Thế nhưng cảnh báo là cần thiết.
Đúng là tiêu dùng có vai trò quan trọng đối với sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của tiêu dùng đối với sản xuất lại càng quan trọng. Bởi tiêu dùng là mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu đối với mọi dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bởi khách hàng là “thượng đế” của những người bán hàng, bởi người sản xuất, kinh doanh “chạy theo” nhu cầu tiêu dùng, chứ mấy khi người tiêu dùng chạy theo người sản xuất, “có cầu” mới “có cung”…
Nhưng xét tổng quát, giữa sản xuất và tiêu dùng phải có quan hệ cân đối, khi mất cân đối thì phải tăng sản xuất/giảm tiêu dùng, hay giảm sản xuất/tăng tiêu dùng. Nhưng số liệu thống kê cho thấy chúng ta đang có dấu hiệu của tình trạng “ăn chơi sớm”.
Ăn chơi sớm của chúng ta được nhận diện dưới các góc độ khác nhau. Tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng/GDP đã vượt quá mức 74% - cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách mấy năm nay đã ở mức hơn 60%. Cho vay tiêu dùng thời kỳ 2011 - 2015 tăng trưởng cao, lên tới 29%/năm, năm 2017 tăng đột biến tới gần 60%. Nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (gồm hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng trong nước đã sản xuất được...) vẫn khá lớn. Trong 4 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh gần 281 triệu USD, tăng 9,8%. Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 17,6 tỉ USD, trong khi xuất khẩu 12,1 tỉ USD. Nhiều loại xe con, hàng điện tử, điện thoại thuộc loại “đỉnh” của thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam.
Mấy năm qua, số người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với số tiền (năm 2011 có 900 triệu USD, thì năm 2019 đã tăng lên đạt 6.150 triệu USD).
Việc du xuân, lễ hội gia tăng và có những biến tướng mới do nhiều yếu tố tác động. Một bộ phận người dân đã có “bát ăn bát để”, thậm chí “rủng rỉnh” tiền nong nên “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm, như: mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập; việc tổ chức ma chay, cưới xin, ăn uống họp mặt... tiêu xài cũng khá tốn kém. Năm 2019 đã sản xuất tới gần 5,1 tỉ lít bia, trên 6,4 tỉ bao thuốc lá - chưa kể số nhập khẩu có khối lượng không nhỏ.
Thực tế, tác động của ăn chơi sớm không nhỏ. Đối với cả nước, năm 2019 với mức GDP bình quân đầu người mới đạt 2.741 USD, nếu trừ đi phần nước ngoài chuyển về nước họ, thì thu nhập quốc gia bình quân đầu người chỉ còn khoảng 2.549 USD - còn thấp quá xa so với nhiều nước.
Vì thế, xả hơi, nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, nâng cao mức sống là cần thiết, nhưng quá đà, “ăn chơi sớm” thì khó mà giàu bền vững được.
Bình luận (0)