Ấn Độ - thị trường smartphone tăng nhanh nhất thế giới

23/11/2016 15:11 GMT+7

Danh hiệu thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới thuộc về Ấn Độ.

Theo Bloomberg, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp khó trong chiến dịch vận động đem việc làm ngành sản xuất về quê nhà, ông có một danh hiệu mang tính khuyến khích việc mở nhà máy tại Ấn Độ dành cho các hãng công nghệ thế giới: thị trường smartphone phát triển nhanh nhất thế giới.
Dù hiện tại, số lượng điện thoại sản xuất hay lắp ráp nội địa chỉ chiếm 6% giá trị điện thoại bán ra ở Ấn Độ, con số này có thể tăng lên 30% trong 5 năm tới, theo nghiên cứu do Counterpoint Research hợp tác cùng trường quản lý hàng đầu Ấn Độ Indian Institute of Management (Bangalore) thực hiện. Chính phủ Ấn Độ nên sử dụng nhu cầu trong nước tăng mạnh để thu hút các nhà sản xuất vốn làm ra các linh kiện có giá trị cao hơn, chẳng hạn như pin, máy ảnh và thiết bị bán dẫn.
Năm nay, Ấn Độ vượt Mỹ trở thành thị trường smartphone lớn thứ nhì thế giới xét theo số lượng người dùng. Quốc gia Nam Á cũng được cho là sẽ có doanh số điện thoại cán mốc 1 tỉ chiếc trong 5 năm tới. Song giá trị gia tăng thông qua sản xuất tại địa phương là không đáng kể so với những nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc, nơi lần lượt 50% và 70% hoạt động sản xuất điện thoại được thực hiện trong nước. Ông Modi, người đặt chương trình “Make in India” vào trọng tâm chính sách kinh tế, muốn đất nước có nhiều việc làm ngành sản xuất hơn nếu tạo ra được thị trường đầy tiềm năng như thế này.
“Ấn Độ có khả năng dẫn đầu thế giới trong hệ sinh thái sản xuất điện thoại di động và điều này phải được thực hiện theo từng giai đoạn”, thư ký Bộ Thiết bị điện tử và công nghệ thông tin Ấn Độ Aruna Sundararajan cho biết. Cô Aruna Sundararajan nói chính phủ hiện gửi gần 100 kỹ sư thiết kế đến Đài Loan để tìm hiểu về thiết kế sản phẩm và nhu cầu khách hàng.
Apple, Samsung Electronics và Xiaomi đã và đang gia tăng nỗ lực ở Ấn Độ khi tăng trưởng ở thị trường Mỹ, Trung Quốc và nhiều nơi khác giảm tốc. CEO Apple Tim Cook lần đầu tiên đến Ấn Độ vào tháng 5 và hãng Apple tích cực dọn đường cho việc thiết lập cửa hàng bán lẻ của riêng họ ở nước này. Theo luật hiện hành, các doanh nghiệp như Apple cần phải mua 30% linh kiện sản xuất ở Ấn Độ nếu muốn mở cửa hàng bán lẻ.
Smartphone và điện thoại chức năng bán trên đất Ấn trong 5 năm tới sẽ cần tổng cộng 80 tỉ USD giá trị thành phần linh kiện, tăng từ mức 11 tỉ USD hiện tại. Nếu nước này có thể đi lên trong chuỗi giá trị, từ việc lắp ráp đơn giản đến sản xuất phức tạp hơn, tỷ lệ nội địa có thể đạt 32% vào năm 2020.
Hiện đất nước Nam Á khuyến khích sản xuất linh kiện trong nước bằng cách nâng thuế nhập khẩu với linh kiện, thiết bị. Ajay Kumar, thư ký khác tại Bộ Thiết bị điện tử và công nghệ thông tin Ấn Độ, cho hay gói cải cách chính sách tiếp theo của chính phủ sẽ khuyến khích hoạt động trong nước nhiều hơn nhằm đáp ứng số liệu tăng trưởng.
Ấn Độ có bước tiến trong việc thu hút nhà máy. Trước khi chương trình “Make in India” ra mắt, nước này chỉ có hai cơ sở lắp ráp điện thoại song hiện giờ, số lượng là khoảng 50. 80% các cơ sở này là của công ty địa phương, 20% còn lại chia đều cho các hãng Trung Quốc và Đài Loan. Các nhà máy lắp ráp điện thoại cho các thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung và Huawei.
Dù vậy, quốc gia Nam Á vẫn chưa đủ sức thách thức vị trí nhà xuất khẩu điện thoại của Trung Quốc trong thời gian gần.

tin liên quan

Thị trường smartphone Trung Quốc sắp vượt Mỹ
(TNO) Hãng nghiên cứu thị trường Flurry vừa đưa ra dự đoán, vào cuối tháng 2 này, thị trường Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 246 triệu điện thoại thông minh sử dụng nền tảng Android và iOS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.