Di cảo chưa từng công bố của học giả Vương Hồng Sển:

'Ăn không ngon, ngủ không yên' vì nhớ... tô quý

15/05/2023 07:28 GMT+7

Xưa nay, sưu tập đồ cổ ngoạn đến cỡ như học giả Vương Hồng Sển có lẽ hiếm có người thứ hai. Đối với cụ, đã chơi đồ cổ thì không bao giờ bán. Cũng không ham rẻ mà mua đồ ăn cắp, cụ quan niệm: "Người bất nghĩa bất giao, của bất nghĩa bất thủ".

Nói về cụ Vương Hồng Sển, không thể quên những bộ sách khảo cứu giá trị như Thú chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Cảnh Đức trấn đào lục, Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ men lam Huế... với vài ngàn trang giải thích chân tơ kẽ tóc của từng món cổ ngoạn.

Đến nay trong giới sưu tập, những ai tâm huyết giữ gìn cổ vật vẫn còn truyền tụng về niềm say mê lạ lùng của cụ Sển. Họ thường tâm đắc nhắc lại tâm tình của cụ: "Bình sinh tôi mê thích đồ cổ còn hơn khách hào hoa mê gái, hơn xa người đánh bạc mê bài. Mua được một món lạ, tôi đắc ý gặp ai đến nhà cũng lấy ra khoe, quên rằng ép người ta nghe mình nói chuyện Tam Hoàng quốc chí, người ta mau chán ngán. Chỉ riêng tôi, với món đồ mới sắm, tôi có thể mân mê suốt ngày, không ăn cũng đủ no. Nói ra không sợ ai cười, tôi có thể trở nên một thằng điên "khúc khích mình cười, nói chuyện một mình" rồi tôi sung sướng khoan khoái trong lòng, khi ấy tự mình thấy trẻ trung, nhỏ xuống mấy tuổi, vì lẽ ấy không trách vì sao tôi cứ mua đồ cổ. Tiền mua đồ cổ, dẫu tốn bao nhiêu, tôi không sợ".

'Ăn không ngon, ngủ không yên' vì nhớ... tô quý  - Ảnh 1.

Lăng Thiệu Trị qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils

TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Với cụ Sển, đồ cổ ngoạn không phải là vật vô tri vô giác mà là mỹ nhân, giai nhân tuyệt sắc có thể trò chuyện, sờ ngắm được. Nói như ngôn ngữ nhà Phật thì do cơ duyên, nên cụ đã sưu tập được nhiều đồ cổ ngoạn loại quý hiếm. Hầu hết các cổ vật khi vào tay mình, cụ đều phân tích về nét độc đáo, cái hay, cái đẹp trong nhiều tập sách. Duy nhất khi sở hữu được cổ vật là cái tô "Mãn họa tùng đình", cụ viết cả quyển sách về báu vật này và đặt ký hiệu 1271 VHS.

Tên của cái tô này, chính là tên nhan đề di cảo chưa in của học giả Vương Hồng Sển.

Ta hãy nghe cụ Sển kể về cái "duyên" nhìn thấy cái tô: "Xin thú thật, lần tôi ghé nhà ông chủ trước của cái tô, tôi vẫn lé mắt vì nhà ấy còn quá nhiều vật quý lạ mà tôi chưa có, và tuy nay tuổi gần kề lỗ (còn hai tuổi nữa tròn chín chục), thế mà lòng si mê đồ cổ vẫn chưa mòn chút nào. Nhiều khi không nhịn được, tôi làm gan nài hỏi, chủ nhân vẫn tươi cười, rằng: "Hiện còn muốn để chơi và đinh ninh hứa khi nào hết muốn chơi sẽ để lại, không vội chi đâu xin đừng buồn". Lời nói thiết tha, chơn thực nhưng hàm chứa một thâm ý cao siêu, chủ nhân trẻ hơn tôi nhiều nhưng kể về nghề biết giá là gả bán cổ vật".

Với ai thì tôi không rõ, chứ một người mê cổ ngoạn như cụ Sển thì những ngày kế tiếp ắt cụ trằn trọc lắm đây. Nói như thế, vì ta nhớ lại vụ năm 1965 cụ hụt mua tại Huế cái tô xưa - chế tạo năm 1868, còn gọi là tô Đặng Huy Trứ. Người bán ra giá 6 ngàn đồng, cụ chê mắc không mua. Về đến Sài Gòn, ăn không ngon ngủ không yên vì... nhớ cái tô quá, cụ viết thư nhờ ông bạn dò xét giùm. Qua năm 1966, cụ ra Huế lần nữa thì biết cái tô đã bán cho một người Pháp ở Đà Nẵng, lúc ấy, cụ chết điếng người, than thở: "Chẳng khác nào bị giựt vợ". Tiếc quá là tiếc, bằng mọi cách, cụ dò cho ra manh mối và mua lại với giá... gần gấp đôi là 10 ngàn đồng.

Còn cái tô lần này thì sao?

Dù chưa thể sở hữu nhưng cụ vẫn âm thầm theo dõi mọi động tĩnh. Rồi nó qua tay chủ khác, cho đến một ngày: "Nay gặp lại và biết chắc nó còn nguyên vẹn và căn do gốc gác đúng là cái tô ở giồng Sơn Quy nơi thích lý họ Phạm, bên ngoại vua Tự Đức, tôi không dễ gì bỏ qua. Nhưng tôi lại không có tiền sẵn. Ban đầu hỏi giá, y nói y đã mua vật ấy năm chỉ vàng, tôi đánh bạo bày ra việc đổi chác: "Nay tôi còn sách chuyên môn Pháp văn về cổ ngoạn mà vì tuổi già, tôi không đọc nữa, nếu bằng lòng thì xin đến nhà lựa sách nhưng hãy châm chước cho tôi và tính giá cái tô chừng ba hay bốn chỉ vàng là cùng". Câu chuyện trả giá đến đây bỏ lửng...".

Cụ kể tiếp, sau thỏa thuận trên: "Bỗng rạng sáng Chủ nhật 4.9.1988, chủ nhân cái tô tự lái honda đưa một thân nhân đến nhà, ông này tay ôm một gói lộn xộn, khi vào nhà mở ra là cái tô Sơn Quy, men trắng vẽ Lam Hồi, sáng chói cả vuông phòng và chiếm trọn một mặt bàn đá Địa Lý cổ. Cách chở tô như vậy vừa gọn vừa tiện... Tôi vừa mừng vừa lo, nhưng chủ cái tô không để mất thì giờ, bèn lại tủ sách, lục một mớ sách chuyên khảo có giá trị và nay không dễ gì tìm mua được".

Cụ thể là các quyển sách nào? Cụ Sển không cho biết chi tiết, vì "thêm đau lòng", "vì mê cái tô quý phái mà đành từ giã số sách quý, ôi hay, cái nghiệp mê cổ vật hơn sách xưa". Cụ chỉ kể "hai quyển sách lớn mà tôi rất thích và tưng tiu hơn vàng, nay đành để qua tay chủ khác, đó là:

Sách chụp ảnh năm 1900 của nhiếp ảnh Dieulefils gồm 33 bức ảnh 24 x 32 phong cảnh Đế Thiên - Đế Thích. Sách xuất bản rất ít, ảnh còn làu làu như mới, giá trị vô ngần, vì tài liệu này lúc đó chỉ in riêng cho Phủ Toàn quyền Pháp và tư gia không có.

Một quyển album khác, cùng một khổ 24 x 32 gồm 38 ảnh chụp năm 1900 phong cảnh vịnh Hạ Long và danh thắng miền Bắc, Thành nội Huế luôn cả đám tang bà Thái hậu Từ Dũ cũng của Dieulefils sáng tác và đây là một chứng tích quý vô giá về thành trì cũ miền Trung và cung điện xưa".

Với cụ Sển, sách cổ và đồ cổ cũng đều quý như nhau, đều "cưng như trứng, hứng như hoa", qua trường hợp đổi chác này cụ tự nhủ: "Âu cứ nhận định theo lối xưa "duyên may tiền định", "quý vật tìm quý nhơn"...

Vậy, cái tô này quý, lạ đến cỡ nào mà cụ Vương Hồng Sển phải viết cả quyển sách khảo cứu Tô Mãn họa tùng đình?

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.