Chuyên trang Strategy Page cho biết nhiều nhà quan sát đánh giá môi trường an ninh xung quanh Ấn Độ đang diễn biến phức tạp.
Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại trên Biển Đông, nơi chính quyền New Delhi tuyên bố là có lợi ích chiến lược, cũng như không giấu giếm ý định tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, đối tác ngày càng gắn bó với Ấn Độ, đồng thời đẩy mạnh quan hệ thân thiết với Pakistan.
Tranh chấp lãnh thổ giữa New Delhi với Bắc Kinh lẫn với Islamabad đến nay vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến các đợt bùng phát căng thẳng. Trong bối cảnh này, Ấn Độ đang ra sức xây dựng một lá chắn tên lửa hữu hiệu để ứng phó mọi nguy cơ tiềm tàng.
Mới đây, New Delhi thông báo thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn Ashwin thuộc khuôn khổ chương trình Lá chắn tên lửa tầm ngắn (AAD) khi nó tiêu diệt được một tên lửa đang phóng tới. Theo Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ, chương trình AAD của nước này đang diễn tiến tốt đẹp với tỷ lệ thành công lên tới 75% trong 12 lần thử nghiệm.
|
AAD là một phần trong nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ 2 tầng của Ấn Độ nhằm đánh chặn máy bay và tên lửa đạn đạo. Trong đó, tên lửa Ashwin có nhiệm vụ đánh chặn ở tầm thấp, tức tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao 30 km. Vai trò đánh chặn tầm cao được giao cho tên lửa phòng không Prithvi, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở độ cao 50 - 80 km, theo Strategy Page. Cả hai sẽ được kết hợp với hệ thống radar cảnh báo sớm tân tiến Green Pine mua từ Israel để tạo ra một mạng lưới phòng thủ hữu hiệu để đối phó tên lửa đạn đạo khai hỏa từ khoảng cách đến 5.000 km.
Strategy Page dẫn các nguồn tin từ New Delhi tiết lộ thêm DRDO còn đang phát triển một loại tên lửa đánh chặn siêu thanh có thể diệt mục tiêu ở độ cao 150 km nhằm dựng thêm một “hàng rào phòng thủ” vòng ngoài.
Sau các cuộc thử nghiệm thành công trong thời gian gần đây, giới chức quốc phòng Ấn Độ tuyên bố hệ thống lá chắn tên lửa của nước này đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt và có thể bắt đầu triển khai hoạt động. Theo kỳ vọng, những khu đô thị lớn như thủ đô New Delhi hoặc Trung tâm tài chính Mumbai sẽ được bảo vệ hữu hiệu trước mối đe dọa từ tên lửa Pakistan hoặc Trung Quốc.
Cho đến nay tuy chưa có hệ thống nào được triển khai thực chiến song chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh rằng các tổ hợp lá chắn bảo vệ New Delhi và Mumbai có thể nhanh chóng được huy động khẩn cấp nếu cần.
Đẩy mạnh xuất khẩu BrahMos
Reuters dẫn một văn kiện chưa được công bố của chính phủ Ấn Độ cho biết nội các của Thủ tướng Narendra Modi đang thúc giục Công ty liên doanh BrahMos Aerospace và các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ sản xuất, cải tiến và đàm phán để có thể xuất khẩu tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos cho 16 khách hàng tiềm năng.
Theo Reuters, dẫn đầu danh sách này là Việt Nam, Indonesia và Brazil. Ngoài ra, còn có Philippines, Malaysia, Thái Lan... Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ cho biết Ấn Độ hy vọng hoàn tất quá trình đàm phán xuất khẩu tên lửa BrahMos vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, giới chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ nước này đang cân nhắc bán gói tàu chiến gắn sẵn BrahMos, thay vì các tổ hợp tên lửa riêng lẻ. “Một tàu hộ vệ được trang bị tên lửa BrahMos có thể đóng vai trò quyết định khi trở thành yếu tố răn đe trên Biển Đông”, nguồn tin nhận định. Các tàu chiến của Ấn Độ hiện được trang bị 8 hoặc 16 tên lửa BrahMos.
|
Bình luận (0)