Tết của các giáo sư người Việt ở bên kia bán cầu

06/02/2016 09:54 GMT+7

Vào thời khắc giao thừa ở Việt Nam, những giáo sư người Việt ở tây bán cầu vẫn phải làm việc, nhưng ai cũng cố gắng để có bữa cơm tất niên theo phong tục cổ truyền.

Vào thời khắc giao thừa ở Việt Nam, những giáo sư người Việt ở tây bán cầu vẫn phải làm việc, nhưng ai cũng cố gắng để có bữa cơm tất niên theo phong tục cổ truyền.

Tet-cua-cac-giao-su-nguoi-Viet-o-ben-kia-ban-cauGia đình GS Lê Bảo Long - Đại học Quebec, Canada đến sứ quán Việt Nam ở thủ đô Ottawa, Canada đón Tết - Ảnh: Lê Bảo Long
Thưởng thức Tết online
Hàng năm, nhân dịp Tết cổ truyền, sứ quán Việt Nam ở Canada vẫn tổ chức đón Tết tại thủ đô Ottawa. Hai nội dung không thể thiếu trong sự kiện này là thưởng thức hương vị ẩm thực Tết cổ truyền và chương trình biểu diễn văn nghệ dân tộc của các bạn du học sinh. “Năm nay, các anh chị ấy tổ chức đón Tết khá sớm, từ hôm 31.1 (tức 22 tháng Chạp). Vì thời tiết đẹp nên cả nhà tôi cũng từ Montreal lên Ottawa (quãng đường dài khoảng 200 km) chơi. Ngoài một số gia đình người Việt, năm nay sứ quán cũng mời nhiều gia đình Canada có con nuôi người Việt tới chung vui. Đây là một dịp để đồng hương gặp nhau, trò chuyện sau một năm làm việc”, giáo sư (GS) Lê Bảo Long, Trường ĐH Quebec, Canada chia sẻ.
GS Lê Bảo Long đã rời Việt Nam sang Canada từ năm 2003 và từ bấy đến nay, năm nào GS cũng đón Tết cổ truyền nơi xứ người. Ngày trẻ thì do bận học, bận làm việc, giờ thì vướng giờ giấc học hành của con cái nên lại càng khó về đúng dịp Tết.
“Nói chung ngày Tết của mình nhưng lại không phải là ngày nghỉ của bạn nên mình có tổ chức đón Tết cũng phải làm vào cuối tuần (trước hoặc sau ngày giao thừa). Thường thì bạn bè là các giáo sư người Việt, du học sinh... mời nhau tới nhà chơi, ăn uống. Montreal là một thành phố lớn của Canada nên có chợ Việt Nam và trong đó cũng bán đầy đủ món ăn của mình như bánh chưng, giò chả, gà “chạy bộ”... nên nếu bận quá vẫn có thể mua về một "cỗ tết" tạm được. Chỉ buồn là không có hoa đào, hoa mai, nên nhà nào “nhớ” mai, đào quá phải mua hoa giả về chơi”, GS Lê Bảo Long cho biết.
Em sang đây năm ngoái, đã từng đón một cái Tết trong nỗi nhớ nhà da diết ở Canada. Nhưng năm nay, cả chồng con em đều đã sang bên này nên Tết đến là em lại háo hức. Chúng em bên này cũng có đầy đủ như ở Việt Nam. Các du học sinh có nhiều hoạt động văn nghệ đón Tết, riêng tối thứ Bảy (28 tháng Chạp) tổ chức Gala. Còn bà con Việt kiều thì nhà nào cũng làm mâm cơm cúng giao thừa. Em nhận thấy sắc màu và hương vị Tết truyền thống của mình được giữ gìn rất tốt ở bên này.
Gia đình em ở homestay với một bác người Canada, vì thế em cũng làm một mâm cơm đón giao thừa (dù giao thừa bên này đến muộn hơn Việt Nam 12 tiếng), vừa là để gia đình có không khí Tết, vừa để giới thiệu nét đặc trưng Tết cho bác Canada.
Vũ Hồng Anh, du học sinh ngành PR và marketing ở Ottawa, Canada
Theo GS Long, tuy chưa bao giờ được đón Tết ở Việt Nam nhưng hai cô con gái của GS “biết” khá nhiều về Tết và rất háo hức đến Tết. Mấy hôm trước Tết, khi thấy bố mẹ mua bao lì xì đỏ ở phố Tàu là các con cứ luôn miệng hỏi về Tết.
“Nhà ngoại các cháu có mấy dì, cậu đều chưa lập gia đình nên rất hăng hái giới thiệu Tết Việt Nam cho các cháu. Ông bà và mấy cậu, dì online trên Skype cho mấy đứa nhỏ nhà tôi bên Canada xem không khí chuẩn bị Tết ở nhà ngoại thế nào. Ngày mùng một thì bố mẹ mở video live để các cháu nói chuyện và chúc tết ông bà nội ngoại, các dì cậu bên Việt Nam. Cũng may là nhà tôi có dạy các con nói tiếng Việt nên các cháu cũng nói chuyện được với các ông bà, dì, cậu”, GS Lê Bảo Long kể.
Ba mươi ba năm chưa được đón Tết ở Việt Nam
Trong quãng thời gian 20 năm xa quê, GS Nguyễn Xuân Long, ĐH Michigan, Mỹ cũng đã từng được về Việt Nam dịp Tết vài ba lần. Nhưng 15 năm gần đây GS chưa về quê đón Tết lần nào. Tuy nhiên, 5 năm qua, năm nào nhà GS cũng gói bánh chưng, làm giò... “Thường chúng tôi rủ vài gia đình bè bạn cùng đến nhà làm. Bà xã tôi làm chủ yếu, mình làm hoạt náo viên”, GS Nguyễn Xuân Long chia sẻ.
Cũng theo GS, năm nào nhà cũng làm riêng một bữa tất niên, thắp hương tổ tiên và mời một vài gia đình bè bạn đến ăn tất niên cùng. Đến giờ giao thừa Việt Nam thì gọi điện chúc tết gia đình. "Vì trẻ con chưa ăn Tết Việt Nam bao giờ nên không rõ các con cảm nhận về Tết thế nào. Nhưng mình cũng bắt các con thắp hương vái cho biết nghi lễ. Với người lớn thì dịp tết là lúc nhớ nhà nhất, nhớ người thân, đặc biệt cha mẹ mình, vì đó là lúc mọi người cũng nhớ đến con cháu ở xa nhất”, GS Nguyễn Xuân Long kể.
Cũng như hầu hết gia đình người Việt sống ở tây bán cầu, cộng đồng trí thức người Việt ở Michigan thường tổ chức tụ tập bạn bè, du học sinh vào một hôm cuối tuần trước hoặc sau Tết. Mỗi năm tổ chức tại một nhà. Mỗi gia đình (hoặc cá nhân) tham dự mang đến một vài món ăn Viêt Nam tự làm. “Hoa đào tuy chưa có vì trời lạnh, nhưng thường sẽ có ai đó chặt một cành cây khô rồi trang trí thành cành đào, cành mai. Trẻ con được tụ tập lại để lì xì. Ăn uống rôm rả cũng rất vui. Năm nay cũng sẽ vậy. Dĩ nhiên không thể thiếu món bánh chưng tự gói”, GS Nguyễn Xuân Long nói.
tet-xa-queGS Nguyễn Xuân Long và con gái với thành quả bánh chưng do bà xã của giáo sư tự gói - Ảnh: Nguyễn Xuân Long 
GS Lê Tự Quốc Thắng, Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ cho biết GS “xa” Tết quê hương còn lâu hơn: 33 năm. “Từ năm 1983 (thời điểm GS Thắng bắt đầu đi du học sau khi đoạt huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42 trong kỳ thi toán quốc tế năm 1982) đến nay, tôi chưa về đón Tết ở Việt Nam lần nào. Có lẽ đó là thời gian “xa” Tết kỷ lục trong số những người quen của tôi. Nhưng tôi đang hy vọng năm tới có thể thu xếp để về Việt Nam đón Tết”, GS Thắng cho biết.
Tuy nhiên, hàng năm gia đình GS Lê Tự Quốc Thắng vẫn cùng bạn bè người Việt ở Atlanta tổ chức gặp mặt, dĩ nhiên phải làm vào ngày cuối tuần nên nhiều lúc không đúng được ngày Tết. Mấy năm nay, hầu như năm nào nhà GS Thắng cũng là nơi hội tụ các bạn du học sinh người Việt đến đón Tết. Năm nay, Tết sẽ được làm vào thứ Bảy, 28 tháng Chạp.
“Nói chung gặp mặt vui vẻ là chính. Cũng có một ít mứt trái, bánh chưng, nhưng không thể có được không khí Tết như ở Việt Nam”, GS Thắng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.