"Ngán nghề này lắm rồi!"
Những ngày này, đi dọc đoạn đường Phạm Văn Hai (khu vực ngã ba Ông Tạ, Q.Tân Bình), chỉ còn hiếm hoi một vài sạp bán thịt chó còn hoạt động. Nếu không biết trước, thì ít ai ngờ được rằng đây là một trong những "phố thịt chó" nổi tiếng ở TP.HCM mấy chục năm về trước.
9 giờ sáng, sạp thịt chó của một người phụ nữ bán trước hẻm 256 đường Phạm Văn Hai (P.5, Q.Tân Bình) vắng khách. Trên sạp, 2 con chó đã được làm sạch vẫn còn đó chờ khách tới mua. Thời gian rảnh rỗi, bà chủ lựa lại bọc lá mơ to đùng, bỏ những lá bị dập, héo.
Người phụ nữ cho biết mình bán thịt chó mấy chục năm nay ở khu Ông Tạ này, từ thời trước giải phóng. Nhớ lại lúc đó, bà kể đông đúc người bán món này, những sạp thịt san sát nhau.
"Dần dần, người ta dường như không ăn thịt chó nữa nên bán không được. Mấy sạp bán người bỏ nghề, người dời chỗ, giờ khu này còn có tôi với một sạp khác", chỉ tay sang sạp thịt chó bên đường cách đó không xa, bà nói.
Nói về tình hình buôn bán hiện tại, bà chủ thở dài cho biết ế ẩm vô cùng. Nếu như hồi đó bà bán được 5 - 6 con chó/ngày, nay cùng lắm là 1 - 2 con. Bà cũng giảm giờ bán, chủ yếu bán từ 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa là dọn hàng.
Dù nhiều lần con cháu trong nhà khuyên bà bỏ nghề, nghỉ bán, nhưng vì lỡ mắc "nghiệp" này, lỡ gắn bó với nghề này mấy chục năm nay nên bà vẫn còn chần chừ. Khách hiện tại của sạp thịt chó này cũng là khách quen, khách mối suốt mấy chục năm chứ hiếm khi có khách mới.
"Ngán cái nghề này lắm rồi! Đi qua ai cũng dè bỉu, có người còn chửi nặng lắm. Giờ người ta quý chó, yêu chó, nên cái nghề của tôi cũng bị nói thậm tệ. Tôi cũng định bỏ nghề mà không biết khi nào", bà nói.
Thăm dò ý kiến
Bạn có ăn thịt chó hay không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Trong khi đó, quầy thịt chó phía bên kia đường có nhiều con hơn, cũng chất chồng lên nhau chờ khách. Quầy này khá khẩm hơn, có khách ghé hỏi mua. Người dân xung quanh cho biết quầy thịt này bán cả ngày, là địa điểm mua thịt chó của nhiều người thích món khoái khẩu này.
Có cung, mới có cầu
Những quán nhậu bán thịt chó gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) cũng nổi tiếng một thời, đặc biệt dọc các đường Phạm Văn Bạch, Bạch Đằng, Tân Sơn… Tuy nhiên thời điểm hiện tại, số lượng quán chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ông Hải (55 tuổi), chủ một quán cầy tơ có thâm niên hơn 20 năm trên đường Phạm Văn Bạch cho biết thời ông mới bán, dọc đường này là hàng chục quán san sát nhau, sôi động vô cùng. Dần, nhu cầu ăn thịt chó của người dân giảm, các quán cũng vắng bóng dần.
Ông Hải cho biết hiện trên đường Phạm Văn Bạch còn 2 quán thịt chó, trong đó có 1 quán là của mình. Khu vực đường Tân Sơn cũng chỉ còn 1 quán. Từ Bắc vào TP.HCM mưu sinh năm 1995, cái nghề này đã nuôi sống cả gia đình ông, nên ông không bỏ được dù việc buôn bán thịt chó đã thoái trào.
"Vì còn lại ít quán nên việc buôn bán của tôi cũng thuận lợi hơn, không có nhiều người cạnh tranh. Quán bán giá bình dân, 100.000 đồng là ăn no luôn nên nhiều người ghé tiệm tôi. Quán tôi đã dời mặt bằng 7 lần, cũng quanh quanh đây nhưng khách quen vẫn tìm tới", ông cho biết.
Buổi sáng, ông Hải sẽ lấy chó ở lò về, cùng con trai, con dâu và vợ sơ chế, để kịp 3 giờ chiều bắt đầu mở bán. Quán ăn chủ yếu bán các món hấp, nướng, xào, lẩu… Ông chủ cũng cho biết khách ở đây chủ yếu là dân nhậu, người thích ăn thịt chó.
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ sao về việc ăn thịt chó?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
"Đã qua rồi cái thời tự giết mổ, giờ người ta nhập chó ở lò có kiểm định. Tôi nghĩ việc ăn thịt chó cũng không có đúng sai, nó nằm ở sở thích, quan điểm của mỗi người. Có cung ắt có cầu mà", ông cho biết.
17 giờ chiều, quán thịt chó ở đường Cống Quỳnh (Q.1) khá vắng khách. Chủ quán đứng trước cửa, thấy khách quen đi qua không quên gửi lời chào đến họ. Ông cho biết, quán đông khách vào buổi trưa và chiều tối. Khách thường đi theo nhóm, rất ít khi đi riêng lẻ. Ông mở quán thịt chó này được khoảng 20 năm nay.
"Khoảng những năm 2000 – 2005 được coi là thời kỳ hoàng kim của những người kinh doanh thịt chó nhưng dần dần việc buôn bán càng khó. Năm nay, tôi bán còn ế hơn những năm trước. Sau dịch Covid-19, nhiều mặt hàng đều ế, không riêng gì thịt chó. Giờ mạng xã hội bùng nổ, nhiều người nuôi thú cưng nên việc người ăn thịt chó giảm xuống, thế hệ trẻ hầu như không ăn", ông cho biết.
Người đàn ông này đã tính đến việc chuyển hướng kinh doanh. Tuy nhiên, vì đây là công việc gắn bó nhiều năm nay nên ông vẫn cố gắng bám trụ, chưa chuyển đổi hẳn.
"Giờ có những người truyền thống coi thịt chó là món ăn ngon họ vẫn ăn, đặc biệt là những người có gốc Bắc. Những năm gần đây việc ít người ăn thịt chó khiến kinh doanh khó khăn, thu nhập ngày càng giảm dần", ông nói thêm.
Ở khu vực cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) trước đây cũng từng là điểm đến của những người thích ăn thịt chó vì có nhiều quán nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện tại không còn một quán thịt chó nào ở khu vực này thay vào đó là các quán cà phê, spa,…
Ông Khiêm (57 tuổi, ở khu vực cầu Thị Nghè) cho biết, trước đây có khoảng 7 – 8 quán thịt chó bán từ những năm 1980. Tuy nhiên, khoảng gần chục năm nay các quán này đã đóng cửa vĩnh viễn.
"Hồi xưa khách đến đông lắm, nổi tiếng về món thịt chó nhưng dần dần mọi người không ăn nữa, nhưng giờ không còn một quán nào nữa. Đến năm 2010 vẫn còn nhưng từ năm 2012 là bắt đầu giảm dần đến năm 2014 là các chủ quán dừng bán", ông nói.
Bình luận (0)