Hồi sinh xe đạp cũ
Chúng tôi gặp anh Thắng khi anh đang đi xin xe đạp cũ, tự mình tái chế, tặng học sinh nghèo. Anh Thắng chia sẻ, anh vốn có sở thích, đam mê phục hồi đồ cũ, nên đã thực hiện nhiều chương trình tái chế, như xin sách giáo khoa cũ, laptop, máy tính, ti vi, radio, xe lăn... của những người bỏ đi, đem về phục hồi, làm mới và tặng lại cho học sinh. “Tôi thích tái chế, tái sử dụng đồ cũ vì nó có thể không còn giá trị với người này, nhưng sẽ là một tài sản đối với người khác. Việc tái sử dụng còn hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí cho xã hội”, anh Thắng nói.
Từ cuối tháng 4 năm nay, khi đi tìm mua xe đạp tập thể dục, anh Thắng phát hiện có nhiều chiếc xe đạp bị bỏ phí, trong khi nhiều đứa trẻ phải đi bộ đến trường. Vì thế, anh nảy sinh ý tưởng tái chế xe đạp cũ để tặng học sinh, liền lên mạng đăng tin xin xe cũ. “Mới đầu tôi chỉ xin được 3 chiếc, về tự mày mò sửa. Sửa xong, đi không ổn vì tôi chưa sửa xe bao giờ, rồi tôi xin thêm, tháo bung ra và mang đến tiệm sửa xe nhờ họ ráp lại. Tôi đến phụ họ để học sửa xe. Họ sửa đến chiếc thứ 3 thì tôi bắt đầu biết sửa, biết phân loại xe…”, anh Thắng nhớ lại.
Theo anh Thắng, sau khi hoàn thành những chiếc xe đầu tiên, anh đã nghĩ cần lập ra một dự án cộng đồng lấy tên là Hồi sinh xe cũ tặng học sinh đến trường, và đặt tên cho những chiếc xe làm ra là Rebike for kids (viết tắt là R4K). Team Hồi sinh xe cũ R4K ra đời từ ý tưởng đó. Anh Thắng cho biết, tên gọi đó giống với từ Rak mang ý nghĩa là những gì người ta bỏ đi, mình sẽ làm nó thành thứ có giá trị với người khác. Để phục hồi xe cũ, anh tháo rời toàn bộ những chiếc xe, giữ lại những gì còn sử dụng được, sau đó tẩy gỉ sét, đánh bóng, phun sơn và lắp ráp lại, dán tem nhãn mang tên R4K, biến chúng thành những chiếc xe đạp như mới.
Tính đến nay, sau hơn 3 tháng, anh Thắng xin được hơn 300 chiếc xe cũ, hỏng và đã phục hồi được hơn một nửa, trao tặng được hơn 70 chiếc cho học sinh và người nghèo. Anh đặt mục tiêu là làm 1.000 chiếc xe trong 1 năm để tặng học sinh nghèo trên toàn quốc.
|
Giúp nhiều người bất hạnh
Mới đây, anh Thắng trao 15 chiếc xe cho học sinh Trường tiểu học Sơn Hàm, một trường miền núi khó khăn của H.Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trường có nhiều trẻ em nghèo, chưa biết đi xe đạp, nên trao xong, anh lại dành một buổi cùng các thầy cô dạy các em tập đi. Nhìn các em say sưa tập cả buổi, anh lâng lâng xúc động.
Trong những học sinh được tặng xe đầu tiên, anh Thắng ấn tượng nhất trường hợp em Phan Bảo Khánh (8 tuổi), Trường tiểu học TT.Phố Châu. Khánh mồ côi cha mẹ, ở cùng anh trai và ông bà già yếu, bệnh tật hiểm nghèo. Anh trai Khánh học lớp 9 đã phải bỏ học đi làm, còn Khánh cũng đang có ý định này. Dự án đã tặng 2 chiếc xe và một số đồ dùng học tập cho hai anh em. Từ đó, Khánh chăm chỉ đi học. Sau buổi học, em chở mẹt hoa quả đi bán thuê để lấy tiền phụ giúp ông bà.
Nhờ chiếc xe “hồi sinh” của anh Thắng mà nhiều mảnh đời bất hạnh khác cũng được “hồi sinh”, như em Phạm Nguyên Giáp (16 tuổi, ở xã Sơn Phú, H.Hương Sơn). Giáp là con duy nhất trong gia đình bố mẹ bị mù bẩm sinh, cả nhà sống bằng nghề nhặt ve chai. Từ ngày có xe đạp, mỗi ngày Giáp lại chở mẹ lên chợ xin ve chai về bán, và chiếc xe đã trở thành tài sản có giá trị nhất đối với gia đình nghèo này.
Không chỉ tặng học sinh, những ai có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhóm của anh Thắng trao tặng. Ông Nguyễn Văn Huy (64 tuổi, ở thôn Mai Hà, xã Sơn Trung, H.Hương Sơn) đã 30 năm nay làm nghề chăn bò thuê và nhặt phế liệu mưu sinh. Một hôm, ông ghé vào xưởng xin phế liệu, thấy chiếc xe của ông quá cũ, không còn an toàn, nên anh Thắng tặng ông một chiếc xe R4K để ông làm phương tiện mưu sinh.
|
Ước mơ không còn trẻ em nào phải đi bộ đến trường
Điều thú vị là từ ngày anh Thắng đăng dự án R4K trên mạng xã hội đã được cộng đồng hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều người liên hệ với anh và tặng xe, đồng thời còn đứng ra gom xe để trao tặng. Hiện mạng lưới của R4K đã có mặt ở gần 10 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đặc biệt, khi thấy anh làm công việc ý nghĩa này, nhiều tình nguyện viên ở Hà Tĩnh dù chưa hề quen biết cũng đã đến tận nơi góp sức sửa xe giúp, còn hàng xóm thì cứ khi rảnh lại qua phụ một tay. Trong đó, có 2 tình nguyện viên đặc biệt là ông Nguyễn Quốc Lân (53 tuổi) và anh Nguyễn Phi Sơn (41 tuổi), đều là hàng xóm của anh Thắng. “Anh Sơn làm với tôi suốt 2 tháng rồi. Anh ấy cứ làm miệt mài cùng tôi mà không bao giờ nghỉ trước. Cách đây 1 tuần, anh ấy ốm, tôi sang thăm thì mẹ anh ấy bảo, làm thì làm nhưng nghỉ sớm tí, nhiều bữa thằng Sơn về nhà nằm vật ra sàn nhà, không ăn uống tắm rửa chi luôn…”, anh Thắng chia sẻ.
Nhận xét về anh Thắng, bà Hoàng Thị Thanh Thiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hàm (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh), cho biết: “Thắng rất thương học trò nghèo, nên thường xuyên ủng hộ sách vở và dụng cụ học tập. Năm nay, anh tự làm xe đạp tặng các em. Hiếm ai có tấm lòng và làm được những việc như Thắng”.
|
Chia sẻ về bản thân, anh Thắng cho biết anh vốn học đại học về quản trị kinh doanh, nhưng đến năm thứ 3 thì thấy không phù hợp nên bỏ, rồi đi học “linh tinh” như sửa chữa đồ gia dụng, học tiếng Anh… và về làm quản lý khách sạn của gia đình. Từ năm 2015 đến nay, anh bắt đầu làm các dự án thiện nguyện. Đặc biệt, từ ngày triển khai dự án R4K, anh bỏ bê luôn công việc kinh doanh. “Tôi sửa xe cả 7 ngày/tuần, mỗi ngày làm từ 10 - 12 tiếng. Có đợt làm cho kịp tặng xe, nên tôi làm từ 6 giờ sáng, ăn trưa tại chỗ, rồi làm luôn đến 11 giờ đêm”, anh Thắng kể.
Hỏi anh cứ mải miết làm thiện nguyện, lấy tiền đâu chi dùng việc cá nhân, anh nói: “Tôi chưa lập gia đình, nên không có nhu cầu chi tiêu nhiều. Cơm ăn 2 bát mỗi bận, nước uống thì dễ rồi (cười). Tối về nhà ngủ, quần áo thì thi thoảng mua. Dạo này thì hơi tốn quần áo, vì dầu mỡ dây vào, giặt không sạch, nhưng tôi có tiền tiết kiệm chứ chưa phải xin tiền bố mẹ”.
Anh cũng cho biết, trước đây bố mẹ hay phàn nàn về chuyện anh làm việc tự do, nhưng bây giờ thì quen rồi. Tuy nhiên, để làm được điều mình muốn, anh cũng phải trải qua nhiều khó khăn. “Lúc đầu có người bảo tôi khùng, nhưng điều đó không làm tôi buồn, mà tôi muốn càng khùng hơn. Dị nghị thì nhiều, nhưng tôi biết làm sao được, chỉ mong càng về sau người ta càng hiểu mình hơn”, anh Thắng trải lòng.
Anh cũng cho biết chỉ tập trung theo đuổi ý tưởng của mình, bởi: “Trong cuộc sống, còn có nhiều người dành phần lớn thời gian để cống hiến cho xã hội; đặt lợi ích của bản thân sau lợi ích cộng đồng, đất nước. Tôi lấy việc chia sẻ, cho đi là niềm vui. Đó là thu nhập của tôi”, anh Thắng vui vẻ nói.
(còn tiếp)
Bình luận (0)