Những con chó gầy còm bị nhốt chật kín lồng chờ ngày giết thịt hay chú cún cưng nhỏ xíu nặng chưa đến 5 kg, tại sao anh Khôi và Cẩm Nhung sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để chuộc về?
"Cứu 1 mạng chó như cứu 1 mạng người"
Đó là lời anh Đỗ Khôi (47 tuổi, ở TP Nha Trang) chia sẻ với phóng viên Thanh niên chiều 10.7.
Cuối tháng 7 năm ngoái, gia đình anh Khôi bị mất 3 con chó. Sau nhiều ngày rảo quanh khắp các con phố gần nhà để tìm nhưng vô vọng, anh được cộng đồng mạng chỉ đến một lò mổ chó ở huyện Diên Khánh.
Đến nơi, dù không tìm được chó nhà mình nhưng thấy ánh mắt đáng thương của 31 chú chó đang bị nhốt trong lồng chờ giết thịt, anh thấy thương và quyết định chuộc về.
"Đến giờ, tôi cũng không thể lý giải được việc làm đó của mình. Tôi nghĩ, chỉ khi bạn thực sự dành thời gian nuôi, chăm sóc một chú chó thì sẽ hiểu hành động của tôi là không vô nghĩa", anh Khôi nói.
Người đàn ông thừa nhận thời trẻ không nuôi thú cưng. Nhưng như một cái duyên, những năm gần đây anh nhận nuôi những chú chó hoang. Thời điểm giải cứu 31 chú chó từ lò mổ, anh cũng đang nuôi 20 con.
Những chú chó sau khi được anh chuộc về được anh đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm chủ, một số đã đoàn tụ với gia đình. Số còn lại, anh tìm chủ mới nhận nuôi và gửi cho một nhóm cứu hộ chó mèo ở địa phương.
Anh chia sẻ, khi nuôi một con vật, bản thân anh xem chúng như những thành viên trong gia đình. Vì thế, khi chúng đột ngột biến mất, anh có cảm giác thương và đau xót tựa như việc mất đi người thân yêu.
"Trong số 3 chú chó bị mất, tôi chỉ tìm lại được 1. Hy vọng 2 bé còn lại sẽ gặp được ai đó nhận nuôi chứ không phải bị giết thịt", anh Khôi tâm sự.
Không riêng anh Khôi chịu bỏ số tiền lớn chuộc chó. Ở TP.HCM, 2 năm trước cũng có cô gái Cẩm Nhung (30 tuổi) đăng lên mạng xã hội sẽ trả 50 triệu đồng để chuộc chó cưng bị mất.
Nhung cho biết, thời điểm đó, cô bắt đầu nuôi một chú chó cỏ tên Rin đã được 2 năm và xem chú chó như một đứa con của mình. Mỗi ngày đi làm về, Rin đều mừng rỡ chạy ra đón và dành cho cô nhiều tình cảm đặc biệt. Tuy nhiên, vì không cẩn thận nên đã để chú chó bị trộm bắt mất. Với hy vọng bỏ ra một số tiền lớn như thế, chú chó nhỏ sẽ sớm được về với gia đình. Nhưng sau 2 tháng không có tin tức, cô gái đành buông xuôi.
Người thân, bạn bè bảo với Nhung, chú chó Rin không đáng để bỏ ra 50 triệu chuộc về. Nhưng cô gái lại nghĩ: "Vì xem Rin là thành viên trong gia đình, nên mình phải cố gắng hết sức tìm kiếm. Cũng tương tự như việc khi gia đình bạn có người thân mắc bệnh hiểm nghèo thì bạn sẵn sàng cùng họ chiến đấu đến giây phút cuối cùng", Nhung phân trần.
Không ăn thịt chó, mèo là xu thế chung
Ngày 4.7, anh Đỗ Khôi nghe tin thành phố Hà Nội có thể là địa phương thí điểm áp dụng lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó mèo. Người đàn ông ủng hộ và cảm thấy vui mừng nếu lệnh này sớm có hiệu lực.
Thông tin này được ông Rahul Sehgal, Giám đốc Tuyên truyền Vận động chương trình quốc tế của Tổ chức Soi Dog Foundation International (Tổ chức được thành lập ở Thái Lan năm 2013, đang chống lại nạn buôn bán thịt chó ở châu Á) đưa ra trong tọa đàm "Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo).
Theo trang thông tin của Soi Dog: "Trước đó, vào tháng 9 năm 2018, thành phố Hà Nội tuyên bố sẽ cấm bán thịt chó ở trung tâm thành phố vào năm 2021. Điều này vẫn chưa xảy ra. Với thời hạn mục tiêu hiện đã qua, chúng tôi chuyển sự chú ý của mình sang việc trực tiếp kiến nghị chính phủ Việt Nam đưa lệnh cấm vào hiệu lực".
Trong khi nhiều người đưa ra lý lẽ, rằng chó mèo cũng chỉ là những loài động vật và ăn hay không là quyền tự do của mỗi người. Họ không phân biệt thịt chó, mèo và thịt của những loại động vật khác. Anh Khôi cho rằng đó cũng là một suy nghĩ riêng, chúng ta cần tôn trọng và không nên phê phán.
Điều anh muốn nhấn mạnh đó là: "Không riêng chó, mèo, nếu một ai đó thật sự dành thời gian, tình yêu cho bất cứ con vật nào kể cả heo, gà, chim… đều cảm thấy đau xót khi chúng bị bắt mất hay bị giết thịt". Khi quan tâm đến chó mèo, mọi người chắc hẳn cũng có sự yêu thương dành cho nhiều loại động vật khác.
Tổ chức Soi Dog nhấn mạnh: "Buôn bán thịt chó mèo là một trong những vấn đề phúc lợi động vật nghiêm trọng nhất ở Châu Á. Đặc biệt, thịt chó phổ biến rộng rãi ở một số nước trong đó có Việt Nam, nơi có số lượng lớn chó bị bắt trộm từ chủ".
Đó là điều Nhung lo sợ vì chú chó của mình có thể đã bị bán vào lò mổ và trở thành món ăn của một số người. Vì thế, khi biết tin Hà Nội có thể sẽ là địa phương thí điểm "nói không với thịt chó, mèo", Nhung rất vui vì xã hội dần quan tâm và cho rằng việc buôn bán, giết thịt chó, mèo là điều không nên làm và đi ngược với xu thế chung của thế giới.
Đã 2 năm trôi qua, cô gái chấp nhận việc sẽ mất chú chó Rin mãi mãi. Song, Nhung vẫn hy vọng Rin được một gia đình nào đó chăm sóc. Nỗi buồn nguôi ngoai, Nhung cũng đang nuôi 1 chú chó khác, có điều giờ đây Nhung cẩn thận hơn, cố gắng để không xảy ra sai lầm như trước khiến Rin bị lạc mất.
Bình luận (0)