Âm nhạc hướng đến sự an dịu

Nguyên Vân
Nguyên Vân
17/04/2022 07:30 GMT+7

Thuật ngữ âm nhạc chữa lành ngày càng trở nên phổ biến hơn khi không chỉ được sử dụng kết hợp trong trị liệu, chăm sóc sức khỏe tinh thần mà gần gũi hơn qua các dự án nhiều của nghệ sĩ.

Không dừng lại chỉ một vài ca khúc xoa dịu hay MV lan tỏa năng lượng tích cực, nhiều ca - nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đã chú trọng hơn đến yếu tố chữa lành mà âm nhạc mang lại khi thực hiện các dự án nghệ thuật của mình.

Đình Bảo sẽ phát triển nhánh âm nhạc chữa lành

NSCC

Sau khi phát hành MV với ca khúc do mình sáng tác - Sống như tia nắng mặt trời (2021), một sản phẩm âm nhạc mang tình kết nối và lan tỏa tình yêu thương, ca sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Đình Bảo vừa giới thiệu dự án âm nhạc chữa lành với chuỗi sản phẩm phát trên các nền tảng số lẫn album vật lý. Theo Đình Bảo, khi đại dịch bùng phát, chứng kiến đau thương mất mát từ những người thân yêu của mình, anh từng bị stress nặng, đóng mạng xã hội vì tâm lý không đủ sức để tiếp nhận thêm bất cứ điều gì. Đó cũng là giai đoạn anh sống chậm lại, chia sẻ thời gian nhiều hơn với gia đình, tìm về với thiên nhiên… và “nhận ra chỉ có tình yêu thương mới có thể hàn gắn, chữa lành tất cả những vết thương…”.

Album Cây lặng, gió ngừng

Thời Đại

Theo anh, tình yêu thương có sức mạnh lan tỏa nhanh chóng nhất, có thể vực ta đứng dậy và bước tiếp sau những vấp ngã, nỗi đau, nó khiến ta không còn ngại gian nan nguy hiểm và đó là thứ người ta có thể cho đi mà không bao giờ cạn kiệt. Nếu ca khúc Sống như tia nắng mặt trời là sản phẩm thử nghiệm cho nhánh âm nhạc mới mà anh theo đuổi - âm nhạc chữa lành, thì với dự án sắp ra mắt, Đình Bảo dày công chăm chút hơn khi cùng với trải nghiệm bản thân, tìm hiểu thực tế, vốn kiến thức đã học (chuyên ngành anh đang nghiên cứu có music therapy - liệu pháp âm nhạc), anh kết hợp các nhà tâm lý để cùng sản xuất, nhằm có thể đưa ra những sản phẩm về âm nhạc chữa lành sao cho hiệu quả nhất. Trong dự án này, như anh chia sẻ, thiền sư Minh Niệm cũng là người rất nhiệt tâm và dành nhiều thời gian cùng hợp tác.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất của trị liệu và chữa lành là bất kỳ tác động nào làm an dịu hoặc giảm nhẹ những cảm nhận tiêu cực, thì âm nhạc trong một số công đoạn có thể có tác dụng này

PSG-TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Vài tháng qua, đĩa nhạc Cây lặng, gió ngừng của Lê Cát Trọng Lý được chia sẻ nhiều lẫn gợi ý “nên nghe” không chỉ vì mỗi lần ra sản phẩm/làm concert là một lần “xáo động” cộng đồng hâm mộ, mà bởi đây là album, theo Lý, “với những bài hát dịu dàng, dễ nghe, nhiều tình cảm; âm nhạc ở album này như một lời an ủi và tri ân đến những ân tình chúng ta có thể dành cho nhau”. Trong album có âm thanh của clarinet, flute, guitar và piano cổ điển (do nghệ sĩ cello Nguyễn Thanh Tú phối khí); và những bài hát được Lý viết trong 2020 và 2021 - 2 năm đại dịch, 2 năm ở yên, như Lý nói, có lẽ khiến nhiều người trong chúng ta thay đổi ít nhiều trong suy tư, nghĩ lại cái gì quan trọng với mình, chăm sóc lại ngôi nhà của mình bên ngoài và nơi trú ẩn thực sự bên trong mình. Các bài hát, do đó, cũng được cô viết và hát với tâm thế an dịu hơn, bình thản hơn, và có vẻ đã nhận được sự đồng cảm, lắng nghe một cách “chạm” hơn từ người thưởng thức. Có thể cảm nhận điều này qua những Giậm chân tức tối, Vờ như, Đã trôi hết sạch, So sâu…, khi Lý hát về thái độ đón nhận những gì không như ý, hát để “quên vết thương chìm dưới sâu” khi “thứ đã qua trôi mất rồi”, hát để thủ thỉ với mọi người hãy thương yêu nhau thật sâu…

Có vẻ những lời hát ấy “rơi” đúng thời điểm, khi 2 năm đại dịch đã chi phối đời sống vật chất và ảnh hưởng đời sống tinh thần của biết bao người. Và nhạc của Lý hiện diện như niềm ủi an! Cùng với đĩa nhạc này, những dự án của các nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, Phạm Hải Âu, Nguyễn Minh Cường… từng chia sẻ sẽ hướng đến không gian nghe thoáng đãng, giàu năng lượng với tình yêu thương rộng lớn hơn, mang mọi người đến gần nhau hơn và chan hòa với thiên nhiên hơn.

Quan tâm hơn đến đời sống tinh thần

“Âm nhạc vốn đã gắn liền đời sống của con người từ xưa đến nay, nhưng đó là một cách tự phát. Khi có sự nghiên cứu rõ ràng hơn về sự tác động của âm thanh, âm nhạc vào trí não, mình sẽ biết nghe những gì, thời điểm nào sẽ phù hợp, tốt hơn cho tinh thần, tâm lý của mình. Ví dụ khi buồn ta chọn nhạc gì nghe để xoa dịu, khi vui thì nghe nhạc gì để tăng thêm niềm hứng khởi…”, Đình Bảo chia sẻ.

Việc những khóa học cảm thụ âm nhạc, cân bằng cảm xúc bằng âm nhạc/nghệ thuật hay âm nhạc trị liệu được tổ chức nhiều hơn đã phần nào phản ánh nhu cầu chăm sóc đời sống cảm xúc, tinh thần của người dân bắt đầu tăng lên. Người nghe nói chung đã biết và muốn sử dụng sự ảnh hưởng tích cực của âm nhạc/nghệ thuật như một cách thức để cân bằng cuộc sống. Và như chia sẻ của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, theo lẽ tự nhiên, những dạng thức âm nhạc nào mang lại cho mọi người sự chữa lành và năng lượng tốt, sẽ được đón nhận nhiều hơn.

Theo PSG-TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội): “Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất của trị liệu và chữa lành là bất kỳ tác động nào làm an dịu hoặc giảm nhẹ những cảm nhận tiêu cực, thì âm nhạc trong một số công đoạn có thể có tác dụng này”. Việc các nghệ sĩ sản xuất, tổ chức các dự án âm nhạc hướng đến yếu tố chữa lành là lẽ phù hợp và tốt đẹp; song, như ông nói, thực tế hiệu quả ra sao thì sau đó cần có nghiên cứu kiểm chứng.

Ông ví dụ, trong chương trình can thiệp bằng âm nhạc để nâng đỡ cảm xúc cho người trầm cảm, người ta nghiên cứu và phát hiện ra rằng đầu tiên phải sử dụng âm nhạc buồn để tạo được sự đồng cảm và gắn kết với cảm xúc của người trầm cảm; sau khi đã tạo được sự gắn kết, âm nhạc ngày càng dùng tiết tấu nhanh và vui hơn để kéo cảm xúc tích cực của mọi người; kéo cảm xúc đến lúc nào thì có thể truyền tải các thông điệp truyền cảm hứng... Tất cả đều phải dựa vào nghiên cứu. Vậy nên, ông cho rằng: “Nghệ sĩ muốn triển khai dự án thực sự có ý nghĩa xã hội thì hãy tận dụng những nhà chuyên môn, nhà tâm lý... và cần xây dựng các chương trình âm nhạc chữa lành dựa trên lý thuyết lẫn bằng chứng khoa học, cần tổ chức thực nghiệm ở diện hẹp để đảm bảo những tác động tích cực trước khi triển khai thành những dự án to lớn cho số đông”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.