Tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND các cấp, do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức đã chỉ ra con số: tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính có xu hướng ngày càng tăng.
Năm 2017, tỷ lệ này tăng gấp 3 lần so với trước 2015 (năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93% và năm 2017 là 31,69%). Như tại Hà Nội, trong 3 năm (2015 - 2017), TAND TP xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội tham gia phiên tòa.
Tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (100%) không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP.HCM…
Tôi không bất ngờ với những con số này vì ai từng tham gia án hành chính đều phải trải qua câu chuyện này. Và chính điều luật quy định “mở”, tạo điều kiện để người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước lách luật.
Khoản 3 Điều 60 luật Tố tụng hành chính 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”.
Điều luật nghe tưởng như rất ưu việt. Từ đây dân phấn khởi lắm, cho rằng Chủ tịch khi ban hành quyết định xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì khi dân kiện, nếu chủ tịch không tham gia phiên tòa được thì cấp phó phải tham gia. Khi ban hành điều luật, dân sướng, báo chí, luật sư cũng sướng vì từ nay người có thẩm quyền sẽ phải ra tòa điều trần về quyết định của mình ban hành. Nhưng khi thi hành, mọi thứ không những tốt hơn mà tệ hơn luật cũ.
Tệ hơn, bởi khoản 3 Điều 60 yêu cầu “người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án” nhưng khi dẫn chiếu đến điểm b khoản 2 Điều 157 luật Tố tụng hành chính 2015 lại quy định rằng, “tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai đối với người bị kiện… mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Vậy khi người bị kiện là ủy ban, nếu vắng lần thứ nhất thì tòa phải hoãn, vắng lần thứ 2 mà không có lý do thì xử vắng mặt, không có chế tài gì cả. Xử vắng mặt xong, ủy ban không đồng ý với bản án sơ thẩm thì lại tiếp tục kháng cáo. Xử phúc thẩm, tòa án cấp trên lại nhận định tòa án cấp dưới chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, vụ án chưa rõ ràng nên hủy án sơ thẩm. Vụ án lại xoay vòng lại từ đầu, dân biết trần ai.
Chủ tịch vắng mặt đã đành, luật “mở” cho phép luôn cấp phó vắng mặt thì chắc chắn gần 100% phiên tòa hành chính chỉ có người dân tranh tụng chính mình.
Bình luận (0)