Những ngày cuối năm Ất Mùi, PV Thanh Niên đã được ăn Tết Năm cùng thật độc đáo với gia đình một người Dao quần chẹt ở bản Phùng Sơn, xã Phùng Giáo, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Bên mâm cỗ Tết Năm cùng với người Dao quần chẹt - Ảnh: Ngọc Minh |
Trong các lễ tết của người Dao quần chẹt ở miền tây xứ Thanh thì Tết Năm cùng luôn được bà con hết sức coi trọng và đây là lễ tết bắt buộc, không thể làm qua loa, chiếu lệ.
Theo quan niệm của đồng bào, sau một năm làm ăn vất vả, khi mùa màng đã xong, người sống phải tổ chức Tết Năm cùng để cúng bái tổ tiên và Bàn vương, cầu bình an, sung túc cho con cháu trong nhà.
Đây cũng là thời điểm anh em, họ hàng quây quần, đoàn tụ cùng nhau. Tết được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày 28 tháng Chạp hằng năm, tùy vào sự lựa chọn của từng gia đình, dòng họ.
Những vật phẩm cúng tế trong Tết Năm cùng phải là những sản phẩm do đồng bào tự tay làm ra, như lợn béo, gà trống, gạo nếp. Mâm cỗ cúng tổ tiên, ngoài thịt lợn, thịt gà, không thể thiếu món bánh dì (hay còn gọi là bánh dầy). Đây là món ăn lâu đời, thể hiện sự đủ đầy của người Dao. Bánh được làm từ gạo nếp, đồ thành xôi, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn rồi nặn thành từng cái bánh nhỏ hình tròn. Người Dao thường nói: "Không có bánh dì, không thành cỗ tết” là vậy.
Ngày tổ chức tết, người đàn ông trong nhà sẽ cùng với thầy cúng lập 3 bàn thờ, gồm bàn thờ cúng tổ tông của gia đình với 5 ông tổ; bàn bàn thờ cúng Bàn vương (tổ tiên của người Dao) và bàn thờ cúng hội đồng ma, hay còn gọi là ma xó. Điều đặc biệt trong lễ cúng, các thầy cúng không sử dụng hương mà đốt lá quế hoặc vỏ quế khô.
Trong Tết Năm cùng của đồng bào Dao quần chẹt thì nghi lễ cúng tế rất được coi trọng và thường do 3 thầy cúng thông thạo tiếng Dao cổ cùng lúc hành lễ. Các thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ trình bẩm với tổ tiên, Bàn vương và hội đồng ma những công việc đã làm được và những công việc còn chưa làm được trong năm. Đồng thời cầu mong được ban ơn để gia đình, dòng họ được sung túc, đủ đầy. Đặc biệt, gia chủ là phải hứa với tổ tông năm tới chăm chỉ làm ăn, nuôi nhiều trâu bò, lợn gà, gieo cấy được nhiều thóc, ngô để tổ chức Tết Năm cùng lớn hơn, đủ đầy hơn năm cũ…
Lễ cúng hoàn tất, gia chủ sẽ bày cỗ để con cháu, anh em họ mạc cùng quây quần ăn tết. Theo phong tục của người Dao. Tất cả thức ăn ngày tết được bày trên lá chuối tươi để tưởng nhớ Bàn vương và cũng là cách nhắc nhở con cháu khắc ghi về cuộc sống lưu tán, du canh du cư của tổ tiên người Dao từ hàng trăm năm trước…
Bởi mang ý nghĩa của cái tết đoàn tụ, sum vầy, nên đối với đồng bào Dao quần chẹt, dù có rượu thịt đầy mâm, nhưng con cháu không về đông đủ, khách khứa họ hàng đến không đông thì tết cũng kém phần may mắn. Vì vậy, nếu trong ngày Tết Năm cùng, gia đình nào có khách xa đến chơi, ăn tết cùng thì đó là một niềm vui đặc biệt cho gia chủ...
Con lợn béo nhất được bắt thịt để ăn Tết Năm cùng - Ảnh: Ngọc Minh
Những phụ nữ trong gia đình quây quần bên bếp lửa chuẩn bị cỗ tết - Ảnh: Ngọc Minh
Món bánh dì đặc biệt được người Dao chú trọng trong ngày Tết - Ảnh: Ngọc Minh
Thì thịt lợn luộc là món chủ đạo của cỗ Tết Năm cùng - Ảnh: Ngọc Minh
Mâm cỗ cúng tổ tiên của gia chủ - Ảnh: Ngọc Minh
Thầy cúng đang cúng ma xó, bên dưới là mâm cúng Bàn vương - Ảnh: Ngọc Minh
Lễ cúng Tết Năm cùng của người Dao quần chẹt thường do 3 thầy cúng cùng lúc hành lễ - Ảnh: Ngọc Minh
Những phụ nữ Dao chuẩn bị áo quần đẹp nhất để ăn Tết Năm cùng - Ảnh: Ngọc Minh
Người Dao quần chẹt quan niệm gia đình nào có nhiều khách thăm nhà, ăn Tết Năm cùng là một điềm may mắn trong năm tới - Ảnh: Ngọc Minh
Bình luận (0)