Amazon cấm thêm ba thương hiệu Trung Quốc vì giả mạo đánh giá

22/06/2021 13:53 GMT+7

Tặng quà để khách hàng viết đánh giá tích cực là điều khá phổ biến trong thế giới thương mại điện tử Trung Quốc , nhưng Amazon lại coi hành vi này là lạm dụng hệ thống đánh giá.

Theo South China Morning Post, vừa có thêm ba thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc khác đã bị cấm bán hàng trên Amazon, giữa lúc hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới đang tăng cường ngăn chặn tình trạng người bán dùng các biện pháp bên ngoài để có được đánh giá tích cực từ khách hàng. Động thái mới này được cho là đã giáng một đòn mạnh vào cộng đồng “sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon”.
Cụ thể, Amazon đã cấm thương hiệu pin sạc dự phòng RAVPower, tai nghe Taotronics và máy ảnh VAVA. Đây là ba thương hiệu thuộc công ty điện tử Sunvalley có trụ sở tại Thâm Quyến. Việc đình chỉ được đưa ra sau khi ba thương hiệu bị phát hiện đã cung cấp thẻ quà tặng cho những khách hàng sẵn sàng viết đánh giá tích cực. Trên thực tế, điều này diễn ra khá phổ biến trong thế giới thương mại điện tử Trung Quốc, nhưng đối với Amazon thì đó là hành vi lạm dụng hệ thống đánh giá.
“Theo điều tra của chúng tôi, lý do cho lệnh cấm có thể là do một số sản phẩm cung cấp thẻ quà tặng cho khách hàng, bị coi là vi phạm các quy tắc của nền tảng Amazon”, Guangdong SACA Precision Manufacturing, công ty mẹ của Sunvalley, nói. Hiện SACA đã thuê luật sư để “liên lạc, phối hợp và kháng nghị” với Amazon nhằm khôi phục lại hoạt động bán hàng của ba thương hiệu.
Dựa trên báo cáo thu nhập của SACA cho năm 2020, Sunvalley, công ty điều hành sáu thương hiệu từ điện tử đến thiết bị gia dụng, đã tạo ra doanh thu 4,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 697 triệu USD) từ việc kinh doanh trên Amazon trong năm ngoái.
Về phần mình, Amazon cho biết họ có “chính sách không khoan nhượng” đối với các hành vi vi phạm, bao gồm cả việc yêu cầu bạn bè để lại đánh giá và đưa ra các biện pháp khuyến khích để khách hàng viết đánh giá tích cực. “Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, chúng tôi đã đình chỉ một số tài khoản bán hàng nổi tiếng, vì chúng tôi nhận thấy họ vi phạm chính sách rõ ràng và lâu dài về việc cấm lạm dụng đánh giá. Hành động của chúng tôi đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ và chúng tôi muốn làm rõ rằng các quy tắc đều được áp dụng như nhau đối với mọi người bán, bất kể quy mô hoặc vị trí địa lý của họ ở đâu”, Dharmesh Mehta, Phó chủ tịch về sự tin cậy của khách hàng trên toàn thế giới và hỗ trợ đối tác tại Amazon, viết.
Ngoài ba thương hiệu nêu trên, Amazon thời gian qua đã có hành động tương tự đối với các thương hiệu Trung Quốc khác vì vi phạm quy tắc về giả mạo đánh giá khách hàng, trong đó có cửa hàng trực tuyến Mpow của chủ sở hữu TikTok là ByteDance, và thương hiệu tiêu dùng Patozon do Xiaomi hậu thuẫn.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thương nhân Trung Quốc chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử quốc tế lớn như eBay và Amazon, với mục đích tiếp cận người tiêu dùng ngoài thị trường đại lục. Theo báo cáo của công ty tư vấn Marketplace Pulse, người bán tại Trung Quốc đại diện cho 75% tổng số người bán mới trên Amazon trong tháng 1.2021. Thị phần của người bán tại Trung Quốc trên Amazon đã tăng từ 28% vào năm 2019 lên 63% trong năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.