ bữa hay mệt một chút cũng không sao”.
“Nghề đi làm xuyên quốc gia này đồng nghĩa với việc được khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ nhiều người. Tiếp xúc với con người liên tục giúp tôi học hỏi và trưởng thành nhiều hơn, biết cách ứng xử trong nhiều tình huống bất ngờ…”, chàng tiếp viên hàng không tâm sự.
Bình luận (0)