Ẩm thực chính là sự trải nghiệm

25/01/2023 16:35 GMT+7

Với tôi, ẩm thực chính là sự trải nghiệm. Vì không ai nói được về ẩm thực nếu chưa từng ăn những món mà mình nói tới. Cứ phải ăn đã, rồi mới nói.

Người xưa nói “Học ăn học nói học gói học mở”. Nghĩa là, phải ăn trước rồi mới nói sau, phải biết gói trước rồi mới biết mở sau. Tôi khâm phục Thạch Lam và Vũ Bằng vì các ông ấy ăn trước rồi mới viết sau, có ăn món nào mới dám viết về món đó. Chưa ăn thì chưa viết. Như thế, người viết ẩm thực chính là người theo thuyết “tiên nghiệm” (transcendentalism), mà “tiên nghiệm” ở đây có thể hiểu (qua tiếng Anh) chính là sự trải nghiệm. Như vậy, nhà văn là người theo thuyết tiên nghiệm đầu tiên, vì hầu hết những gì họ viết ra đều là kết quả của những trải nghiệm. Dĩ nhiên, còn là kết quả của trí tưởng tượng, nhưng trí tưởng tượng là gì, nếu không phải là kết quả của sự trải nghiệm trong vận động vô thức của tâm hồn và xúc cảm.

Một số ấn bản Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng

H.M

Đã có thời gian, cách đây vài ba chục năm rồi, cứ mỗi Tết đến là tôi được một tờ báo Phụ nữ đặt bài viết về ẩm thực. Chị Phó tổng biên tập gọi điện nói với tôi: “Anh muốn viết gì cũng được. Cứ yên tâm viết, chúng tôi sẽ đăng”. Đó là lời cam kết mà những người viết thuê cần nghe nhất mỗi khi có ai đó đặt bài. Và đúng như vậy thật. Những bài viết về ẩm thực dịp Tết của tôi đều được báo này đăng, nhuận bút cao tới mức tôi phải ngạc nhiên. Chợt nhớ, một bậc thầy về viết ẩm thực là nhà văn Vũ Bằng, sau hòa bình năm 1975 đã phải sống rất khổ cực. Tác giả của Thương nhớ mười hai không thể viết gì về ẩm thực được nữa, vì có được ăn món gì ngon hay lạ miệng đâu để viết. Những món ăn Bắc ngon nhất, để lại nhiều kỷ niệm nhất, hằn trong ký ức sâu sắc nhất thì đã viết rồi. Còn sau hòa bình, đang lúc ai cũng khổ, tác giả Thương nhớ mười hai cũng rất khổ, làm sao viết về ẩm thực bây giờ? Và nếu mình viết, liệu có báo nào dám đăng?

Vì hồi đó, chưa ai biết Vũ Bằng hoạt động trong một đường dây tình báo của Việt cộng, chỉ biết ông nhà văn này đã từng bị nhà văn Nam Cao đưa vào truyện ngắn Đôi mắt nổi tiếng của Nam Cao từ hồi mới kháng chiến chống Pháp. Truyện ngắn ấy viết hay quá, sinh động quá, và nhân vật Hoàng trong truyện thú vị quá, lại là nhân vật “gần như phản diện” nên người đọc cứ nghĩ Vũ Bằng là nguyên mẫu, chắc đúng là như vậy. “Tiên sư anh Tào Tháo!” là một câu nói của nhân vật Hoàng trong truyện ngắn này găm vào độc giả sâu quá, cứ nhắc tới Hoàng là nhớ ngay câu chửi “không lập trường” ấy.

Cái đận sau hòa bình, qua lời kể của một người vốn là cháu Vũ Bằng khi tìm vào Sài Gòn gặp ông nhà văn chưa được chế độ mới trọng dụng, kể về nỗi khổ cực thiếu thốn của “nguyên mẫu nhân vật Hoàng”. Tôi cứ nghĩ, nếu hồi đó, có vị lãnh đạo một tờ báo nào, vì quá yêu tác phẩm Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng mà mời ông viết về ẩm thực nhân dịp Tết, thì chắc ông phải từ chối, dù nhuận bút hứa trả cao, vì đang ở “thân phận nghèo khổ” như thế, mà viết về ẩm thực, thì… khó nghĩ quá.

Những món ăn đã vào ký ức văn học của một nhà văn có biệt tài về viết ẩm thực và đã trải nghiệm những món ăn mà mình viết

HẠ MINH

Ẩm thực là kết quả của trải nghiệm. Đúng như vậy. Nếu trong ký ức Vũ Bằng không cồn cào lên nỗi nhớ Hà Nội ngày xưa cũ, nhớ những món ăn trong gia đình mình ngày xưa ấy, những món ăn do vợ mình tự tay nấu, thì làm sao chúng ta có tác phẩm Thương nhớ mười hai để đọc và nắc nỏm mãi về những món ăn “theo mùa theo tiết” mà Vũ Bằng đã tả một cách… ngon tuyệt vời. Vì những món ăn ấy đã vào ký ức văn học của một nhà văn có biệt tài về viết ẩm thực và đã trải nghiệm những món ăn mà mình viết.

Phải chi hồi đó, Vũ Bằng được công nhận ngay là người hoạt động trong đường dây tình báo của cách mạng, được trọng dụng, được chăm sóc và khuyến khích viết văn, thì biết đâu, ông sẽ có tác phẩm Ẩm thực ngày hòa bình, với những bài viết tuyệt hay về những món ăn dân dã được tôn vinh vào thời khó khăn đói kém ấy.

Văn học của một nhà văn, dù là nhà văn rất có tài, đều chứa nhiều yếu tố may rủi. Có những tác phẩm lẽ ra đã được viết, nhưng cuối cùng, không viết được. Có những tác phẩm nhà văn ôm ấp trong rất nhiều năm, cuối cùng, chỉ còn là nỗi nhớ về đứa con lẽ ra đã được chào đời.

Nhưng những món ăn ngon, những món ăn được xếp vào bảng “ẩm thực danh dự”, thì phải được chế tác ra, phải xuất hiện thường xuyên, phải được nhiều người ăn công nhận là ngon, là đặc sắc, thì khi một nhà văn cỡ Thạch Lam hay Vũ Bằng viết ra, nó mới có cuộc sống lâu dài tới mức, khi nhiều món ăn trong số đó đã… chết, nó vẫn sống dài dài trong sách in. Và tiếp tục được nhiều người đọc đón nhận hồ hởi như khi chính họ được thưởng thức những món ăn đó.

Ẩm thực là trải nghiệm, chính như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.