Ăn Tết dưới biển sâu: Mò xác dưới đáy vịnh Hạ Long

21/02/2015 09:01 GMT+7

(TNO) Ở Quảng Ninh có một công việc rất khó tuyển nhân viên: mò xác chết dưới đáy biển. Đó cũng là công việc chính của 8 người đàn ông thuộc Trung tâm lặn cứu nạn và thể thao dưới nước (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh) bao nhiêu năm qua.

(TNO) Ở Quảng Ninh có một công việc rất khó tuyển nhân viên: mò xác chết dưới đáy biển. Đó cũng là công việc chính của 8 người đàn ông thuộc Trung tâm lặn cứu nạn và thể thao dưới nước (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh) bao nhiêu năm qua.

Lịch làm việc của 8 người đàn ông “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” không có ngày nghỉ. Dĩ nhiên, Tết này vẫn là những ngày trực.
an-Tet-duoi-day-bien-mo-xac-duoi-vinh-Ha-LongSẵn sàng trang phục của thợ lặn trước khi xuống biển cứu hộ - Ảnh: Cẩm Giang
Ăn cơm bên cạnh xác chết
Tâm trí của ông Phạm Công Hiếu, 39 tuổi, thuyền trưởng tàu cứu nạn còn nhớ như in ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1996, đội thợ lặn của ông Hiếu trực Tết nhận được điện thoại có một nhóm các chiến sĩ công an bị đắm tàu, chìm dưới biển.
Trời lạnh cắt da cắt thịt, ông Hiếu lái tàu, ông Đỗ Bá Sơn (bây giờ là giám đốc) và đội trưởng đội lặn Nguyễn Tiến Bình ngụp xuống nước trong khi ngoài trời đang 8 độ C.
Xuống nước 15 phút lại nhảy lên bờ, thở lấy sức. Hàng chục lần ngoi lên ngụp xuống, cuối cùng cũng tìm được những cái xác đã cứng nhắc. Toàn thân những người thợ lặn cũng tưởng như đã hóa băng.
Với đội trưởng Nguyễn Tiến Bình (44 tuổi), ông không nhớ nổi những mốc thời gian của những vụ tai nạn trên biển mà mình cứu hộ. Tuy nhiên, những chi tiết của từng vụ việc vẫn đau đáu trong ông.
“Đó là một con tàu chợ đắm trên vịnh Hạ Long. Tôi lặn trong mớ hỗn độn rau củ, gà qué, mắm muối và tưởng tượng đâu là hành lang, buồng lái, bếp. Cuối cùng cũng túm được một mái tóc. Tôi ôm thân thể đã mềm nhũn kia sát vào mình và ngoi lên”, ông Bình kể lại. Vớt được cái xác đã quá trưa, lại ở giữa khơi. Thi thể người đàn ông xấu số được đặt ngay trên tàu, phủ chiếu lên. Những người thợ lặn dọn mấy tô cơm với vài muỗng thức ăn, ăn tạm cầm hơi.
Tìm được xác, hoặc thợ lặn sẽ giữ chặt chân, hoặc tay để kéo lên, hoặc ôm ngang thân, tránh cho cái xác trôi xuống lần nữa. Nếu là một xác chết bị ngâm nước lâu ngày đã trương phềnh, chỉ cần chạm nhẹ là bở ra nên người thợ lặn phải khéo léo, giữ cho cơ thể nạn nhân được toàn vẹn nhất có thể.
Ở vùng biển lúc nào cũng nườm nượp tàu bè qua lại như Quảng Ninh, xác chết không may vướng phải bánh lái là có thể mất đầu, mất chân, tay.
an-Tet-duoi-day-bien-mo-xac-duoi-vinh-Ha-LongĐội thợ lặn mò xác nạn nhân trong vụ chìm tàu Trường Hải trên Vịnh Hạ Long năm 2011 - Ảnh: Trung tâm lặn cứu nạn cung cấpan-Tet-duoi-day-bien-mo-xac-duoi-vinh-Ha-LongĐội thợ lặn tìm xác người sau vụ lật thuyền hồ Yên Lập năm 2009 - Ảnh: Trung tâm lặn cứu nạn cung cấpan-Tet-duoi-day-bien-mo-xac-duoi-vinh-Ha-LongÔng Nguyễn Tiến Tuấn (trái) và Đỗ Bá Sơn trong một ngày làm việc trên vịnh Hạ Long năm 1984 - Ảnh: Trung tâm lặn cứu nạn cung cấp
Có những xác chết bị nước cuốn vào gầm buồng máy, đến khi thợ lặn tìm được, mặt nạn nhân đã bị dầu phủ đen xì, dầu trôi cả vào hốc mắt, mũi rất tội nghiệp.
Ông Đỗ Bá Sơn, 52 tuổi, là Giám đốc trung tâm nhưng thạo từ việc lái tàu, sửa tàu cho đến bơi, lặn, tìm kiếm xác người. Gốc Hưng Yên, ra Quảng Ninh từ những năm 70, gắn bó với nghề “mò xác” từ năm 20 tuổi, tất cả những vụ tai nạn chìm tàu to nhỏ nào trên biển Bãi Cháy, Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, ông đều tham gia.
Vụ tìm và vớt được nhiều xác nhất trong một lúc có thể kể đến vụ tai nạn chìm tàu du lịch Trường Hải trên vịnh Hạ Long gây chấn động dư luận đầu năm 2011.
Rét căm căm, trời mùa đông u ám, con tàu cao hàng chục mét che khuất hết ánh sáng càng khiến vùng nước sâu tối om như mực. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho ông Sơn biết phải tìm dọc theo hành lang, vị trí các cửa buồng. Một vật tròn tròn lấp ló phía cửa một căn buồng, tiến lại gần hóa ra đầu một thanh niên.
Lần thứ 2 ngụp xuống, ông Sơn không ngờ tìm được một lúc 2 thi thể. Đó là một đôi nam nữ, ông Sơn phải lấy hết sức mình mới có thể gỡ được vòng tay của cô gái. Đến khi mang cái xác lên được bờ, cô gái vẫn có tư thế đang ôm chặt một cơ thể ngay trước mặt.
Lần lượt 12 cái xác được tìm thấy sau 10 giờ ngụp lặn dưới nước. 10 người nước ngoài, 2 người Việt Nam, tất cả còn rất trẻ và lúc mang lên bờ, nhìn họ như đang ngủ say. Ông Sơn quay mặt đi, giấu giọt nước mắt nóng hổi khi lại bắt gặp vòng tay tuyệt vọng của cô gái trẻ, bằng tuổi con mình.
Những xác chết trở lại
an-Tet-duoi-day-bien-mo-xac-duoi-vinh-Ha-LongNhững thợ lặn tại trung tâm thường xuyên rèn luyện sức khỏe để có sức chiến đấu với nghề nguy hiểm - Ảnh: Cẩm Giangan-Tet-duoi-day-bien-mo-xac-duoi-vinh-Ha-LongNghề mò xác người dưới Vịnh Hạ Long luôn đối diện với hiểm nguy - Ảnh: Cẩm Giang
Làm được nghề nguy hiểm này là phải can đảm, không được yếu bóng vía, thế nhưng cả 8 người đàn ông trong đội lặn cứu nạn đều thú thật, không ít lần rơi nước mắt trước những cái chết quá thương tâm.
“Con tàu đánh cá bị một chiếc xà lan chở than va vào làm chìm. 2 bố mẹ lao khỏi con thuyền và sống sót. Thằng bé mới 3 tuổi đầu, chính vì sợi dây bố mẹ buộc cháu vào thuyền trong lúc làm việc, sợ cháu rơi xuống biển đã làm cháu chìm theo con thuyền”, ông Nguyễn Tiến Bình nói như sắp khóc.
Những giấc mơ mãi về sau này của ông Bình vẫn còn bắt gặp một đứa trẻ đẹp như một thiên thần, mái tóc hoe vàng, hai cánh tay dang rộng đang bập bềnh trong nước và đôi mắt vẫn mở to, xoe tròn khi ông cúi xuống, cắt sợi dây oan nghiệt, bế em lên.
Anh Trần Quang Vương, 32 tuổi, vẫn nhớ lần tìm được xác một nam học sinh chừng 13 tuổi dưới biển Bãi Cháy. Bố mẹ em gào khóc thảm thiết ngay từ khi thấy bóng thợ lặn trồi lên mặt biển. Vương không thể nán lại bờ biển lâu hơn.
Còn với Giám đốc trung tâm lặn cứu nạn Quảng Ninh Đỗ Bá Sơn, thi thoảng, một bàn chân trắng phếch, hình ảnh đầu tiên của cái xác ông kéo lên năm 1988 dưới biển Cẩm Phả lại ám ảnh ông trong những giấc mơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.