(TNO) "Nói tôi lấy chứng cứ từ những người tâm thần là không đúng vì tôi không lấy chứng cứ từ họ... Bằng chứng tôi thu thập từ nhân viên, bà bán thịt cho trung tâm và vài nguồn khác..."
Chị Đàm Lan Anh - Ảnh: Khánh Hoan |
Chị Đàm Lan Anh, người thường đến làm từ thiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An và phát hiện, tố cáo vụ “ăn chặn” chế độ của người tâm thần đang được nuôi dưỡng tại trung tâm này, đã nói như vậy trước những ý kiến trái chiều về chứng cứ để tố cáo việc “ăn chặn” tại trung tâm này.
- Trả lời trên Thanh Niên Online, chị nói rằng chị đã phát hiện vụ việc “ăn chặn” chế độ của những người tâm thần do chính họ tâm sự với chị. Có ý kiến của bạn đọc cho rằng, về nguyên tắc, thu thập chứng cứ không thể căn cứ trên bằng chứng của người tâm thần cung cấp. Chị giải thích việc này thế nào?
Chị Đàm Lan Anh: Nói tôi lấy chứng cứ từ những người tâm thần là không đúng vì tôi không lấy chứng cứ từ họ. Ban đầu, khi nghe họ tâm sự, tôi cũng nghi ngờ rằng người tâm thần chỉ nói bâng quơ, không thể tin được. Nhưng khi tôi tìm hiểu kỹ thì phát hiện tâm sự của họ là có cơ sở nên bắt đầu đi tìm bằng chứng “ăn chặn”.
Bằng chứng tôi thu thập từ các nhân viên phụ trách bếp ăn, bà bán thịt ở chợ chuyên cung cấp thịt cho trung tâm và một vài nguồn khác. Từ đó tôi phát hiện khẩu phần ăn và chế độ quần áo, chăn màn, dép của họ đã bị bớt nên tôi mới tố cáo.
[VIDEO] Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online
|
- Trước khi cơ quan chức năng thanh tra, kết luận sai phạm tại trung tâm này thì trên Facebook của chị đã có nhiều hình ảnh và những lời buộc tội giám đốc và phó giám đốc ăn chặn tiền của người tâm thần. Chị có cơ sở nào để kết tội họ trên mạng xã hội như vậy không?
|
|
|
"Trong số 7 nội dung tố cáo của chị Đàm Lan Anh và ông C.K.T. (người được nuôi dưỡng tại trung tâm), có 3 nội dung tố cáo đúng, 4 nội dung có đúng có sai"
|
|
|
Bà Hoàng Thị Hường, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Nghệ An, Trưởng đoàn kiểm tra xác minh tố cáo vụ sai phạm tại trung tâm này cho biết.
|
|
|
Chị Đàm Lan Anh: Khi đó, tôi đã có bằng chứng, có đối chiếu và có cơ sở để khẳng định khẩu phần ăn và chế độ khác của họ đã bị ăn chặn. Có thể tôi dùng từ chưa chuẩn xác lắm mặt pháp lý nhưng lúc đó tôi dám khẳng định việc ăn chặn là có. Tôi không có ý vu khống, bôi nhọ ai cả.
- Có người cho rằng chị có ý đồ đánh bóng cá nhân khi đi làm từ thiện và tố cáo vụ việc này?
Chị Đàm Lan Anh: Tôi là người kinh doanh quần áo ở TP.Vinh, tôi khẳng định cửa hàng tôi rất có uy tín, được khách hàng ủng hộ. Vì thế tôi không cần phải đánh bóng hình ảnh cá nhân làm gì. Còn việc tôi chụp ảnh ở trung tâm này khi làm từ thiện để đăng trên Facebook là để thông báo, công khai cho nhà hảo tâm biết quà của họ đã được tôi trao đến tận tay người nhận. Ngoài ra, tôi cũng muốn lay động trái tim cộng đồng để họ có thể chia sẻ thêm với những người bất hạnh này.
- Có một số hình ảnh đăng trên Facebook của chị đã bị một số người chỉ trích là phản cảm khi chị đứng “tự sướng” bên cạnh những người tâm thần, chị nghĩ thế nào?
Chị Đàm Lan Anh: Tôi xin nói thế này, với người tâm thần, khi tiếp xúc với họ rất nguy hiểm vì họ không còn kiểm soát được hành vi. Khi đến gần họ, tôi phải cười, tỏ thái độ vui vẻ, tạo sự thân thiện, hòa đồng, gần gũi để họ vui và mình cũng an toàn chứ tôi “tự sướng” gì ở những con người bất hạnh đó.
Chị Đàm Lan Anh trong lần thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An - Ảnh nhân vật cung cấp
|
- Trả lời trên Thanh Niên Online, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An cho rằng, chị đã lôi kéo nhiều người đang được nuôi dưỡng tại trung tâm làm đơn tố cáo ban giám đốc?
Chị Đàm Lan Anh: Việc lôi kéo là không đúng sự thật. Vì theo tôi biết, trước đây, tại trung tâm này từng xảy ra việc người được nuôi dưỡng đã tố cáo ban lãnh đạo trung tâm. Thực sự, tôi tìm hiểu và được biết nhiều người đã bức xúc từ lâu nhưng chưa có cơ hội để tố cáo. Nếu những người này được chăm sóc tốt thì tại sao họ lại bị tôi lôi kéo mà không bảo vệ những người nuôi dưỡng họ là lãnh đạo trung tâm?
- Chị có bị áp lực gì sau khi dư luận có cái nhìn “đối lập” với quan điểm của chị về sai phạm tại trung tâm này, đặc biệt nhiều người không thích cách nhìn theo hướng phê phán nặng nề những sai phạm của lãnh đạo trung tâm này của chị?
Chị Đàm Lan Anh: Sau khi sự việc được thanh tra làm rõ, tôi nhận đuợc sự chia sẻ của rất nhiều người. Nhưng tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn đe dọa, chửi mắng. Mục đích của tôi khi tố cáo vụ việc này chỉ là muốn đấu tranh vì quyền lợi của người tâm thần đang nuôi dưỡng ở trung tâm này.
Tôi là người mẹ đơn thân, yếu ớt, nhưng tôi dám đấu tranh vì tôi không bao che, thỏa hiệp với cái xấu. Thật lòng, tôi không muốn đẩy ông Phú và bà Phương vào con đường cùng mà chỉ muốn sự việc được xử lý đúng mực để làm gương cho những người khác mà thôi.
- Xin cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
Ngày 3.11, Sở LĐ-TB-XH Nghệ An đã công bố quyết định tạm đình chỉ chức vụ ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó giám đốc của trung tâm này để tiếp tục làm rõ vụ việc tiêu cực tại trung tâm này.
Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở, thanh tra đã kết luận từ năm 2011 đến nay, trung tâm này đã sai phạm 779 triệu đồng trong việc chi trả chế độ ăn uống, mua sắm quần áo, chăn màn và các dụng cụ sinh hoạt cho những người đang được nuôi dưỡng tại trung tâm này. Số tiền này đã được truy thu. Hiện trung tâm có 122 người tâm thần, 18 người gia neo đơn.
Ngày 6.11, Sở LĐ-TB-XH Nghệ An cho biết thanh tra sở này đã chuyển hồ sơ vụ ăn chặn tiền của người tâm thần, người già và người không nơi nương tựa cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Nghệ An theo đề nghị của PC46.
Một lãnh đạo PC46 cho biết sau khi thụ lý, nếu phát hiện vụ việc này có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố vụ án để điều tra.
Ngày 9.11, Giám đốc và phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An có buổi giải trình với Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Nghệ An về số tiền 783 triệu đồng bị cho đã “ăn chặn” của người tâm thần và người neo đơn được nuôi dưỡng tại trung tâm.
|
Bình luận (0)