Ăn phải thực phẩm chứa formol, cơ thể sẽ thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
18/10/2023 04:09 GMT+7

Formol là hợp chất cực độc, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, tiêu thụ thực phẩm có formol sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe.

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết formol còn có tên là formaldehyde là một loại khí không màu, độc và dễ cháy ở nhiệt độ phòng.

"Formol cực độc, có khả năng ung thư, gây hại mắt. Chất này còn có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm theo cơ chế giết các mô tế bào", tiến sĩ Triết nhấn mạnh.

Khi hít phải hơi formol liều thấp có thể dẫn đến đau đầu, viêm mũi và khó thở, liều cao hơn có thể gây kích ứng màng nhầy nghiêm trọng, nóng rát, chảy nước mắt và ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới như viêm phế quản, phù phổi hoặc viêm phổi. Những người nhạy cảm có thể bị hen suyễn và viêm da, ngay cả khi tiếp xúc với liều rất thấp. Hơi formol nặng hơn không khí một ít và có thể dẫn đến ngạt thở ở những khu vực thông gió kém, kín hoặc vùng trũng.

Vụ bắt 3,2 tấn cá chứa formol: Đây là chất cực độc có thể gây ung thư - Ảnh 1.

Phát hiện cá khoai chứa formol đang được vận chuyển đi tiêu thụ

CTV

Nuốt phải formol có thể gây viêm dạ dày, ruột cấp tính với triệu chứng đau miệng, đau bụng dữ dội, nôn, nôn ra máu, đái máu và tiếp theo là thiểu niệu (tình trạng lượng nước tiểu tính trong 24 giờ giảm), vô niệu (tình trạng không có nước tiểu trong bàng quang)... Tiếp xúc formol qua da có thể gây hoại tử da, dị ứng, viêm da...

Theo Bộ Y tế, tiếp xúc với formol có thể gây kích ứng da, mắt, đường hô hấp trên và dưới. Mức độ phơi nhiễm của người lao động phụ thuộc vào liều lượng, thời gian và vị trí công việc. Trong công nghiệp, formaldehyde được ứng dụng chính vào ngành sản xuất nhựa và làm chất trung gian hóa học. Ngoài ra, formol còn được sử dụng trong một số sản phẩm thuốc sát trùng, mỹ phẩm, hóa chất làm tóc...

Khó nhận biết thực phẩm ướp formol

Tiến sĩ Triết cho biết, chúng ta rất khó nhận biết một thực phẩm có ướp formol hay không. Do đó khi lựa chọn thực phẩm, người dân nên chọn thịt, cá... tươi sống, sờ ấn vào còn mềm mại, không bị khô cứng....

"Nếu một thực phẩm có ướp formol, chúng ta phải rửa thực phẩm ngay lúc vừa ướp thì mới có thể làm giảm bớt lượng chất này", tiến sĩ Triết chia sẻ.

Phát hiện 3,2 tấn cá khoai chứa formol

Như Thanh Niên Online đưa tin trước đó, ngày 17.10, thông tin từ Cục quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết, khoảng 1 giờ cùng ngày, lực lượng của Đội quản lý thị trường số 10 (thuộc Cục quản lý thị trường Thanh Hóa) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải kéo rơ moóc chở số lượng lớn cá khoai không rõ nguồn gốc.

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở nhiều thùng xốp đựng cá khoai, tổng số lượng khoảng 3,2 tấn.

Lực lượng chức năng test nhanh, phát hiện trong các thùng xốp chứa cá khoai có chất formol. Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được các giấy tờ xuất xứ của sản phẩm.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản sự việc, tạm giữ toàn bộ 3,2 tấn cá khoai để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.