Cổ vật - sau ánh hào quang: Xăm gốm cổ xứ Thanh

14/08/2021 06:00 GMT+7

Là vùng đất cư trú của người Việt cổ, Thanh Hóa được mệnh danh là vựa đồ đồng, gốm Hán, gốm Việt qua hàng ngàn năm lịch sử, với những bãi mộ táng chôn theo vô vàn cổ vật, được khai quật từng ngày từ hơn 30 năm qua.

Đồ cổ Việt được giới sưu tầm định danh theo những khái niệm: đồ vớt (vớt dưới sông, biển), đồ bờ (đồ sử dụng trên mặt đất), đồ đào (khai quật dưới đất lên). Một món đồ gốm thời Lý cách đây ngàn năm, hay 500 - 600 năm thời Lê sơ, nếu là đồ bờ, chuyện may mắn sót lại cao lắm không đến 1%. Lượng đồ cổ còn lại trong sưu tập tư nhân, bảo tàng trong và ngoài nước rất nhiều. Chiếm trên 80% là đồ khai quật từ lòng đất, do thợ đào đồ cổ Thanh Hóa thực hiện. Ở vựa đồ đào này, những bãi chôn đồ cổ theo mộ táng dày đặc từ Cẩm Thủy đến Vĩnh Lộc, qua Hà Trung, Hậu Lộc… Từ đó, khai sinh ra nghề xăm, đào đồ cổ. Trong những vùng đất có đồ đào từ Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An…, giới thạo nghề nhận định thợ Thanh Hóa giỏi nhất.

Chiếc “đũa thần”

Nghề đào đồ cổ hình thành từ cuối thập niên 1980, thuộc lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm. Thợ đào rất ngại lộ diện, tối kỵ cho người ngoại đạo tiếp cận địa bàn khai thác, đặc biệt là báo chí, công an… Phần bởi theo luật Di sản, hễ những thứ lấy từ dưới sông, biển, lòng đất lên đều được coi là tài sản quốc gia, người phát hiện phải có nhiệm vụ trình báo, giao nộp. Còn ở quan niệm xã hội, thợ đào cổ vật bị xem là người quật mồ mả tiền nhân, nên hoạt động của họ thường lén lút, đào đồ trong đêm hoặc ngày trời trở mưa gió, bão bùng… Đối mặt vất vả, khổ cực trăm bề, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Khi món đồ đã hiện hữu vào sưu tập tư nhân, hay ra nước ngoài, người sở hữu thuộc tầng lớp cao trong xã hội có dịp nở mày nở mặt, nhờ vẻ đẹp đỉnh cao và bề dày văn hóa của cổ vật; còn thợ đào đồ cổ vẫn lặng lẽ, thăng trầm mưu sinh.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Xăm gốm cổ xứ Thanh1

Khoét đất tìm đồ cổ của thợ xăm đào cổ vật Thanh Hóa

ẢNH: TƯ LIỆU

Về Thanh Hóa, tiếp cận giới đào đồ cổ, được anh em thạo nghề giới thiệu Kiên - một thợ xăm có tiếng vùng Lam Hạ, Thuần Lộc. Kiên theo nghề đào đồ cổ cha truyền con nối. Cha Kiên thuộc thế hệ đầu, truyền lại cho cậu, đến giờ thì cả làng Lam Hạ hầu như nhà nào cũng đào đồ cổ lúc nông nhàn. Theo Kiên ra đồng cùng nhóm thợ đào, đứng bên ruộng lúa vừa gặt, mặt đất khô lộ chi chít những lỗ nhỏ như chiếc đũa trên mặt ruộng. Lỗ xăm đồ cổ đấy.
Tôi vẫn chưa hiểu lỗ xăm là gì, trong khi thấy trên mặt ruộng còn đây đó từng hố to cỡ thân người, sâu gần 2 m mới đào xong. Kiên giải thích: “Do anh em đào lên để lấy đồ cổ ở dưới”. Ruộng mênh mông, chẳng có gì làm chỉ dấu, biết rõ đồ nằm đâu mà đào? Kiên phì cười: “Bọn em dùng que thép dài, dẻo, đàn hồi tốt (tách từ sợi cáp điện cao thế) đem về chế biến, mài đầu một chút gắn vừa vòng mắt xích xe đạp vào, khiến đầu cây xăm to hơn, nhưng xiên đến đâu thì đất hút tuột đến đấy, nhẹ nhàng lắm”.
Nói rồi Kiên ra thực địa, lấy cây xăm thép dài gần 2 m, to bằng đầu đũa, sáng choang, cắm mũi xăm lên mặt ruộng, nhấn nhẹ, cả cây xăm mất hút vào lòng đất ngọt và êm như cắm đũa xuống bùn. Kiên nói: “Mỗi hố đào, lấy được đồ toàn từ 1,5 m trở lên, đào có khi mất nửa ngày mới đến đồ. Nếu xăm không kinh nghiệm, mạnh quá thì đồ vỡ, hoặc đụng phải cục gạch mà tưởng đồ cổ, đào lên có mà há mồm. Ngày xăm trúng 2 mảnh linh tinh, đào 2 hố, rồi lại lấp đi, sức trâu cũng làm không nổi”.
Trong nghề đào đồ cổ, cây xăm được ví như chiếc đũa thần, là bộ phận giúp thợ đào “siêu âm” được dưới lòng đất có gì, nên hay không nên đào. Bởi khi quyết định đào, tức sẽ gây chú ý với người xung quanh từ chính quyền, chủ ruộng đến dân xã hội của bãi đào...; thế nên thợ đào nhiều khi phải hành xử rất kín. Xăm trúng đồ nhưng không đào ngay, đánh dấu để đó, đợi đêm xuống mới âm thầm ra khai quật moi đồ về.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Xăm gốm cổ xứ Thanh2

Cây xăm và một hố đào với chiếc thạp đang được thợ xăm phát lộ

Biệt tài thợ xăm

Dụng cụ hành nghề của mỗi thợ đào đồ cổ vùng Thanh Hóa gồm: vài cây xăm 1,5 - 2 m, một cuốc, một xẻng, một bao tải nhỏ. Mỗi ngày sau mùa cấy, chỉ riêng mặt ruộng Lam Hạ ngay bãi tha ma, vài chục con người lầm lụi, hì hụi cắm “cây đũa thần” dài sọc xuống lòng đất, mơ chạm cái gì đó cứng cứng để đào lên; trúng được cái ấm cánh sen, hay con nghê, chú tễu, hộp phấn… coi như tiền về.
Dẫn đến một hố đào mới tinh, Kiên bảo: “Anh thấy lỗ xăm chi chít, vậy mà không ai xăm trúng. Thằng em hôm nọ ra chơi xăm đại, vậy mà lên được cái ấm sen, mới bán hơn trăm triệu cho khách Hà Nội”. Nhìn trên mặt ruộng, giờ tôi mới thấy rõ hơn mỗi lỗ xăm chỉ cách nhau vài phân. Là một thợ xăm giỏi, khi “cây đũa” chạm vào đồ, cảm giác tay biết ngay đó là đồ gốm, đồ đá, đồ to hay đồ nhỏ, biết kỹ đến mức đó là mảnh hay còn nguyên… Kiên là thợ xăm hiếm hoi có biệt tài như thế.
Cổ vật - sau ánh hào quang: Xăm gốm cổ xứ Thanh3

Chiếc bát vỡ men trắng ngà thời Lê vứt chỏng chơ ngoài ruộng vì không được giá

Để minh chứng cho tay nghề đỉnh cao của mình, Kiên dẫn ra góc ruộng phía xa, nơi thợ xăm tên Nhất cặm cụi dưới hố sâu đang đào quá nửa thân người. Nhất mới vào nghề, thường ngày làm vật liệu xây dựng, khi rảnh thì ra ruộng xăm, đánh mót xem có ăn được gì không.
Kiên bảo: “Thằng em xăm trúng mảnh, gọi em đến coi, trước lúc nó đào, em đã bảo hố này hỏng, không làm được, nhưng nó mới ra nghề, không nghe. Đây là hố nát (những mộ táng, đa phần ở thời Lê, khi chôn đồ theo, người ta đập nát hết để sau không cho ai sử dụng). Anh không tin đợi chút nó moi lên chỉ toàn mảnh thôi”.
Ráng ngồi xem Nhất hì hụi, vất vả khoét lỗ trên mặt ruộng, mất gần cả buổi chiều nặng nhọc. Mãi đến nhá nhem tối, Nhất chạm đến vỉa đất có đồ, hóa ra toàn là mảnh gốm thời Lê, đúng như những gì Kiên nói. Nhất lại cặm cụi leo lên bờ, gạt đất lấp lỗ, ôm gói đồ nghề ra về, thêm một ngày trắng tay.
Đợi Nhất đi rồi, Kiên mới bảo: “Hơn 20 năm cầm cây xăm nên có nhiều kinh nghiệm thôi, chỉ cần chạm em biết ngay dưới đó là cái gì. Còn nói anh em không ai nghe đâu, xăm xuống cứ thấy vật cản là tim đập loạn lên, ai cũng mơ gặp đồ chày, đồ chưởng (đồ giá trị cao - PV), thì làm sao khuyên họ đừng mất công đào được. Nên thôi, nhiều khi em biết cũng không nói, để tự đào rồi rút kinh nghiệm dần”. (còn tiếp)
Cạn cổ vật
Cổ vật từ lòng đất Thanh Hóa khai thác đã cạn, nhiều thợ xăm non kinh nghiệm bỏ nghề. Thị trường hiếm đồ, người chơi ngày càng đông, cổ vật càng lên giá nên thợ đào thâm niên tiếp tục hành nghề. Những chiếc ấm sen kép gốm hoa nâu thời Lý, to bằng hai bàn tay chụm lại, thị trường giá gần 2 tỉ đồng.
Kiên bảo: “Ngày xưa đồ cổ nhiều lắm, cứ xiên vào đất là gặp. Xăm ban ngày chưa đủ, cả làng tranh thủ cả ban đêm. Bãi Lam Hạ tương đối nhiều đồ tốt, các hố chôn đồ sát nhau lắm, có khi cách chỉ 1 m là có đồ rồi. Nhưng hơn 30 năm nay, cứ đào liên tục, giờ đánh mót lại, ăn may thì gặp thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.