Vậy mà nghe má nói chiều má làm bánh khọt, tự nhiên… người nhẹ hẳn ra, hết lo ngay và luôn. Ba đi xay bột xong, để cái xô bột đầu gian bếp, nói với má: “Tớ hết trách nhiệm rồi nhé. Mưu sự tại em, thành sự tại… con. Nó mà chê dở thì khó đỡ lắm nghen”. Vừa đổ bánh, má vừa nói “sếp” đừng có giận. Con nó có lời lẽ khôn khéo tròn méo hay dao kéo gì thì cũng là máu thịt của mình. Lúc nội còn, nội hay nói hậu sinh khả úy. Bộ anh không nhớ sao?
Bắt đầu thơm rồi. Má cầm thanh tre nhẹ nhàng xoay sát vành khuôn rồi vớt bánh ra đĩa. Mình xoa dầu, rắc hành hẹ, nhân tôm lên từng cái bánh. Mình xin “khai” thật là mấy thứ đó má làm sẵn. Mình chỉ rắc lên bánh thôi. Thật là tệ! Nhưng mình “nguyện” là sẽ học làm bánh vào hè tới. Còn giờ thì… làm nũng cái đã, vì cái cảm giác làm nũng nó lâng lâng bâng khuâng sướng lắm.
Ba lộp cộp giã ớt làm mắm chua ngọt. Ổng thường “xung phong” làm món này mỗi khi rủ bạn ăn gỏi cá. Má đổ bánh thì cái nào cũng xoáy, không có chuyện mặt bánh trơ nhẵn. Má nói pha bột với nước phải có chừng có đỗi. Nước ít, bột nhiều, bánh sẽ cứng, ăn có cảm giác miếng bánh rời rạc. Còn lửa nữa. Phải canh sao cho vừa thì vớt bánh mới dễ và cái bánh cũng dễ thương.
Chan mắm ba làm lên bánh. Nhớ hoài “khẩu lệnh” của má: “Chan đâu ăn đó. Không chan một lần, ăn không kịp làm cái bánh nhão đi”. Ba thì cười cười, biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng “quan điểm” này của ba nghe có lý. Là khi ăn, cần nói chuyện gì cứ nói nhưng phải nhỏ nhẻ và ngắn gọn thôi.
Nói lớn quá, nhiều quá, hành hẹ nó giật mình, cái mùi thơm “tinh vi” biến mất. Đó là chưa kể cái thơm của nhân tôm pha thịt cũng giảm. Là vì sao? Vì tụi nó tự ái. Nó đang dâng hiến sự thơm tho để nghe mình khen. Mình ăn mà nói ngoài lề, không ngó ngàng tới nó thì nó “đình công”. Rồi ba cười tinh quái: “Còn bánh của má thì… bất chấp, có nói lớn nói nhỏ gì cũng mềm mại, dẻo thơm. Khi mới cưới, ba đã phát lộ tính năng này của má”.
Cả nhà cùng cười. Bữa bánh khọt ngon tuyệt vời. Mấy bữa nữa, cuối tháng hai rồi. Vô Sài Gòn chắc nhớ cái không khí bánh khọt này lắm đây.
Bình luận (0)