Ẩm thực Việt trên truyền hình: Đâu chỉ là giải trí

Nguyên Vân
Nguyên Vân
17/03/2021 06:39 GMT+7

Ngày càng nhiều game show, chương trình thực tế về ẩm thực phủ sóng từ màn ảnh nhỏ đến nền tảng trực tuyến giúp người xem “yêu bếp nghiện nhà” lẫn kích thích nhu cầu khám phá sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực Việt.

Mỗi show một vẻ

Dẫn đầu trong việc sản xuất các chương trình truyền hình về  văn hóa ẩm thực phải kể đến Công ty Điền Quân, khi đã sở hữu 2 mùa của show truyền hình thực tế Taste of Vietnam: Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan (mùa 1) và Khám phá Việt Nam cùng Robert Danhi (mùa 2), 6 mùa game show Thiên đường ẩm thực, Góc bếp thông minh và sắp tới sẽ là Bữa ngon nhớ đời (phát trên HTV7 từ ngày 18.4). Trong đó, nếu chương trình thực tế khám phá Việt Nam cùng 2 đầu bếp nổi tiếng cho người xem thưởng lãm các danh lam thắng cảnh cũng như nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng tại các vùng miền, đã ít nhiều ghi dấu ấn với bạn bè thế giới (mùa 1 được chiếu trên mạng lưới hơn 300 trạm thu phát sóng truyền hình tại khu vực Bắc Mỹ), thì Thiên đường ẩm thực là game show về ẩm thực có “tuổi thọ” lâu đời hiện nay cùng độ lan tỏa mạnh mẽ với người xem, khi ẩm thực Việt cũng như món ăn nổi tiếng châu Á được người Việt yêu thích hiện lên gần gũi qua sự dẫn dắt của MC Trường Giang.
Bên cạnh đó, nhắc đến show ẩm thực trên truyền hình hay gần đây là trên các ứng dụng, không thể không kể đến các chương trình thu hút lượt xem khá cao (khi được đăng tải trên kênh YouTube của chương trình) nhờ tính thiết thực: Đấu trường ẩm thực (VTV9), Bếp vui bùng vị, Muốn ăn phải lăn vào bếp (HTV2), Chuẩn cơm mẹ nấu (VTV3), Bếp chiến, Khẩu vị ngôi sao, Khi chàng vào bếp (HTV7), Bếp ngọt (HTV9), Street Food Stories với mùa 1 về Ẩm thực Chợ Lớn, mùa 2 quay ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, Amazing Vietnam với 2 mùa: Tây Bắc kỳ bí và Chuyện xứ ngũ Quảng (phát trên nền tảng POPs)…
Theo nhà sản xuất Bửu Điền (CEO của Công ty Điền Quân): “Thực tế cho thấy các video clip review về món ngon hay lạ mà hấp dẫn, bắt mắt thường thu hút lượt xem rất lớn lẫn sự tò mò muốn nếm thử của người… lỡ bấm vào. Và một show ẩm thực có các ngôi sao thi thố, món ăn ngon do người nổi tiếng nấu sẽ dễ dàng được yêu thích”. Ngoài ra, theo anh, show về ẩm thực không kén khán giả, cả gia đình đều xem được.
“Cứ nội dung về ẩm thực là dễ được quan tâm, vì bản chất của nó vốn mang tính thu hút, việc sáng tạo thêm các game show hay hình thức chuyển tải nhằm làm tăng tính giải trí lẫn sự gần gũi, thực tế cho người xem”, anh nói. Từng thực hiện Taste of Vietnam với tổng kinh phí khoảng 60 tỉ đồng (mỗi tập hơn 1 tỉ đồng), được thế giới biết đến nhưng như anh cho biết, hiệu quả không cao bằng show Thiên đường ẩm thực.

Góp phần kích cầu du lịch

Đạo diễn Yến Trinh (Công ty Trees Multimedia, đơn vị sản xuất series Street Food Stories) cho biết: “Tôi có những người bạn sống ở nước ngoài, họ đánh giá rất cao ẩm thực Việt Nam. Không ít người còn nhận xét trên thế giới họ mê nhất ẩm thực của Ý và Việt Nam. Mình là người Việt, làm trong ngành truyền thông, đi nhiều, thưởng thức nhiều, vẫn luôn ngạc nhiên nhiều về ẩm thực nước mình. Huống chi người nước ngoài”. Với chị: “Ăn một món ngon, không chỉ là thưởng thức vị ngon trên đầu lưỡi mà đó còn là cách tiệm cận văn hóa vùng miền một cách gần gũi nhất, trực quan nhất”.
Hiện nay, có nhiều chương trình truyền hình thực tế, game show, phim ảnh... liên quan đến đề tài ẩm thực Việt. Mỗi thể loại có phân khúc khán giả riêng, với nhu cầu khác nhau về tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa địa phương hay đơn thuần chỉ là thưởng thức một chương trình về ẩm thực. Đáng nói, các nhà sản xuất gần đây chú trọng hướng đến khán giả trẻ lẫn người nước ngoài nên đều có phụ đề tiếng Anh (Thiên đường ẩm thực, Street Food Stories, Amazing Vietnam...). Cùng với định hướng đó là những câu chuyện về các quán ăn ngon được chuyển tải qua cách thể hiện hình ảnh đẹp, cuốn hút, tiết tấu dựng sinh động.
Nếu các game show về ẩm thực kích thích vị giác khán giả như nhiều bình luận phía dưới kênh YouTube phát lại là “muốn tìm đến ăn ngay cho đã thèm” thì những chương trình thực tế hay ký sự với cách làm mới mẻ, hiện đại thường tạo cảm hứng “xách ba lô lên mà đi” với người xem. Những ai từng theo dõi Tây Bắc kỳ bí hay Chuyện xứ ngũ Quảng, với nhiều câu chuyện về văn hóa ẩm thực độc đáo của các tộc người và vùng miền được tái hiện với những hình ảnh đặc sắc, hẳn sẽ cảm nhận được điều đó. Từ bữa tiệc cỗ lá của xứ Mường, món bánh chưng đen từ tro than của người Thái, món xôi cầu vồng Mai Châu cho đến hương vị mộc mạc của món canh xương rồng xứ Quảng hay đệ nhất bánh khoái cá kình làng Chuồn..., tất cả được tái hiện qua những thước phim mà ê kíp thực hiện muốn gửi gắm cả khát khao chia sẻ những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Cũng liên quan đến ẩm thực, Trees Multimedia còn có dự án Memories Food đang thực hiện - là câu chuyện những món ăn cung đình và những món ăn trong dân gian sắp thất truyền.
Nói như nhà sản xuất Bửu Điền: “Một show ẩm thực thú vị, ngoài việc quảng bá món ngon các vùng miền, còn có thể kích cầu du lịch. Bởi sau dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn gần như khủng hoảng. Việc chúng tôi làm show như Bữa ngon nhớ đời mang đến những món ăn đặc sắc do các đầu bếp ở những nhà hàng giới thiệu, cũng không ngoài mong muốn đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.