Án hành chính chậm thi hành: Bất cập về quy định xử lý trách nhiệm

22/12/2022 07:30 GMT+7

Theo các chuyên gia, cần phải mạnh tay xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không chấp hành án hành chính…

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Hồ Quân Chính, giảng viên Học viện Tư pháp, nguyên Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM, các cơ quan THADS chịu áp lực nhất định trong việc theo dõi, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính. Bởi họ phụ thuộc khá nhiều vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong tổ chức cưỡng chế thi hành bản án. Với các vụ án lớn, phức tạp thì phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án, mà Trưởng ban Chỉ đạo lại là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cùng cấp với cơ quan THADS.

Quy định pháp luật còn bất cập và chưa mạnh tay xử lý dẫn đến tình trạng chây ì thi hành án hành chính, khiến người dân bức xúc. Trong ảnh: đại diện các gia đình ông Nguyễn Văn Tài và bà Phan Hoàng Phương Thảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị thu hồi đất sai quy định đang mòn mỏi chờ thi hành án sau khi thắng kiện

NGÂN NGA

“Năm 2022, các cơ quan THADS và Bộ Tư pháp có tới 136 kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm cơ quan hành chính do chậm thi hành bản án. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì Bộ Tư pháp của các cơ quan THADS đã phần nào vượt qua rào cản áp lực như đã nói ở trên để bảo vệ quyền lợi cho người được thi hành án”, ông Chính nhận xét.

Tuy nhiên, trên thực tế chưa có cán bộ, cơ quan nào bị xử lý kỷ luật do nguyên nhân chủ quan là cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao và xử lý cấp dưới khi chậm thi hành án. “Cơ quan có thẩm quyền cần phải mạnh tay và quyết liệt hơn trong xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để bản án được thực thi, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án và tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Chính đề nghị.

Cũng theo ông Chính, cần đưa việc hoàn thành công tác thi hành án hành chính trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ.

Ý thức chấp hành chưa cao

Ông Nguyễn Công Phú, nguyên Phó chánh án Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, nhận xét sở dĩ công tác thi hành án hành chính chưa có nhiều chuyển biến tích cực là do ba nguyên nhân: Thứ nhất, ý thức chấp hành pháp luật và chấp hành án của người phải thi hành án chưa cao.

Thứ hai, chưa có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và các cơ quan thực thi pháp luật. Bởi mặc dù pháp luật đã có quy định về các biện pháp chế tài đối với hành vi không chấp hành án nhưng vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan có thẩm quyền cần phải mạnh tay và quyết liệt hơn trong xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để bản án được thực thi, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án và tính nghiêm minh của pháp luật.

Ông Hồ Quân Chính
giảng viên Học viện Tư pháp, nguyên Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1,
Cục Thi hành án dân sự TP.HCM

Nguyên nhân thứ ba, theo ông Phú, là luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP (quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án) đều không quy định thời hạn cụ thể để người phải thi hành án tổ chức thi hành án sau khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa.

Ngoài ra, Nghị định 71 còn đặt thêm điều kiện hành vi không chấp hành án phải gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới được áp dụng các hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc. Quy định như vậy vô tình đã làm hạn chế khả năng xử lý kỷ luật vì không phải trường hợp vi phạm nào cũng dễ đánh giá hậu quả, nhất là khi người vi phạm lại giữ chức vụ lãnh đạo, có khi là người đứng đầu cơ quan chính quyền ở địa phương.

Trong khi đó, bộ luật Hình sự 2015 không đòi hỏi điều kiện gây hậu quả đối với tội không chấp hành án mà chỉ quy định điều kiện “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Như vậy, một chế tài nhẹ hơn (kỷ luật hành chính) lại đặt thêm điều kiện áp dụng so với một chế tài nặng hơn (hình sự) là không hợp lý. Điều kiện áp dụng hình thức xử lý kỷ luật của Nghị định 71 còn vô tình làm nảy sinh tâm lý nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật thì cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sửa luật để phù hợp thực tiễn

Ảnh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Cổng TTĐT Quốc Hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận qua hơn 6 năm triển khai thi hành luật Tố tụng hành chính 2015 đã phát sinh một số vướng mắc bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hiện vai trò quản lý nhà nước đối với thi hành án hành chính ở địa phương còn mờ nhạt. Bởi theo điều 313 luật này, chỉ có Chính phủ và Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Do đó, tại địa phương, luật cần tập trung quy định về các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành án.

Vẫn còn có quá nhiều cơ quan cùng tham gia quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa. Chẳng hạn như Cơ quan THADS (theo dõi, ra thông báo tự nguyện thi hành án, kiến nghị xử lý trách nhiệm); tòa án (ra quyết định buộc thi hành án hành chính); người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án (chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm); UBND các cấp (chỉ đạo việc thi hành án). Vì vậy, cần xác định vai trò chính của cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành án, hoàn thiện quy định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành án. Sớm hoàn thiện luật Đất đai, luật Nhà ở... bởi phần lớn các vụ án hành chính liên quan đến những lĩnh vực này. Đồng thời, quyết liệt nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính là người phải thi hành án và cấp trên của những cơ quan này.

Theo bà Hạnh, để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, Bộ Tư pháp cần sớm kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn.

Cũng theo ông Phú, dù luật Tố tụng hành chính 2015 đã bổ sung quy định tòa án ra quyết định buộc thi hành án nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án nhưng cả luật này và Nghị định 71 đều không nói rõ “đây có phải là biện pháp cưỡng chế thi hành án hay không” để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không chấp hành án”. “Đây là kẽ hở của pháp luật vì các cá nhân, tổ chức có thể dựa vào đó để cho rằng việc không tự nguyện thi hành án sẽ không phạm tội “không chấp hành án” do chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế”, ông Phú phân tích.

Do đó, Nhà nước cần sớm có biện pháp khắc phục các bất cập nói trên. Chẳng hạn như bổ sung quy định giao cho tòa án được quyền phạt tiền và đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không chấp hành án sau khi tòa đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

“Muốn xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền, cần phải xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật. Không thể để phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án chỉ trên lý thuyết mà phải bằng thực tiễn thi hành pháp luật”, ông Phú nhấn mạnh. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.