Đi chụp hình máy bay có gì thú vị?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
12/03/2022 11:32 GMT+7

Hồi hộp đợi “chim sắt” cất, hạ cánh đến chụp hình hụt nhiều lần… đó là những trải nghiệm thú vị của những người trẻ hay đi săn ảnh máy bay.

Săn ảnh máy bay tại quán cà phê ở Q.Gò Vấp

tấn đạt

“Có lúc máy bay đáp xuống rồi lại nảy lên rồi đáp xuống”

Đầu tháng 3, chúng tôi dịp đi thư giãn tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Công, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ở tiệm nước này, ngoài thưởng thức những đồ uống ngon miệng, giá rẻ thì mọi người được nhìn thấy máy bay ngoài đời thật một cách gần nhất có thể. Nhiều người trẻ cũng tìm đến đây để săn phương tiện trên không này.

Bạn trẻ cũng đến đây chụp hình với máy bay

tấn đạt

Theo như quan sát, tại con đường Nguyễn Văn Công có rất nhiều quán cà phê được dựng lên với view nhìn bao quát đường băng sân bay Tân Sơn Nhất nên có thể dễ dàng chiêm ngưỡng máy bay, nhìn rõ của hãng nào. Được biết, máy bay hạ cánh trung bình 7 đến 10 phút/1 lần. Tuy nhiên để chụp được loại phương tiện này đang bay một cách dễ dàng thì mọi người phải nhanh tay vì mỗi lần chúng đáp ngay tầm mắt chỉ từ 5 - 7 giây, nếu không sẽ... đợi chuyến sau.

Nhiều quán cà phê có view sân bay ở Q.Gò Vấp

tấn Đạt

5-7 phút sẽ có một chuyến bay đáp xuống

tấn đạt

Cũng đến đây để săn hình máy bay, anh Nguyễn Nhật Minh, 30 tuổi, quê Tiền Giang cho hay sau khi biết tin các hãng hàng không nhộn nhịp trở lại anh lập tức hẹn với bạn của mình để chụp hình, cũng như thăm hỏi sức khỏe nhau sau mùa dịch kéo dài.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát anh Minh hay đi ghi lại những khoảnh khắc của máy bay đáp và cất cánh. Đến hiện tại, anh Minh sưu tầm hàng chục bức ảnh máy bay của nhiều hãng trong và ngoài nước.

Trước khi dịch Covid-19, anh Mình cũng hay đi chụp hình máy bay

Nhật minh

Theo anh Minh chụp ảnh “chim sắt” khó nhất ở chỗ bắt được những khoảnh khắc khi máy bay chồm tới, hạ cánh xuống đường băng. Anh luôn cần những thiết bị có thể chụp được thật xa. Nếu sử dụng máy ảnh thì phải có ống kính tiêu cự xa. Còn với điện thoại thì nên quay video sẽ đẹp hơn.

Anh Minh chăm chú săn máy bay

tấn đạt

“Đi săn "chim sắt" hấp dẫn nhất là lúc gió to, máy bay đáp lắc lư 2 bên cánh hoặc có thể bị đảo nhẹ. Hồi hộp nhất là có lúc máy bay đáp xuống rồi lại nảy lên, rồi đáp xuống thêm lần nữa mới thành công. Có những chiếc đáp nghiêng 1 bên nhìn rất nguy hiểm. Lúc đó, tôi thán phục anh phi công có thể xử lý được trong những tình huống khó như thế", anh Minh kể lại.

Bức ảnh độc đáo anh Minh ghi lại được tại sân bay Tân Sơn Nhất

nhật minh

Sân bay nhộn nhịp trở lại sau mùa dịch Covid-19

nhật minh

Rồi anh Minh còn tiếc nuối: "Tôi thường dành gần 4 tiếng đồng hồ để săn máy bay. Có lần trong lúc nói chuyện uống cà phê với bạn bỏ mất một chiếc máy bay của hàng hàng không Aeroflot của Russia (Nga) rất ít khi chụp được”.

“Việc chụp ảnh máy bay giúp tôi biết thêm được nhiều số hiệu, loại máy bay của các hãng nước ta và nước bạn, được giao lưu học hỏi với các anh chuyên nghiệp hay săn máy bay. Nhìn thấy được cận cảnh chúng khi đáp rất thú vị. Với tôi, chụp ảnh, ngắm máy bay như một thú vui thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi”, anh nói.

Nét đẹp của phương tiện trên không

nhật minh

Với anh Minh, việc đi chụp hình máy bay giúp anh thư giãn

nhật minh

Muốn ghi lại một phần lịch sử của các hãng hàng không

Bên cạnh đó, nhiều người xem việc đi săn hình máy bay là một sở thích cho riêng mình.

Điển hình như anh Trần Đăng Khoa (37 tuổi, quê Hà Đông, Hà Nội) ngoài có những bức hình "chim sắt" tại nhiều sân bay ở Việt Nam, anh Khoa còn tạo cho mình một kênh YouTube mang tên "Dang Khoa QS" với nội dung là những video đơn giản, vỏn vẹn vài phút nhưng cung cấp cho người xem rất nhiều thông tin chi tiết như đó là hãng máy bay nào, giới thiệu sơ nét về chiếc máy bay…

Chiếc a330 cuối cùng rời khỏi đội bay của Việt Nam Airlines vào ngày 17.8.2019

Trần đăng khoa

Với những việc làm trên, anh Khoa muốn ghi lại một phần lịch sử của các hãng hàng không và các sân bay ở Việt Nam. Cũng như các loại máy bay và các hãng hàng không nước ngoài đến Việt Nam. "Sau này có điều kiện tôi sẽ ra nước ngoài quay các sân bay đặc biệt trên thế giới", anh Khoa hy vọng.

Anh Khoa cho hay lần gần đây nhất là đi quay, chụp máy bay ở sân bay Cam Ranh. Ở đó có thể đứng ở trên cầu Long Hồ ngắm toàn cảnh máy bay cất, hạ cánh.

Chiếc 787 đầu tiên của Bamboo về Việt Nam vào ngày 22.12.2019

trần Đăng khoa

"Điều ấn tượng nhất với tôi về cảng hàng không Cam Ranh là trồng rất nhiều hoa giấy, đủ màu sắc, rất đẹp. Bình thường thì tôi săn hình máy bay ở sân bay Nội Bài, đây là một trong hai sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam nên có nhiều máy bay, cả trong và ngoài nước", anh chia sẻ.

Anh Khoa cho hay sở thích nhìn máy bay của anh có từ bé nhưng chỉ săn... bằng mắt. "Hồi đó dù đang học trong lớp mà nghe thấy tiếng máy bay hay trực thăng là tôi phải xin phép để chạy ra ngoài sân trường ngắm cho bằng được", anh thích thú nói.

Anh Khoa cho hay trong hình là chiếc A380 Hifly Malta đến Nội Bài ngày 1.2.2020 trước khi bay đi Vũ Hán, Trung Quốc để sơ tán các công dân châu Âu trong đợt đầu dịch Covid 19 bùng phát.

trần đăng khoa

"Hồi bé bố mình đi Liên Xô nên mỗi lần đón bố về phép là lại được lên Nội Bài ngắm máy bay cả ngày. Tôi thấy việc săn hình máy bay ở Việt Nam ít người xem là một đam mê “bình thường”. Các sân bay của Việt Nam cũng không quan tâm đến Air Spotter (người chụp ảnh hàng không) như nhiều sân bay trên thế giới nên khó tìm được vị trí chụp đẹp. Trừ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng là có nhiều quán cà phê ngắm máy bay", anh Khoa thông tin thêm.

Niềm vui của anh Khoa là săn được một chiếc máy bay mới lạ, đặc biệt. Đối với những người yêu thích phương tiện trên không này thì không chỉ phân biệt loại máy bay mà còn là hãng bay và sự nhận dạng của từng chiếc máy bay.

Ngoài chụp ảnh máy bay, anh Khoa còn làm nhiều video cảnh máy bay đáp, cất cánh trên youtube mang tên "Dang Khoa QS"

Trần đăng khoa

Anh Khoa còn tâm sự: "Buồn nhất là săn hụt một chiếc đặc biệt. Sân bay Nội Bài nằm khá xa thành phố nên nhiều khi tắc đường chạy đến nơi thì chiếc đặc biệt đã hạ cánh mất rồi. Tốn công không tiếc bằng việc rất có thể không gặp lại chiếc đó đến lần thứ hai. Tôi thích ghi lại chiếc máy bay “động” hơn là “tĩnh” Việc săn máy bay gần như là mục đích sống hay gọi là “sự nghiệp” cũng được, đối với bản thân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.