Án hành chính chậm thi hành: Kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu

23/12/2022 06:33 GMT+7

Việc chậm hoặc không thi hành bản án vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc, khiếu nại kéo dài, vừa ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan hành chính nhà nước.

Sau loạt bài Án hành chính chậm thi hành đăng trên Báo Thanh Niên số ra từ ngày 19 - 22.12, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lực (ảnh), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), xung quanh vấn đề này.

nvcc

Thưa ông, tình hình thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa hiện như thế nào?

Công tác thi hành án (THA) hành chính luôn được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã 2 lần thực hiện giám sát chuyên đề chấp hành pháp luật về thi hành các bản án, quyết định hành chính của Chủ tịch UBND, UBND. Nhằm khắc phục những hạn chế mà đoàn giám sát chỉ ra, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành nghiêm túc chấp hành thi hành án hành chính. Các địa phương bị kiến nghị xử lý phải làm rõ nguyên nhân, xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã tích cực tham mưu Bộ Tư pháp tổ chức các đoàn kiểm tra tại một số địa phương. Tính đến ngày 30.9, cả nước có 992 quyết định, bản án hành chính phải thi hành, tòa đã ra 403 quyết định buộc THA hành chính. Các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 429/992 bản án, quyết định.

563 phán quyết của tòa chưa thi hành xong

Ông có thể cho biết lý do tại sao vẫn còn 563 bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa chưa được thi hành xong?

Mặc dù Tổng cục THADS rất quyết liệt tham mưu cho Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo việc chấp hành pháp luật, nhưng Chủ tịch UBND, UBND ở một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Nguyên nhân, về chủ quan, ý thức chấp hành của người đứng đầu một số cơ quan nhà nước và của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế.

Về khách quan, nếu người phải THA không tự nguyện thi hành, theo luật Tố tụng hành chính 2015, tòa án xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định buộc THA hành chính. Ngoài luật này còn có Nghị định 71/2016 (Nghị định 71) quy định về chế tài xử lý kỷ luật đối với người không chấp hành án hành chính; công khai thông tin người không chấp hành án trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin của hệ thống THADS…

Tuy nhiên, các quy định trên mới chỉ dừng lại ở việc tạo “áp lực” mà chưa mang tính cưỡng chế, bắt buộc. Nói cách khác, vẫn là cơ chế “tự thi hành”. Đối tượng của THA hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Do đó, nếu người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cố tình không chịu ban hành quyết định hành chính hay thực hiện hành vi hành chính theo phán quyết của tòa án thì vụ việc sẽ trở nên khó khăn, kéo dài.

Siết chặt trách nhiệm người đứng đầu

Thưa ông, theo quy định pháp luật, trường hợp cơ quan hành chính phải THA chậm hoặc không thi hành phán quyết của tòa thì bị xử lý như thế nào?

Điều 23 luật Tố tụng hành chính quy định: “Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Xử lý trách nhiệm không đơn giản

Tại buổi giám sát các cơ quan tố tụng của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM diễn ra giữa tháng 11.2022, theo Cục THADS TP.HCM, tính tới đầu tháng 10.2022, có 226 bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành nhưng mới chỉ thi hành xong 47 bản án.

Ông Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết án tồn quá nhiều là do một số cơ quan phải THA chưa đồng tình với phán quyết của tòa nên kiến nghị Viện kiểm sát và tòa án cấp trên xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Hoặc trước khi ban hành quyết định buộc THA hành chính, tòa án phải đi xác minh nhưng một số cơ quan nhà nước không hợp tác trả lời, khiến vụ việc kéo dài.

Cũng theo ông Đức, còn tình trạng cơ quan tố tụng có tâm lý e dè, ngại đụng chạm đến cơ quan hành chính, cụ thể là UBND. “Chính bản thân tôi cũng bức xúc. Vì thế mỗi khi đi giám sát, tôi thường chất vấn và hỏi cho ra lẽ nguyên nhân vì sao tòa chậm ra quyết định buộc THA hành chính, cơ quan THADS chậm kiến nghị xử lý trách nhiệm người không chấp hành bản án”, ông Đức nói.

Sở dĩ có tâm lý trên, ông Đức cho rằng việc xử lý trách nhiệm với người không thi hành bản án không hề đơn giản bởi chủ thể thường là UBND mà người đứng đầu là Chủ tịch.

Còn theo điều 3 Nghị định 71 thì “chậm THA là hành vi cố ý của người phải THA không chấp hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính trong thời hạn tự nguyện THA quy định tại khoản 2 điều 311 luật Tố tụng hành chính”.

Theo điều 5, điều 7, điều 8 và khoản 5 điều 14 Nghị định 71, tùy từng trường hợp và mức độ gây thiệt hại mà người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phải THA bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc), xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Ngoài ra, điều 31 của Nghị định 71 còn quy định cơ quan, người có thẩm quyền không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Năm qua, ngành THA đã có bao nhiêu kiến nghị về xử lý trách nhiệm của cơ quan hành chính chậm trễ thi hành bản án?

Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương thực hiện nghiêm quy định kiến nghị xử lý trách nhiệm của người phải THA trong việc chậm thi hành bản án, quyết định của tòa.

Năm 2022, các cơ quan THADS và Bộ Tư pháp đã có 136 văn bản đôn đốc, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm do chậm THA, trong đó có một số vụ việc thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác THA hành chính, thưa ông?

Việc chậm hoặc không thi hành bản án vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc, khiếu nại kéo dài, vừa ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan hành chính nhà nước.

Tổng cục THADS sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS rà soát, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp trên. Đồng thời, Tổng cục cũng sẽ tham mưu Bộ Tư pháp báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành còn để tồn đọng các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực từ năm 2021 trở về trước.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ tham mưu Bộ Tư pháp tổ chức các buổi làm việc và các đợt kiểm tra liên ngành tại các địa phương có số lượng vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, việc tổng kết luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định 71 sẽ được tiến hành trong năm 2023. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.