Khi nhìn bộ sưu tập gốm Việt ở bảo tàng Anh, Bảo tàng Văn minh Châu Á (Singapore)... người yêu gốm Việt cổ sẽ phải kinh ngạc bởi những hiện vật mang vẻ đẹp tạo hình, chi tiết trang trí, kỹ thuật chế tác... đạt đến siêu phàm, đưa gốm Việt rạng danh trên bản đồ thế giới. Đa phần các món đồ cổ đắt giá ấy của Việt Nam ra nước ngoài từ thập niên 1990, kể cả đến tận bây giờ. Hành trình những tuyệt tác ấy trước khi xuất dương lại liên quan đến nghề nghiệp thấm đầy máu và nước mắt: Nghề săn tìm cổ vật.
Đối với bạn lặn (người theo nghề lặn biển), biển Việt Nam ngoài hải sản còn có thứ kiếm được nhiều tiền nhất, nhanh giàu nhất nhưng cũng dễ chết nhất, đó là cổ vật từ tàu đắm.
Tàu đắm chở đồ gốm sứ được phát hiện ở Việt Nam nhiều vô kể: tàu đắm Côn Đảo, Vũng Tàu (thế kỷ - TK 8), tàu đắm Bình Châu, Quảng Ngãi (TK 13), tàu đắm Bình Định, tàu đắm Phú Quốc (TK 14), tàu đắm Bình Thuận, tàu đắm Cù Lao Chàm, tàu đắm Hòn Dầm (TK 15), tàu đắm Hòn Cau, tàu đắm Cà Mau, tàu đắm Hà Tiên (TK 18)... Việt Nam sở hữu một kho tàng khổng lồ dưới đáy biển nhờ tuyến giao thương “con đường gốm sứ” cực thịnh ngày xưa.
Kho tàng dưới đáy biển
Dựa trên các khảo cổ học từ tàu đắm có thể xác định “con đường gốm sứ” trên biển chí ít đã từng nhộn nhịp cách đây hơn 12 TK.
Ngư dân và những tay săn lùng cổ vật biển khi tìm ra tàu đắm thường âm thầm khai thác chán chê, tọa độ đắm tàu mới phát lộ và được cơ quan chức năng tới khoanh vùng, bảo vệ.
Gần đây nhất, tháng 7 năm ngoái, Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu thu giữ được các hiện vật gốm cổ, niên đại thời nhà Đường (TK 8) từ một con tàu đắm. Trong khi đó, ở thị trường cổ vật trên phố Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) đồ từ con tàu đắm này đã xuất hiện từ... năm 2017.
Cuối năm 2019, thị trường càng thêm sôi động khi nhiều nhà sưu tập từ Singapore sang Việt Nam tìm mua đồ vớt từ con tàu này, nhất là gốm men tam thái. Nguyên do trong số các chén có ký tự Ả Rập được dịch nghĩa “Muhammad là một vị tiên tri”, đẩy mức giá ban đầu từ 200.000 - 300.000 đồng (năm 2017) lên gấp trăm lần cho mỗi cái chén men tam thái nguyên vẹn (cuối năm 2019).
|
Một quy luật ngầm trong giới trục vớt, săn lùng cổ vật biển là khi ngư dân đánh bắt, phát hiện các mảnh gốm, họ sẽ khoanh vùng và rà soát từng mét vuông dưới lòng biển tìm xác tàu - một kho báu có thể giúp bạn lặn đổi đời. Hiện vật vớt lên, lập tức tập trung về thị trường chính Lê Công Kiều đong đo giá cả, tìm tín hiệu tốt. Nếu dòng đồ đấy bạn lặn “ăn” được, có giá cao, việc trục vớt diễn ra ồ ạt, nhanh chóng. Đồ sứ Khang Hy, Ung Chính của hai con tàu đắm Hòn Cau và Cà Mau là ví dụ điển hình. Nếu thị trường ngó lơ, đồ không được giá, việc trục vớt diễn ra nhỏ giọt, thậm chí bỏ tàu luôn vì lên đồ không có lãi.
Nguyễn V., một lái buôn đồ cổ chia sẻ, những năm 1990 đồ vớt biển lên nhiều tới mức còn ít chén dĩa sứt mẻ thời Khang Hy chiều bán không hết thì đập bỏ rồi về cho nhẹ. Bây giờ mảnh đó cũng lên tiền triệu rồi.
“Những năm đó có thêm chuyện lừa đảo, đám thợ lặn mang vài món đồ khá chào hàng, nói mới phát hiện tàu đắm. Dân buôn lặng lẽ gom tiền cho bạn lặn đi vớt bao nguyên tàu. Chỉ được một hai chuyến, lên vài ba cần xế đồ, bạn lặn vòi tiền nhiều hơn với đủ lý do mua xăng dầu, chung chi ngoài biển, độ sâu lớn cần thiết bị... khi ôm cục tiền lớn thì bạn lặn cũng ... “lặn” luôn. Tui dính một vụ mất hơn trăm triệu. Trong giới buôn nhiều người bị lừa, nhưng ai cũng giấu, thực ra là ham, muốn độc quyền mua đồ vớt. Sau này dân buôn tỉnh đòn, không đưa tiền trước, không ra tận nơi mua đồ nữa vì dễ gặp rủi ro, bị chặn đường, bị báo cơ quan chức năng. Hễ ai có đồ vớt cứ mang vào tận chợ, mua bán ở đó an toàn hơn”, anh V. nói.
|
Nghề bạn lặn
Khi phát hiện tàu đắm, tùy độ sâu, chủ tàu sẽ huy động bạn lặn phù hợp đi đánh hàng. Ở Việt Nam, giới trong nghề nhận định bạn lặn vùng Lý Sơn có biệt tài lặn sâu nhất, trung bình trên 30 sải (tương đương 45 m nước). Tàu đắm có những ca khó ở độ sâu 73 - 75 m (50 sải), bạn lặn trên cả nước xuống được mức ấy chỉ đếm đầu ngón tay. Tuy nhiên, Lý Sơn cũng là đảo có lượng người tàn phế vì nghề lặn nhiều nhất (khoảng hơn 40 bạn lặn, chưa kể số tử vong vì nghề).
Nhận dạng bạn lặnTheo bạn lặn lão luyện Ngọc H., những tay lặn sâu khi lên bờ có dáng đi hơi nghiêng, hoặc khấp khểnh do di chứng của những chuyến lặn sâu. Bạn lặn càng thâm niên với nghề, tóc ngả vàng, lông mi rất dài, gần như cụp hẳn chứ không vểnh như người thường. H. bảo: “Một bạn lặn phổ thông thường ngày ở dưới nước cũng phải 8 - 10 tiếng, mắt dưới biển nheo nheo, riết thành quen, lông mi thẳng duỗi ra, nên lên bờ nhìn tướng đi và lông mi biết liền à”.
|
Gặp lại Ngọc H., một bạn lặn có tiếng trong nghề, ngụ Bình Thuận, từng “bóc lịch” vì tham gia khai thác trái phép tàu đắm Cà Mau với số lượng lớn, H. kể: “Gặp tàu đắm ham lắm, thị trường ăn hàng cỡ nào cũng làm. Anh em tinh ý, nghe ngóng bạn lặn cao thủ tập trung vùng nào, sẽ đoán biết chỗ đó sắp có chuyện nên khi khai thác phải tránh đủ đường, vừa né chính quyền, lại né bạn lặn. Rồi canh chừng đàn em trên tàu, chỉ cần nó bán điểm (tọa độ tàu đắm) cho người khác là toi công. Tàu Cà Mau hồi tui làm sâu hơn 35 sải. Ngày nào giông lốc, biển động, tui cho ghe đi làm, vớt biết bao nhiêu, sau mới bị phát hiện”.
Một thoáng trầm ngâm, H. kể thêm: “Vụ đó tôi mất thằng em. Nó trẻ, ỷ sức, ham đồ vì vớt lên bao nhiêu có người gom hết. Bữa đó thổi cát vớt đồ dưới sâu hơn, chừng gần 40 sải, thấy nó xuống nhanh rồi lên nhanh, tui nghi rồi, hỏi nó nói khỏe, nửa tiếng sau đang ngồi hút điếu thuốc, nghe nó kêu chóng mặt, rỉ máu tai, tôi chụp chì, cắn ống hơi ôm nó nhảy xuống biển giảm áp, nhưng không cứu kịp”.
|
Trong lần gặp người nổi tiếng lặn sâu của đảo Lý Sơn là Bùi Thượng, ông có biệt tài lặn vo (lặn bộ) không ống thở xuống đến độ sâu 75 m, đoạt danh hiệu người lặn sâu nhất Việt Nam năm 1963, lão ngư bảo: “Nghề lặn ống hơi ở Việt Nam do tui truyền cho dân đảo Lý Sơn, giờ cả nước biết nghề này rồi. Ngày xưa tụi tui lặn không bình hơi nhưng ít xảy chuyện chết người vì biết tự lượng sức. Bây giờ lệ thuộc vào máy móc, có lợi hơn, đủ hơi dưới nước lâu nhưng kinh nghiệm giảm áp chưa có, xuống nhanh hoặc lên nhanh trong tích tắc thôi là đủ xảy ra chuyện rồi”.
Các cổ vật dưới đáy biển khi vớt lên tụ tập về phố Lê Công Kiều, số nhỏ lọt vào các bộ sưu tập tư nhân trong nước, còn lại theo chân các tay buôn ra nước ngoài. Nhiều hiện vật giá trị từ các con tàu đắm ở Việt Nam nay đang yên vị ở những bảo tàng danh tiếng tại Mỹ, Hà Lan, Pháp, Anh, Nhật, Singapore... chưa kể những bộ sưu tập tư nhân đỉnh cao ở các thị trường Đông Nam Á. Nhiều trong số ấy dư khả năng thành bảo vật quốc gia, mới thấy sức hấp dẫn và quyến rũ của đồ vớt biển - một báu vật của ngành khảo cổ học Việt nhưng luôn đi sau thị trường chợ đen, trước khi con tàu được trục vớt một cách khoa học, cẩn trọng để giới thiệu vẻ đẹp của hiện vật đến nhiều người.
Con đường gốm sứ trên biểnHiện vật tàu đắm Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc các lò gốm danh tiếng như lò Định - sứ trắng (Khúc Dương, Hà Bắc), lò Đồng Quan - gốm tam thái (Đồng Quan, Hồ Nam), lò Việt - gốm lam, gốm men ngọc (Hàng Châu, Chiết Giang)... góp phần minh chứng Việt Nam là phần huyết mạch của “con đường gốm sứ trên biển”, kết nối các nước trong khu vực Đông Nam Á, Tây Á và thế giới.
Trong giới buôn cổ vật quốc tế, thị trường Việt Nam từng là miếng mồi béo bở để khai thác vì người chơi trong nước chưa kịp định hình, nhiều hiện vật độc bản theo con đường đó ra đi. Nhưng giờ các hiện vật đang dần được mua ngược trở lại.
|
Bình luận (0)