Ăn tết 'cách ly' trong khu phong tỏa ở Tân Bình: 'Nhớ gia đình, nhưng ở đây chẳng thiếu thứ gì'

Trần Tiến
Trần Tiến
11/02/2021 16:55 GMT+7

Chúng tôi gọi chúc tết anh Duy Anh, người đang được cách ly tại lô F chung cư Carillon (Q.Tân Bình, TP.HCM). Anh bảo 'cả khu đã phong tỏa nên cũng gò bó, nhưng an toàn, còn trong đây chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu gia đình...'

TP.HCM ghi nhận những ca bệnh ngoài cộng đồng khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, khi đã có “kinh nghiệm” chống dịch Covid-19, người dân TP.HCM cũng chủ động hơn trong công tác ứng phó dịch.

CẬP NHẬT: Danh sách 33 địa điểm tại TP.HCM bị phong tỏa để phòng Covid-19 vào tối 11.2

Ăn tết "cách ly"

Tính đến 18 giờ ngày 10.2, TP.HCM đã có 9 quận, 1 thành phố có các địa điểm được phong tỏa. Chỉ riêng khu vực Q.Tân Bình đã có 14 địa điểm bị phong tỏa/tạm thời phong tỏa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19 cũng như liên quan đến nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại các chốt chặn nơi bị phong tỏa luôn có lực lượng an ninh bảo vệ, hỗ trợ người bị cách ly nhận nhu yếu phẩm.
Tại khu vực lô F chung cư Carillon trên đường Trần Văn Danh (P.13, Q.Tân Bình) cũng được lực lượng chức năng phong tỏa từ ngày 8.2. Những ngày này, người có thân nhân trong khu vực bị phong tỏa và các shipper luôn tấp nập đến giao, gửi nhu yếu phẩm vào trong khu vực cách ly.
Có mặt tại đây, không ít lần phóng viên bắt gặp những cư dân tại đây chủ động quay trở lại chung cư, tự cách ly.  

Chiều 11.2: Thêm 31 ca Covid-19 ở Hà Nội, Gia Lai, Hải Dương, Quảng Ninh chiều 30 tết

Người dân để nhu yếu phẩm trước nơi phong tỏa tại Q.Tân Bình.

ẢNH: TRẦN TIẾN

Chúng tôi liên lạc bằng điện thoại đến anh Duy Anh (người đang được cách ly tại lô F chung cư Carillon), mới hiểu thêm phần nào về nỗi lòng của người đang cách ly phía trong.
Anh Duy Anh cho biết những ngày trước khi anh đang đi làm thì bất ngờ nhận được thông báo nơi anh đang ở bị phong tỏa, sau đó anh đã chủ động về khai báo và cách ly lấy mẫu xét nghiệm chờ kết quả.
Theo dự định, vợ và con sẽ về quê trước, anh sẽ sắp xếp về sau. Tuy nhiên mọi kế hoạch đều phải thay đổi, anh cũng chủ động ở lại để an toàn cho gia đình và cộng đồng.
“Đây là cái tết đặc biệt khi phải đón tết tại chỗ. Vợ và con đã về quê từ trước nên giờ chỉ đón tết ở đây một mình. Cũng buồn cũng gò bó nhưng vì an toàn, còn ở đây chẳng thiếu thứ gì chỉ thiếu gia đình”, anh Duy Anh chia sẻ.

Tâm sự bác sĩ xa vợ mới cưới, lên bệnh viện dã chiến chống Covid-19 xuyên tết

“Có kinh nghiệm chống dịch nên cũng bớt lo”

Cũng theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại khu vực phong tỏa thuộc hẻm 90 Nguyễn Phúc Chu (P.15, Q.Tân Bình) vì liên quan đến bệnh nhân 2002, việc ra vào con hẻm luôn được  cảnh sát khu vực và dân phòng giám sát. Phía ngoài, UBND P.15 cũng tiếp tế mì gói, gạo và trái cây cung cấp cho các hộ dân bị cách ly.
Người dân sống gần khu vực cách ly cho biết lực lượng chức năng đã phong tỏa con hẻm được vài ngày, phía chính quyền sau khi phong tỏa con hẻm cũng đến nhắc nhở người dân xung quanh chú ý việc đeo khẩu trang cũng như truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Tuy có lo lắng nhưng hầu hết người dân đều cảm thấy an tâm vì khu vực có ca nhiễm đã được phong tỏa.

Khu vực phong tỏa tại hẻm 90 Nguyễn Phúc Chu (Q.Tân Bình, TP.HCM).

ẢNH: TRẦN TIẾN

“Tôi bán cơm gần đây (nơi phong tỏa - PV) cũng thấy lo, giờ cứ đeo khẩu trang với giữ khoảng cách thì an tâm buôn bán”, một chủ tiệm cơm chia sẻ.

TP.HCM tìm kiếm khẩn người đến siêu thị, bệnh viện,... liên quan bệnh nhân Covid-19

Cũng nằm kề cận con hẻm 90 Nguyễn Phúc Chu, vợ chồng anh Trí (kinh doanh buôn bán) cũng lạc quan hơn đối với thông tin có ca nhiễm Covid-19 gần nơi sinh sống. Anh Trí cho rằng mọi người cần giữ thái độ lạc quan, chủ động phòng dịch và nên hạn chế di chuyển là đã giúp chính quyền chống dịch.
“Không giống như lần đầu nghe tin có dịch Covid-19, lần này có kinh nghiệm rồi nên cũng bớt lo lắng và không ồ ạt tích trữ đồ ăn nữa. Giờ hạn chế di chuyển và ít tụ tập là tốt rồi.” anh Trí bình tĩnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.