An cư phải gắn với an sinh

04/08/2024 05:47 GMT+7

An cư và an sinh rất quan trọng trong việc di dời nhà ven kênh rạch, trong đó giải pháp an cư bền vững chính là giải pháp an sinh.

Làm tốt chính sách di dời mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực khác

Theo TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, an cư và an sinh là 2 từ khóa quan trọng trong việc di dời nhà ven kênh rạch, trong đó giải pháp an cư bền vững chính là giải pháp an sinh.

An cư phải gắn với an sinh- Ảnh 1.

Để di dời người dân sống ven kênh rạch cần đảm bảo nhu cầu an cư và an sinh

SỸ ĐÔNG

Chuyên gia này lý giải, khi người dân chuyển chỗ ở thì không chỉ chuyển cơ giới từ chỗ này sang chỗ kia mà là chuyển toàn bộ đời sống của họ. Các chính sách tốt thường tính toán đến rủi ro và hệ quả của quá trình di chuyển.

Như vậy, chính sách mà Sở TN-MT và Sở Xây dựng đang đề xuất mang tính tích cực cho cả chính quyền và người dân. Đối với người dân, họ có không gian sống bền vững hơn so với việc cầm một số tiền hỗ trợ nhưng không biết mua nhà ở đâu, đến khi nguồn tài chính mất đi thì vấn đề an cư không đạt. Tuy nhiên, TP.HCM cần hướng đến tầm nhìn xa hơn, đó là tính toán câu chuyện ổn định an sinh xã hội cho người dân, như trẻ em phải có trường học; tái cơ cấu việc làm. Người dân sinh sống ven kênh rạch đa phần là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, khi chuyển lên chung cư cao tầng đối diện thách thức tách biệt với sinh kế, nên chính quyền phải tính toán lộ trình tương đối bài bản.

TS Nguyễn Đức Lộc khuyến nghị địa phương cần khảo sát, đánh giá để tổ chức lại không gian sinh sống của người dân ven kênh rạch, bởi nếu làm tốt thì sẽ thành hình mẫu phát triển hạ tầng đô thị gắn với đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là khu vực giải tỏa. "Nếu bài toán an sinh không tốt, người dân khi tái định cư sẽ thấy tốt đẹp nhưng 3 - 4 năm sau phát sinh những việc ngoài ý muốn, khiến cuộc sống bí bách hơn thì họ quay lại suy diễn, xét lại chính sách", chuyên gia này cảnh báo thêm.

TP.HCM còn nhiều việc phải làm trong tổ chức lại không gian đô thị, nên nếu làm tốt chính sách di dời nhà ven kênh thì cũng mở ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực khác như cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang khu nhà ở lụp xụp. Khi có chính sách tốt, người dân sẽ ủng hộ; còn nếu chính sách chỉ hướng đến việc hoàn thành chỉ tiêu di dời thì chưa chắc đã bền vững.

Dân vẫn phập phồng chỗ ở sau di dời nhà ven kênh rạch: Chuyên gia nói gì?

Ưu tiên yêu cầu mưu sinh

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) đánh giá rằng tái định cư tại chỗ là tốt nhất. Bởi lẽ người sinh sống ven kênh đa phần là thu nhập thấp, buôn bán nhỏ, lao động tự do; nên điều họ cần nhất là nơi mưu sinh gần với chỗ ở. "Người Việt Nam có câu "ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu", đưa họ đến chung cư thì quang gánh, xe ba gác để ở đâu, kiếm ăn thế nào?", TS Nguyên phân tích và khuyến nghị chính quyền TP.HCM nên đặt yêu cầu mưu sinh của họ lên cao nhất, sau đó mới đến chỗ ở.

Trong trường hợp không tái định cư gần nơi ở cũ, địa phương phải có phương án kết nối giao thông giữa khu nhà ở xã hội đến chỗ làm việc như xe buýt, xe ôm, phương tiện nhỏ để đi lại. Nếu nơi ở mới không thuận tiện thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ bỏ đi, bán lại căn hộ và tìm mảnh đất nào đó để xây nhà tạm, lúc đó nhà nước phải đuổi theo câu chuyện có hợp thức hóa hay không. "Phải tìm ra giải pháp có thể không tối ưu nhưng phải là giải pháp mà người lao động có thể chấp nhận được, để họ đồng tình với việc chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, ô nhiễm nguồn nước", TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.