"Tặc lưỡi" cố gắng ở để tiết kiệm
Sau vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở số 37, ngõ 29/70 Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vào tối 12.9 khiến 56 người tử vong, 42 người bị thương, anh Nguyễn Xuân Quang (33 tuổi, quê H.Chương Mỹ, Hà Nội) mới giật mình kiểm tra đường vào, lối ra, cửa thoát hiểm, ngõ, ngách xung quanh tòa chung cư mini 6 tầng ở ngõ Mễ Trì Thượng (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi hai vợ chồng đã chuyển đến được hơn 7 tháng.
Theo anh Quang, chung cư mini này được xây dựng dạng ống với 3 mặt bịt kín, chỉ có một lối ra vào là cửa chính. Vì mỗi căn hộ không có ban công riêng nên quần áo của cư dân sẽ được phơi trên sân thượng, nơi được bao quanh bởi khung sắt dạng chuồng cọp, có mái tôn kín mít để đề phòng trộm cắp.
Thiết bị PCCC khan hàng sau vụ cháy chung cư mini: 'Giống như mua bảo hiểm y tế cho gia đình'
Anh Quang kể, hai vợ chồng đều làm công việc văn phòng ở khu trung tâm Hà Nội. Gần đây, vợ anh mang bầu nên quyết định thuê trọ để tiện đi làm, nghỉ ngơi. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng và không có tiền tích lũy, việc mua một căn hộ chung cư với giá vài tỉ đồng ở quận nội thành là điều xa xỉ. Khi đi tìm phòng trọ, hai vợ chồng anh Quang không quan tâm đến an toàn PCCC hay lối thoát nạn thứ 2. "Ở nơi ô tô không thể vào và nằm càng sâu trong ngõ thì giá thuê phòng, căn hộ càng rẻ. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó nên chúng tôi quyết định thuê căn phòng có diện tích gần 20 m2, vệ sinh khép kín với giá 3,5 triệu đồng/tháng", anh Quang nói.
Sau vụ cháy, anh Quang mới giật mình nhận ra hai vợ chồng đang ở trong tòa chung cư mini giống hệt tòa chung cư mini bị cháy ở Q.Thanh Xuân. Trường hợp có sự cố ở tầng 1 thì cư dân chỉ có lối thoát duy nhất là chạy lên sân thượng và chờ đợi sự cứu giúp hoặc đu dây xuống. Biết là nguy hiểm vậy, nhưng vì tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng anh đành "tặc lưỡi" cố gắng ở.
"Tôi mong muốn nhà nước sớm đầu tư những khu nhà ở xã hội rồi cho thuê hoặc thuê mua với giá hỗ trợ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ, mức giá này phù hợp với đa số cặp vợ chồng trẻ có điều kiện kinh tế hạn hẹp như tôi", anh Quang nói.
Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ cháy chung cư mini Hà Nội
Có cả thị trường xây dựng, cho thuê chung cư mini
Chia sẻ với Thanh Niên, một người phụ nữ công tác trong ban công tác mặt trận tổ dân phố trên địa bàn P.Nhân Chính (Q.Thanh Xuân) cho biết nhiều con ngõ trên địa bàn phường là "thủ phủ" của chung cư mini. Riêng tại ngách cụt số 12/61, phố Chính Kinh có đến 3 chung cư mini với tổng số 42 căn hộ, khoảng hơn 100 người đang sinh sống.
Với những căn hộ chung cư được xây dựng cách đây vài năm, chủ đầu tư đã bán trao tay từ 600 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/căn. Đa số trường hợp mua đứt căn hộ ở chung cư mini là người có thu nhập thấp hoặc những đôi vợ chồng trẻ. Riêng sinh viên thì chỉ thuê phòng rồi ở ghép với nhau. "Đến kiểm tra PCCC, sợ nhất là cầu thang bộ hay thang máy vì vừa nhỏ, vừa hẹp. Trong khi đó, cửa sổ hầu hết đã bịt kín bằng lồng sắt. Nếu xảy ra cháy thì không biết thoát ra bằng cách nào", người phụ nữ này cho biết thêm.
Theo ghi nhận của Thanh Niên tại các quận thuộc Hà Nội như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai…, không khó tìm thấy những chung cư mini nằm trong các ngõ, ngách sâu, chỉ xe máy vào được, quy mô từ 5 - 10 tầng, xen kẽ với khu dân cư. Bên trong thường có kết cấu tầng 1 là nơi để xe, phòng bảo vệ. Từ tầng 2 trở lên là các căn hộ nhỏ, chỉ chưa đầy 30 m2 nhưng cũng đầy đủ chức năng: khu bếp, vệ sinh, giường ngủ, phòng khách…
Đáng chú ý, các căn phòng đều không có ban công, lô gia mà chỉ có cửa sổ gắn chấn song thép. Rất ít chung cư mini có lối thoát hiểm thứ 2, phổ biến chỉ có thang máy, thang bộ để di chuyển từ tầng 1 lên tầng thượng. Giá thuê phổ biến từ 3 - 6 triệu đồng/căn, đối tượng cư trú thường là học sinh, sinh viên, người lao động, vợ chồng trẻ… Khi được hỏi về an toàn PCCC, lối thoát hiểm, đa số đều lắc đầu tỏ ý không quan tâm.
Một môi giới căn hộ chung cư mini lâu năm ở Q.Thanh Xuân là chị Nguyễn Thu Lan (30 tuổi) cho biết ở Hà Nội cũng như nhiều TP lớn khác đã hình thành cả thị trường xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê chung cư mini từ nhiều năm qua. Nhiều chủ đầu tư lựa chọn những ô đất trong ngõ để xây dựng nhằm giảm tối đa chi phí đầu tư. Do quy định hiện hành chưa yêu cầu nhà ở riêng lẻ phải có lối thoát hiểm thứ 2 nên đa số nhà chung cư mini biến tướng sẽ xây kín diện tích.
"Sau vụ cháy cũng chưa có quy định gì về lối thoát hiểm thứ 2 đối với dạng nhà ở tập trung này nên đa số chủ đầu tư sẽ chưa đầu tư thêm hệ thống thang thoát hiểm. Một phần vì diện tích đất đã bị xây dựng hết, một phần do kinh phí sẽ đội thêm, lại không đảm bảo an ninh trật tự cho người thuê căn hộ", chị Lan nói.
Chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho chung cư mini
Đại diện Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết chung cư mini chưa có tên trong các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà chung cư. Tuy nhiên, những công trình này được thiết kế, xây dựng, sử dụng với đầy đủ đặc điểm của nhà chung cư: có cầu thang bộ, thang máy, hành lang chung, phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng… Do vậy, chung cư mini hay loại hình nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ cần phải được thiết kế an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) theo quy định của nhà chung cư.
Đơn cử như tòa chung cư mini bị cháy ở Q.Thanh Xuân, theo Nghị định 79, Nghị định 36 hướng dẫn luật PCCC thì thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC. Bên cạnh đó, thang bộ của tòa nhà này phải được đặt trong buồng thang kín, đảm bảo khói, lửa không xâm nhập để an toàn cho cư dân thoát hiểm khi có sự cố. Để nâng cao an toàn cháy nổ với nhà chung cư mini, trường hợp không thể lắp đặt thang bộ thoát hiểm thứ 2 bên ngoài thì phải lắp đặt, xây dựng tường ngăn cháy cho thang bộ phía bên trong tòa nhà.
Xem nhanh 20h: Ẩn họa chung cư mini trong ngõ hẹp
Nhưng qua kiểm tra, chung cư mini bị cháy ở Q.Thanh Xuân có nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn PCCC. Giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư chung cư mini vừa bị cháy là giấy phép xây nhà riêng lẻ 6 tầng, 1 tum, mật độ xây dựng 70% nhưng chủ đầu tư đã xây 9 tầng, 1 tum với mật độ xây dựng 100%. Việc để giếng trời tại tòa chung cư mini vừa bị cháy cũng rất nguy hiểm, khi bị cháy khói xộc lên nhanh.
Đại diện Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cũng cho biết sơ bộ báo cáo từ TP.Hà Nội, trên địa bàn có hơn 300 chung cư mini đang sử dụng, nhưng đây chưa phải thống kê đầy đủ. Đối với người dân đang ở chung cư mini, cần chủ động trang bị thang dây, mặt nạ chống khói độc, bộ công cụ chuyên dụng thoát hiểm đề phòng xảy ra sự cố.
Đà Nẵng mở rộng kiểm tra các cơ sở lưu trú
Đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết sau khi T.Ư và địa phương chỉ đạo rà soát các vấn đề về tình hình an toàn PCCC, Công an TP.Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP.Đà Nẵng có kế hoạch tổng thể về việc kiểm tra các loại hình tương tự chung cư mini.
"Kế hoạch kiểm tra cấp TP sẽ rà soát không chỉ chung cư của nhà nước mà cả các chủ đầu tư tư nhân, nhà dân cải tạo thành cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, Công an TP.Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương nhân rộng các mô hình tuyên truyền, phản ứng nhanh với PCCC như các tổ liên gia, trang bị bình chữa cháy cơ sở", đại tá Phan Văn Dũng nói.
Nguyễn Tú
Cần ưu tiên ngân sách quy hoạch PCCC từ cấp phường
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay bộ này từng nhiều lần cảnh báo, yêu cầu tăng cường kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ biến tướng thành chung cư mini. Gần nhất là tháng 6.2020, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nêu thực trạng ở một số địa phương, tại các khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật như: xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.
Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: vi phạm các quy định về PCCC; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện. Việc gia tăng mật độ dân số tại các khu vực này sẽ gây ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ...
Ông Bùi Trung Dung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng để nâng cao hệ số an toàn cho nhà ở tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, cần ưu tiên nguồn ngân sách để xây dựng, triển khai quy hoạch PCCC từ cấp phường, tổ dân phố.
Các vấn đề cần nghiên cứu làm ngay như bố trí các họng nước cứu hỏa tại các ngõ, ngách mà xe cứu hỏa không vào được. Triển khai thí điểm rồi tổng kết đánh giá việc mở rộng những ngõ, ngách hẹp dưới 3,5 m lên thành trên 4 m để xe cứu hỏa, phương tiện cứu hộ, cứu nạn có thể tiếp cận được hiện trường. Nếu kết quả tốt, cần có đề án mở rộng triển khai ra cả TP, thậm chí quy mô lớn hơn.
Tổng Bí thư yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm trong vụ cháy chung cư mini Hà Nội
Ngày 14.9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư thăm hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Hà Nội về vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini ở Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tối 12.9.
Trong thư, Tổng Bí thư cho biết rất đau buồn được tin tối 12.9 đã xảy ra hỏa hoạn tại nhà ở nhiều căn hộ, địa chỉ số 37, ngõ 29/70, phố Khương Hạ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. "Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ những mất mát, đau thương, gửi lời chia buồn đến các gia đình người bị nạn", Tổng Bí thư viết trong thư.
Tổng Bí thư cũng bày tỏ hoan nghênh và biểu dương các lực lượng chức năng, cùng đông đảo nhân dân và chính quyền địa phương Q.Thanh Xuân đã khẩn trương cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tổng Bí thư đề nghị các ngành, các cấp khẩn trương khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, có chính sách kịp thời để giúp các gia đình người bị nạn, sớm ổn định tình hình bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Tổng Bí thư cũng đề nghị TP.Hà Nội cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm thật sâu sắc về sự cố này; yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác PCCC trong cả nước, hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời không để xảy ra cháy, nổ.
Lê Hiệp
Không nên làm kiểu "rò đâu bịt đấy"
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, nêu ý kiến: Năm 2019, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về công tác PCCC và ban hành Nghị quyết 99 năm 2019 yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Thực hiện Nghị quyết 99, Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua đã tích cực triển khai thực hiện, chấn chỉnh nhiều vấn đề trong công tác PCCC; đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn mới, đồng thời có những giải pháp tích cực làm giảm thiểu thấp nhất các vụ việc cháy, nổ thời gian vừa qua.
Mặc dù cơ quan chức năng rất tích cực với các biện pháp mạnh nhưng các vụ cháy nổ thời gian qua vẫn tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt là có những vụ cháy rất đau lòng như vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội đêm 12.9.
Ông Hạ cho rằng cần phải rà soát, đánh giá lại các khâu từ cấp phép, xây dựng cho tới công tác thanh, kiểm tra công tác PCCC tại chung cư này. Các cơ quan chức năng phải ngồi lại đánh giá xem chỗ nào chưa được, chưa đúng. Đồng thời, rà soát lại các chính sách về chung cư mini hiện nay xem có "lỗ hổng" nào hay không. Nếu cấp phép sai phải chịu trách nhiệm. Rồi cả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra… Trách nhiệm của từng người phải làm cho rõ, cho nghiêm chứ nếu cứ nói chung chung thì không giải quyết được.
"Mỗi khi có vụ cháy ở karaoke gây thiệt hại lớn thì chúng ta tập trung tăng cường kiểm tra, rà soát, siết chặt quản lý karaoke chứ không có giải pháp tổng thể đồng bộ, mang tính lâu dài để phòng ngừa, giảm thiệt hại do cháy, nổ. Tức là chúng ta làm theo kiểu "rò đâu thì bịt đấy", chạy theo sự vụ chứ không chủ động, không có giải pháp tổng thể, đồng bộ. Để làm tốt hơn nữa công tác này, bên cạnh các quy định chặt chẽ, cần sự đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội trong giám sát, trong kiểm tra PCCC để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa. Bên cạnh đó, rất cần nâng cao kỹ năng, nhận thức cho người dân về PCCC, nhất là ở những nơi như chung cư", ông Hạ nói.
Tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13.9, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), bày tỏ: "Tôi đề nghị đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân, hiệu quả của các biện pháp trong phòng, chống cháy, nổ thời gian vừa qua. Các cơ quan chức năng đã ra rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng, chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với những giải pháp, những chủ trương mà chúng ta đưa ra. Thậm chí, có thời điểm các vụ cháy còn xảy ra liên tiếp, tạo ra một dư luận là chúng ta càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì cháy càng nhiều và càng lớn. Cần tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao số lượng cơ sở vi phạm còn nhiều như vậy, cũng như các vụ việc cháy, nổ xảy ra liên tiếp".
Lê Hiệp
TP.HCM: Tổng rà soát nhà trọ, điều tra chung cư chây ì khắc phục PCCC
Ngay sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, UBND TP.HCM có công văn khẩn yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường công tác an toàn PCCC và CNCH. UBND TP.HCM giao công an phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương tổng kiểm tra các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini... trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, các địa phương hướng dẫn, kiến nghị thực hiện ngay các biện pháp khắc phục. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC thì kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Việc tổng kiểm tra phải hoàn thành trước ngày 30.10.
Chiều 14.9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho hay hiện TP.HCM có 42.256 cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước PCCC, CNCH. Qua rà soát thì đa số nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê đều được trang bị, lắp đặt hệ thống PCCC theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn hộ cho thuê nói chung, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy và cháy lan.
"Nguy hiểm nhất là hiện nay là các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống PCCC và giải pháp an toàn khi có cháy xảy ra, dễ xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người khi cháy hầm giữ xe", thượng tá Hà nhấn mạnh.
Đối với việc xử lý chung cư chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP.HCM sẽ liên hệ, phối hợp chính quyền địa phương đưa ra những biện pháp cưỡng chế đối với những chung cư nêu trên, đối với những chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật về PCCC kéo dài. Công an các đơn vị, địa phương củng cố hồ sơ, khi có dấu hiệu của tội phạm sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phan Thu Hoài - Sỹ Đông
Bình luận (0)