(TNO) Không phải lần tìm xác nào cũng dễ dàng và nhanh chóng với những người thợ lặn. Đặc biệt, với những nạn nhân nhảy cầu Bãi Cháy.
Vùng biển Cửa Lục nước rất sâu, chảy siết, kể cả có biết ngay lúc đó có người nhảy cầu, lặn ra ngay lập tức cũng không thể thấy nạn nhân. Sau vài ngày, có thể xác người nhảy cầu trôi xa đến tận Cửa Dứa, hang Đầu Gỗ, vướng vào lưới những tàu, thuyền đánh cá.
2 thợ lặn Đinh Trọng Tuệ và Trần Quang Vương trong một buổi tập cứu nạn tại biển Bãi Cháy - Ảnh: Cẩm Giang
|
Lời khấn thầm nơi đáy biển
Ngày bến phà Bãi Cháy vẫn còn hoạt động thường xuyên, vụ xe chở khách trên đường xuống phà nhưng mất lái, lao luôn ra biển khiến những người thợ lặn mất rất nhiều công sức nhưng không tìm được tài xế. Thầy cúng được mời đến bờ, người nhà cũng khấn vái nhưng vẫn chưa tìm thấy tung tích nạn nhân. Ông Bình, thợ lặn kỳ cựu được tin tưởng vừa lặn vừa lẩm nhẩm trong đầu lời gọi người thanh niên. Ròng rã bới từng mét nước, người thanh niên như "nghe" được lời ông Bình, hiện ra, cách vị trí chiếc ô tô chìm 3 km.
Trung tâm lặn cứu nạn có 8 người, thì có đến 7 người đều đã gắn với nghề "mò xác” trên 10 năm. 1 thanh niên trẻ ngoài 20 tuổi tên Vũ Hồng Phúc mới vào nghề nhưng bản lĩnh kiên gan không kém các đàn anh, đàn chú. Phúc bảo hiếm khi bị ám ảnh bởi những xác chết.
Những giấc mơ gặp người lạ thì nhiều lần anh có. Đa phần là những gương mặt Phúc không nhớ rõ. Chỉ thấy họ mỉm cười với anh, thân thiện và có người còn cảm ơn Phúc đã giúp họ trở về nguyên vẹn với gia đình.
Lương theo ngạch hành chính sự nghiệp, người gần về hưu như ông Nguyễn Tiến Tuấn hay như đội trưởng Nguyễn Tiến Bình mỗi tháng cũng chỉ nhận được khoảng 3 triệu đồng, không có thù lao, phụ cấp gì khác. Thế nhưng bằng lòng trắc ẩn và sự nhân hậu, 8 người đàn ông ấy vẫn đằng đẵng “ăn cơm dương gian, làm nơi âm phủ”, làm nên những cuộc hội ngộ đầy nước mắt.
Đội lặn cứu nạn trong một ngày tập huấn tại Vịnh Hạ Long năm 1984 - Ảnh Trung tâm lặn cứu nạn cung cấpHình ảnh của những thợ lặn bây giờ. Từ trái qua phải: Nguyễn Tiến Bình, Trần Quang Vương, Lê Văn Huân, Phạm Công Hiếu, Nguyễn Tiến Chức - Ảnh: Cẩm Giang
|
Gian truân gắn bó với nghề
Để được hành nghề thợ lặn chuyên nghiệp, những người thợ lặn phải trải qua khóa học căng thẳng tại Trường trung cấp nghề giao thông vận tải Thăng Long. Môi trường làm việc độc hại và luôn luôn đối diện với tử thần, thế nhưng phần đông những người thợ lặn có cuộc sống đời thường rất khó khăn.
Anh Vũ Hồng Phúc 30 tuổi, nhà ở phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, mới chuyển từ trung tâm cứu hộ ngành than về trung tâm lặn nên mức lương chỉ nhận về chưa đầy 2 triệu đồng. Vợ mới sinh con đầu lòng, chưa có thu nhập, hai vợ chồng phải nhờ gia đình 2 bên trợ giúp.
Anh Nguyễn Tiến Chức, 43 tuổi, máy trưởng điều khiển phương tiện đội lặn cứu nạn nhà ở tít ngoài đảo Vân Đồn. Bố bị tàn tật, mẹ già ốm đau, vợ chạy chợ nuôi hai con ăn học. Lương tháng chỉ hơn 2 triệu đồng của anh Chức không thấm vào đâu với 6 miệng ăn ở nhà và số tiền học phí cho các con ngày càng tăng lên.
Ông Nguyễn Tiến Tuấn, 57 tuổi, gắn bó với nghề mò xác người ở trung tâm lặn từ những ngày đầu trung tâm mới thành lập, tuy nhiên mức lương đến ngày chuẩn bị về hưu vẫn chưa đủ nếu mỗi ngày ăn ba bữa, mỗi bữa 30 ngàn, chưa dám tính đến cà phê, thuốc lá.
Ấy thế mà những người thợ lặn sống ngay thẳng. Một mình ôm xác nạn nhân dưới biển sâu, có người nước ngoài đeo đầy vàng trên người, không ai màng một đồng xu nhỏ.
Ông Tuấn bảo, nghề mò xác dưới đáy biển là một nghề đối diện với cái chết từng phút từng giây. Nếu người thợ lặn không hiểu biết và tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn của nghề thì có thể bị liệt nửa người hoặc hôn mê vĩnh viễn.
Ông Tuấn nói cụ thể hơn, người thợ lặn phải nhô lên mặt nước theo từng mức độ cao cho phép và ngừng lại để cân bằng áp suất khí thở, nếu không sẽ dư khí Ni tơ trong máu (còn gọi bị bọt máu) gây liệt nửa người, hôn mê...
Đó là chưa kể đến việc khi lặn xuống đáy biển sâu, những trục trặc của bình khí, chân vịt... có thể đến bất ngờ.
Hay khi ngụp lặn dưới một con tàu lớn đang bị chìm, cả thế giới đang hỗn độn quanh mình, tất cả những đồ đạc xung quanh có thể đập vào người thợ lặn khiến người thợ lặn phải thông minh, khôn khéo thoát ra và tìm được xác người chết đang nằm đâu đó.
Một trong số những phương tiện cứu hộ, cứu nạn của 8 người thợ lặn - Ảnh: Cẩm GiangNgày Tết, những người thợ lặn cứu nạn ở Quảng Ninh vẫn không được ngơi nghỉ, họ phải trực chiến, khi có tai nạn xảy ra là sẵn sàng nhảy xuống biển - Ảnh: Cẩm Giang
|
Tết này, trong khi nhà nhà đang sum họp bên nhau đón xuân, quân số tại trung tâm lặn cứu nạn vẫn phải đủ đầy, chỉ ưu tiên cho ai ở xa được về nhà 1, 2 ngày Tết. “Mong lắm một cái Tết bình yên”, đội trưởng Nguyễn Tiến Bình chia sẻ.
Những tấm ảnh đen trắng chụp đội thợ lặn làm việc ngoài Vịnh Hạ Long từ năm 1984 được ông Nguyễn Tiến Tuấn, người cao tuổi nhất trong đội lặn giữ gìn như báu vật bao nhiêu năm tháng qua.
Chỉ vào bộ quần áo lặn nặng trên 100 kg mà mình khoác 30 năm trước, ông Tuấn rưng rưng: "Ngày ấy khốn khó, nặng chưa đầy 50 kg mà khoác đồ nghề trên 100 kg, quần áo lặn không tốt như bây giờ, trời rét lặn xuống coi như là chui xuống nước đá, ấy thế mà vẫn say nghề lắm...”.
Làm việc để lấy phúc đức cho con cháu, không mong làm giàu, nghiệp thợ lặn đã ngấm vào máu những người đàn ông nơi đây. Ngày mai, vợ con họ có dằn dỗi, nỉ non bảo “nghỉ việc để tìm một nghề khác lương cao hơn, ít hiểm nguy hơn” thì chắc chắn rằng, 8 người đàn ông ấy dù trong lòng xót xa, nhưng cũng không ai đồng ý.
Bình luận (0)