Vlog ẩm thực Việt lên ngôi

Ngọc An
Ngọc An
14/10/2020 06:37 GMT+7

Hàng loạt Vlog hay clip do người Việt thực hiện về chủ đề ẩm thực trên mạng xã hội đang hút lượng lớn người xem.

Chiều tối 11.10 vừa qua, lễ hội YouTube FanFest 2020 được truyền trực tuyến (livestream) tới khán giả khắp thế giới. Hai kênh về ẩm thực là Ẩm thực mẹ làm và Helen Le đã được YouTube lựa chọn cùng một số kênh khác của Việt Nam tham dự sự kiện này. Đây là năm thứ 6 YouTube FanFest diễn ra để tôn vinh những gương mặt nổi bật trong cộng đồng sáng tạo YouTube khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Việt

Helen Le là kênh mang đến những công thức nấu nướng món ăn Việt Nam theo cách dễ nhất, nhanh nhất và độc đáo nhất. Trong khi đó, kênh Ẩm thực mẹ làm mang đến hình ảnh người mẹ tần tảo ở làng quê Việt Nam nấu những món ăn giản dị, gần gũi. Với việc được giới thiệu tại YouTube FanFest, những hình ảnh về ẩm thực Việt trên 2 kênh YouTube này được truyền tới khán giả khắp nơi trên thế giới.

Việc sử dụng mạng xã hội quảng bá ẩm thực là xu hướng của thế giới, khi đa phần những thông tin truyền tải qua mạng xã hội nhanh hơn và rộng hơn

Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc

Trước khi làm kênh Ẩm thực mẹ làm, Đồng Văn Hùng (H.Bình Phú, Thái Nguyên) không nghĩ có thể mang hình ảnh những món ăn Việt ra với thế giới. “Khi làm kênh YouTube, tôi chỉ bắt đầu với ý nghĩ sẽ quay về mẹ của mình, người phụ nữ nông thôn tần tảo vẫn hằng ngày nấu cơm cho con ăn”, Hùng kể. Kênh bất ngờ nhận được sự ủng hộ lớn, chỉ sau 6 tháng ra mắt đã có tới 100.000 tài khoản đăng ký theo dõi. Đó cũng là lúc Hùng quyết định từ bỏ công việc chụp ảnh tại Hà Nội để về hẳn quê sinh sống cùng mẹ. “Từ lúc được mọi người chú ý, tôi bắt đầu cảm thấy mình sẽ là người truyền cảm hứng về văn hóa ẩm thực đến với mọi người không chỉ trong nước mà cả bạn bè trên thế giới”, Hùng cho hay. Kênh Ẩm thực mẹ làm không chỉ gây chú ý với khán giả trong nước mà cả kiều bào Việt và nhiều khán giả nước ngoài cũng yêu thích. Hiện kênh có tới hơn 700.000 tài khoản theo dõi.
Cùng với Ẩm thực mẹ làm, nhiều kênh YouTube hấp dẫn người xem với hình ảnh món ăn Việt. Quỳnh Trần JP - YouTuber người Việt nổi tiếng hiện sinh sống tại Nhật, có tới 3,48 triệu lượt tài khoản đăng ký theo dõi, vừa cán mốc 1 tỉ lượt xem, đã nhiều lần khiến người xem “no mắt” với những món ăn từ Việt Nam. Cũng như Quỳnh Trần JP, không ít cô dâu Việt đang sống tại nước ngoài vẫn thường giới thiệu những món ăn quê hương trong các Vlog của mình. Trên kênh Yewon TV, chị Phạm Thị Kiều Tiên đang sống tại Hàn Quốc, khiến khán giả thích thú khi nhiều lần đưa gia đình chồng đến quán ăn Việt thưởng thức bún riêu cua, cà phê sữa đá…; hay chị Ngoan Ngô (chủ nhân kênh Heesun Family Cuộc sống Hàn Quốc) cũng thường đãi chồng con các món ăn Việt Nam.
“Thường những Vlog của các bà nội trợ hay những người bình thường nấu món “ruột” của gia đình mình, món quê được đại đa số mọi người yêu thích vì dễ học, dễ nấu theo. Trong khi đó, có lúc đầu bếp chuyên nghiệp hướng dẫn những món ăn cao cấp, khó hơn chưa chắc đã được yêu thích bằng”, chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, người được Hiệp hội Đầu bếp thế giới (WACS) trao danh hiệu Đại sứ văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhìn nhận. Tuy nhiên, kênh của nhiều đầu bếp chuyên nghiệp lại có thể giúp công chúng có công thức nấu ăn chuẩn vị và hiểu rõ hơn về món ăn mình nấu, cũng như văn hóa ẩm thực. Chiến lược gia ẩm thực Stefania Corrado (Ý) trong lần đến Việt Nam tham dự Tuần lễ Ẩm thực Ý vào năm ngoái đã chia sẻ rằng với cô, nấu ăn ngon là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là đưa các sáng tạo cùng những kiến thức về ẩm thực đến với công chúng.
“Việc sử dụng mạng xã hội quảng bá ẩm thực là xu hướng của thế giới, khi đa phần những thông tin truyền tải qua mạng xã hội nhanh hơn và rộng hơn”, anh Võ Quốc nói và cho hay cùng với việc chia sẻ những công thức nấu ăn như hiện nay, thời gian tới, anh sẽ hướng tới quảng bá ẩm thực vùng miền giống như “food tour” (tour du lịch ẩm thực) trên kênh của mình.
Vlog ẩm thực Việt lên ngôi

Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc muốn phát triển kênh của mình theo hướng quảng bá ẩm thực vùng miền

Ảnh: Chụp màn hình

Tận dụng thế nào?

Vừa qua, cộng đồng mạng đã lên án hàng loạt kênh YouTube khi đăng tải clip nấu cháo gia cầm để nguyên lông như kênh của Hưng Vlog, hay kiểu “ăn tươi nuốt sống” như ăn nội tạng động vật ngay khi giết mổ xong... “Ăn kiểu như vậy không chỉ phản khoa học mà còn có nguy cơ gây hiểm họa cho những người làm theo”, YouTuber Đồng Văn Hùng nói.
Theo ông Lê Tân, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, việc ăn đồ sống có ở nhiều nền ẩm thực trên thế giới, nhưng quan trọng là cách ăn như thế nào. “Người Nhật vẫn ăn sushi, hay Việt Nam mình cũng có tục ăn cá sống là cá diếc, nhỏ bằng ngón tay kèm với các loại lá có tinh dầu như bạc hà, tốt cho sức khỏe”, ông Tân nói và cho rằng vấn đề ở đây là những người làm Vlog cho thấy sự vô văn hóa với những clip ăn uống phản cảm. Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc nhận xét những Vlog bị lên án trong thời gian qua là một kiểu “gây sốc” không thể chấp nhận. “Ẩm thực chính là văn hóa. Bởi vậy, khi làm về ẩm thực, phải làm một cách văn hóa”, anh Võ Quốc nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên tận dụng mạng xã hội cũng như những kênh quảng bá ẩm thực giàu văn hóa, hấp dẫn của YouTuber Việt để giới thiệu với du khách quốc tế. Anh Võ Quốc bày tỏ: “Đơn giản là nhà nước chỉ cần tạo nên một kênh quảng bá, có thể “gom” ngay từ những kênh YouTube đã được yêu thích. Trên kênh quảng bá này, những món ăn vùng miền, hoặc những món ăn thất truyền sẽ được giới thiệu. Với những món nổi tiếng được thế giới công nhận, mình có thể có thêm những câu chuyện về lịch sử, văn hóa cùng cách làm món ăn đó để hấp dẫn du khách hơn… Tôi nghĩ chỉ cần nhà nước đứng ra xây dựng kênh đó, kết hợp giữa quảng bá ẩm thực và du lịch thì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân sẵn lòng chung tay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.