Cổ vật - sau ánh hào quang: Quyền lực thợ săn đồ cổ

16/08/2021 06:10 GMT+7

Chơi cổ vật, có người siêu giàu, siêu quyền lực, chịu nghe điện thoại còn khó chứ chưa nói gặp mặt, nhưng hễ thợ săn đồ cổ ới một tiếng, là hiện hình bất kể ngày đêm.

“Tiền hoặc rất nhiều tiền dễ dàng mua được lắm thứ, riêng với đồ cổ thì tiền núi chưa chắc có đồ để mua”, thợ săn cổ vật Tuấn Sơn (Ninh Bình) nhận định về nghề. Đó cũng là lý do khiến giới sưu tầm ái mộ thợ đào, người đi sứ (những người buôn đồ cổ), bởi từ hàng trăm, hàng nghìn món moi lên từ lòng đất, lòng sông, đáy biển may ra được một món chày - chưởng (đồ hiếm, độc, giá trị cao) với đời. Đồ cổ khai quật được, sang qua tay thợ chạy, thương lái… theo luật là sai, nhưng nhu cầu xã hội cần, thợ đào vẫn hành nghề. Hiện vật khi lọt vào sưu tập tư nhân, trở thành “trang sức” đắt giá cả về giá trị lịch sử, niên đại, tiền bạc và thời gian. Nhiều nhân vật chức có, tiền thừa đến lúc rất cần một bộ sưu tập gốm Việt cổ ra ngô ra khoai, nhờ thế mà những thợ đào từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương… trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi tăng giá trị cho các đấng, bậc đang say trong môn chơi cổ ngoạn.

Một thời phung phí

Gốm cổ Đại Việt giá dội lên theo từng ngày. Một chiếc ấm cánh sen, chục năm trước, chỉ vài triệu khi lên khỏi mặt đất, ra đến hai vựa đồ cổ là Lê Công Kiều (TP.HCM) hay Nghi Tàm (Hà Nội) cũng chỉ vài chục triệu, giờ đã đu lên tiền tỉ. Giá đồ lên nhanh bởi nguồn cung ngày càng cạn, người chơi dám xuống tiền ngày càng nhiều, tạo tâm lý ganh đua, định hình thị trường kinh doanh béo bở cho dân thợ chạy - mắt xích trung gian giữa thợ đào đồ và người sưu tầm.
Thời chưa có điện thoại thông minh, mối liên hệ giữa người đào cổ vật và người sưu tầm đều qua trung gian thương lái. Đây là nhóm kiếm lợi được nhất. Gặp thợ đào thì dìm hàng, sang khách mua thì đẩy giá lên. Tiếp cận những anh em đào đồ hiện vẫn theo nghề ở vùng Thanh Hóa, chỉ số ít được nhà cửa khang trang, gia đình ổn định. Phần đa vẫn một cuộc sống bấp bênh, cả đại gia đình trông chờ vào những thứ đào lên bán được. Trong khi nguồn đồ ngày càng cạn.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Quyền lực thợ săn đồ cổ1

Nét đẹp nguyên vẹn của bát cánh sen gốm men ngọc thời Trần

ẢNH: TƯ LIỆU

Tiền công cho một thợ dò, thợ xăm hiện tại từ 1 - 1,2 triệu đồng/ngày, nhưng đếm cả Thanh Hóa chỉ còn chục thợ xăm chuyên nghiệp theo nghề. Vì giờ càng đi đào, càng lỗ vốn, bởi khi đi cả tuần không lấy được một món giá trị. Thợ Tuấn Sơn nuối tiếc: “Khoảng 15 năm trước, qua mùa cấy là nông dân cày ruộng, đào lên đầy chén bát bể vỡ, bỏ chồng chất đầu bờ, rồi đập vụn vì sợ làm đứt chân tay. Còn nhóm thợ đào ngày ấy lên cái gì đẹp mới giữ, gặp những bát Trần, Lê trơn tru không họa tiết hoa văn, mà số lượng nhiều, anh em đập nát hết vì bán không người mua. Mỗi lần tôi lên đồ, cái gì lành soạn ra bán, cái gì đi đường xóc vỡ, đem vứt bụi chuối. Vậy mà giờ moi lên, mảnh miểng, sứt mẻ bán cũng ra vài trăm triệu. Nói thế cho thấy ngày xưa đồ ê hề thế nào. Người chơi cả nước chục năm về trước chưa chuộng đồ ta, lo tập trung đồ Tàu, mua đi bán lại, rồi bán cho Tàu có giá hơn. Đồ ta thất thế lắm”.
Thợ Duẩn, thâm niên xăm đồ ở các bãi quanh vùng Lam Kinh - Thanh Hóa ngày trước, ngậm ngùi: “Ngày xưa bọn em đi bãi, đồ lên cho bao tải cột lại đem về, chạy xe máy, gặp hôm say rượu chạy nhanh, về đến nhà mở ra tan nát hết chẳng còn gì. Đồ đào lên không giá trị chẳng buồn giữ, có khi đập ngay trên bãi luôn anh ạ. Toàn đồ Hán, đồ Nguyên ấy chứ, giờ thì tiền to”.
Ở thị trường cổ ngoạn, từ những năm 1990 bắt đầu lên đời, nhưng thứ ưa chuộng khi ấy là đồ sứ Tàu. Đến những năm 2000, đồ Tàu cạn, người chơi trong nước bắt đầu chuyển hướng qua đồ ta. Các hội nhóm đồ ta hình thành, những hiện vật đẹp lộ diện, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đồ ta lên hương, nhưng nguồn cung lại cạn.
Thợ đào Tuấn Sơn giải thích: “Gốm Việt chỉ gói gọn từ thời Lý đến Lê là hết, trong các triều đại ấy chiến tranh liên miên, đồ không nhiều như người ta nghĩ. Nguồn đào cạn, dưới sông cũng không còn, vì bây giờ có chuyện hút cát. Cả địa tầng 4.000 năm lịch sử chỉ nằm trong 5 - 8 tấc trầm tích, cát sạn đáy sông, giờ máy hút, hạt cát còn hết thì đồ cổ lấy gì còn”.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Quyền lực thợ săn đồ cổ2

Thợ đồ cổ đang thẩm định một bức tượng đồng mới vớt lên từ sông Mã

Khó bỏ nghề

Từ hơn chục năm trước, người viết có dịp tiếp cận thợ đồ cổ chuyên nghiệp vùng Thanh Hóa, hỏi tìm những hiện vật chày - chưởng của dòng đồ đồng, đồ gốm Việt, nhưng những thợ kỳ cựu đều thú thực là đồ đẹp Thanh Hóa lên nhiều số 1, nhưng chưa khỏi mặt đất đã có người ngã giá mua, trong nhà chỉ còn vài món sứt mẻ. Mỗi thợ chạy đồ cổ luôn sở hữu mối quan hệ cá nhân riêng, đều là tai to mặt lớn, thợ càng uy tín, cứng nghề, phạm vi hoạt động rộng, càng được giới sưu tầm săn đón nhiệt tình.
Một thợ nghề kỳ cựu ở Thanh Hóa chuyên về dòng gốm Việt là S.C cho biết: “Chẳng cần biết tiền ông lắm bao nhiêu, chức ông to cỡ nào, nhưng hễ thấy số tôi nhá máy là gọi lại luôn, xin lỗi kể cả nửa đêm đang nằm với vợ cũng bật dậy vì biết khi tôi gọi là sắp to chuyện”. C. cho biết thêm: “Giữ được những mối ấy, phải giấu như mỏ vàng, phải rào trước đón sau để đội khác không tiếp cận được, đồ lên nhiều mà lộ khách thì mất giá ngay”.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Quyền lực thợ săn đồ cổ3

Thợ săn đồ cổ với chân đèn thời Lê - Mạc còn nguyên vẹn được phát lộ

Về mối liên hệ thâm tình giữa đại gia và thợ đào đồ cổ, Tuấn Sơn nói thêm: “Có những đại gia bỏ tiền nuôi thợ chạy, nghe ở đâu lên đồ tốt là bằng mọi giá gom lại. Bởi vậy có thời kỳ anh em thợ đào, thợ chạy huy hoàng lắm. Đi đến tỉnh này, tỉnh kia được tiếp đón long trọng, bao ăn chơi đủ kiểu, toàn món ngon vật lạ, được gặp những người mà nếu không dính vào đồ cổ chẳng bao giờ có cơ hội tiếp cận họ. Đấy cũng là lý do khó đổi sang nghề khác được, dù nguồn đồ vớt sông, đồ đào, cạn sạch rồi. Thanh Hóa ngày trước phải vài trăm thợ đào, giờ chỉ còn chục đổ lại, nhiều anh em bán cả máy dò để chi tiêu gia đình. Một thời sung sướng quen rồi. Đào cái ấm Lý bé con con bằng nắm tay, bán ra vài trăm triệu là thường, lại còn được o bế, chăm sóc, nịnh nọt đủ kiểu… sống sướng quen, sao đi làm nghề khác được”.
Gặp những nhân vật cao thủ một thời trong giới thợ đào, thợ dò của Thanh Hóa, biết được thợ nghề còn có uy quyền khiến cả giới thầy mo cũng phải săn tìm, kính nể. Thợ dò kinh điển xứ Mường vùng Thanh Hóa là Ngọc V. tiết lộ: “Thầy mo mua nhiều đồ cổ, nhất là dao, rìu, trống, ngày xưa đúc theo kiểu mô phỏng về làm pháp khí, cúng bái, trừ tà, cầu mưa, cầu nắng. Có nhiều thứ thầy mo làm, thực ra chẳng phải bùa phép gì cả, cứ thử lấy con dao nhọn, chĩa vào ấn đường giữa hai hốc mắt, nhìn thẳng đấy một tí thôi là nhức mắt không chịu nổi, làm người khác khiếp sợ, uy tín thầy mo tăng thêm. Có những đồ đào, vớt, độc, lạ thầy mo không biết công năng tôi còn chỉ cho cách dùng”. (còn tiếp)
Đấu giá cổ vật từ lúc chưa mang lên
Thợ đào ngày trước, sống chân tình, thật lòng với nhau, anh em làm bãi ăn đồng chia đủ. Bây giờ nhiều chiêu trò, đem đồ mới chôn xuống gài người mới vào nghề sưu tầm, thợ đào mang tiếng xấu.
“Ngày xưa khi đào được đồ, mang lên Hà Nội, dân buôn, dân chơi trên đấy khinh lắm, chê bọn tôi nhà quê nên ép giá, dìm hàng, sau bị dính nhiều đồ giả, mới thay đổi thái độ. Bọn tôi là người đi đào, nắm được đồ các bãi, tiếp cận tiêu bản hằng ngày, thật giả bọn tôi liếc sơ là biết ngay”.
Bây giờ có mạng xã hội, có điện thoại, thông tin nhanh lắm, đào chưa lên khỏi đất người mua đã thấy hình ảnh, đấu giá inh ỏi. Lên khỏi đất là đội nón đi ngay chứ không kín đáo như ngày xưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.