Ăn dư thừa đạm, mỡ có thể khiến hệ miễn dịch đường ruột suy yếu

Liên Châu
Liên Châu
29/05/2022 12:52 GMT+7

Tại Việt Nam, có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, tỷ lệ này đang có sự gia tăng.

Miễn dịch đường ruột liên quan các bệnh mãn tính

Theo GS-TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đường tiêu hóa, trong đó đường ruột là nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa hỗ trợ hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.

"Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì", GS Tuyên lưu ý.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và vận động thể lực phù hợp giúp bảo vệ sức khỏe

VIỆN DINH DƯỠNG

Chất xơ tốt cho hệ miễn dịch

Theo GS Tuyên, miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư, Parkinson,…

Thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột của con người thay đổi theo thời gian; khi chế độ ăn uống thay đổi và khi sức khỏe tổng thể thay đổi. Vì vậy, chế độ ăn có vai trò rất quan trọng với sự phát triển và cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột.

Chế độ ăn thừa đạm so với khuyến nghị, ít rau củ quả, ăn nhiều những thức ăn nhanh, thức ăn không lành mạnh như đồ chiên rán quá nhiều dầu mỡ, nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn nhanh… ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột.

Thịt là thực phẩm giàu đạm, có chứa sắt và kẽm. Rau củ quả, rau xanh chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ.

Trong đó, chế độ ăn nhiều rau củ quả giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài. Chất xơ thực phẩm thúc đẩy một loạt vi khuẩn có lợi và ngăn chặn các loài có khả năng gây hại.

Các nghiên cứu cho thấy, cả số lượng và loại chất béo có tác động điều chỉnh vi sinh vật có lợi và vi sinh vật gây bất lợi. Chế độ ăn nhiều chất béo có thể dẫn đến chứng rối loạn vi khuẩn đường ruột.

Loại và số lượng protein (đạm) trong chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đáng kể và khác biệt đến hệ vi sinh vật đường ruột. Nếu ăn nhiều protein trong chế độ ăn uống làm giảm lượng vi sinh trong đường ruột.

Khi có được sự phát triển của một hệ vi sinh vật đường ruột ổn định và đa dạng hỗ trợ điều hòa miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật, tiêu hóa thức ăn. Đường ruột khỏe mạnh khi có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Nếu mất cân bằng kéo dài, dễ làm suy yếu hệ miễn dịch đường ruột.

Hiện có 9 loại ung thư thường gặp (phổi, vú, đại tràng, tuyến tiền liệt, bàng quang, trực tràng, khoang miệng, dạ dày, thực quản) có liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng như: chất béo; chất xơ; rau quả; rượu; thức ăn ướp muối, hun khói.

Đường ruột khỏe mạnh là chìa khoá cho hệ miễn dịch khoẻ mạnh.

Rối loạn vi khuẩn đường ruột ngày càng được khẳng định là yếu tố chính trong sự phát triển của bệnh đái tháo đường týp 2, bệnh tim mạch, dị ứng/dị ứng ở trẻ em và bệnh đường tiêu hóa khác.

Hệ vi khuẩn đường ruột tốt cho tiêu hóa, miễn dịch nhưng lại cần có chất xơ và ăn uống cân bằng. Do đó, cần chế độ ăn uống cân bằng, chú trọng bổ sung chất xơ, tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, cân bằng lợi khuẩn đường ruột.

(Viện Dinh dưỡng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.