Angie Chau, người kể chuyện thầm lặng

15/02/2020 06:39 GMT+7

Angie Chau thuộc thế hệ nhà văn Việt Nam thứ hai tại Mỹ. Tuyển tập truyện ngắn Quiet As They Come của chị (được xuất bản bởi IG Publishing vào năm 2010) vừa được dịch sang tiếng Việt và mới ra mắt với tựa đề Những người thầm lặng (NXB Tổng hợp).

Những người thầm lặng gồm 11 truyện, với bối cảnh ở San Francisco từ những năm 1980 đến nay. Những quan sát trong tập truyện này của Chau là về cuộc sống của người Việt Nam di cư, cách thức họ tranh đấu, vật lộn để hòa nhập với cuộc sống mới, nơi miền đất mới. Độc giả có thể thấy rõ hai thế hệ trong tập truyện ngắn, thế hệ người lớn mang trong mình những ký ức về Việt Nam, và sự khó khăn khi hòa nhập; thế hệ trẻ thì rất háo hức, dễ dàng thích nghi với văn hóa Mỹ. Chúng ta cũng nhìn ra được những khoảng cách thế hệ, những xung đột giữa hai thế hệ đó...
Ví dụ như về ngày lễ Quốc khánh Mỹ (4.7) của một đám trẻ con nghèo Việt Nam không hề ý thức về ngày này với những trò nghịch ngợm và ý thức chưa rõ ràng về sự phân biệt chủng tộc (Cơn đói); là cuộc sống khó khăn, vất vả của những người Việt nhập cư vừa hòa nhập vừa da diết nhớ cuộc sống nơi quê nhà (Mèo xinh, Đường vào tim em); là việc khư khư lưu giữ những thói quen lúc còn ở Việt Nam khi sang đến Mỹ như cạo gió, xông hơi, nhưng không ngờ nó lại gây nhiều phiền toái (Thảo mộc); những sang chấn tinh thần của người ra đi (Những người thầm lặng); lối sống và sự thích ứng văn hóa Mỹ của thế hệ trẻ (Hiểm họa); xung đột thế hệ giữa mẹ và con (Cuộc chơi)...
Tất cả các câu chuyện được Chau kể bằng một giọng trầm tĩnh, có vẻ thản nhiên, như chuyện của một ai khác, mặc dù ở một vài câu chuyện, mạch truyện tiếp nối nhau như thể là về một gia đình lớn. Đặc điểm này tạo cho tập truyện một cái nhìn khách quan, đồng thời người đọc, đặc biệt là những người nhập cư, nhìn thấy bóng dáng của mình trong đó. Mỗi câu chuyện là một lát cắt ngang đời sống, hoặc một cảm xúc thoáng qua, hay thậm chí một chi tiết nhỏ thôi cũng gợi cho người đọc chủ đề chung mà Chau muốn gửi gắm: đọc để hiểu đời sống của người Việt ở nước ngoài.
Sinh năm 1974, năm 4 tuổi Angie Chau rời Việt Nam. Chị từng sống ở Malaysia, Ý, Tây Ban Nha, Kauai và phía nam, phía bắc của California. Các tác phẩm của chị đã xuất hiện trên các tờ Indiana Review, Santa Clara Review, tạp chí Night Train, Slant, tuyển tập Cheers to Muses. Năm 2009, chị đoạt giải UC Davis Maurice về tiểu thuyết.
Angie Chau nằm trong số ít những nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Anh, nghĩa là tuy gia nhập vào văn học dòng chính của Mỹ (mainstream literature), nhưng số lượng này lại rất ít so với số lượng nhà văn viết bằng tiếng Việt ngay tại Mỹ. Cùng với những nhà văn “đồng hội đồng thuyền” khác như Viet Thanh Nguyen, Monique Truong, Andrew Lam, Dao Strom, Bich Minh Nguyen, Lai Thanh Ha... họ đang dần dần tạo dựng một thế hệ nhà văn Việt Nam thứ hai cạnh tranh với các nhà văn Mỹ và các cộng đồng khác trong cuộc chơi văn chương viết bằng tiếng sở tại. Những nhà văn trẻ này lớn lên vào thập niên 1980, thời điểm mà sự “hợp lưu”, hiểu biết về Việt Nam chưa phổ quát, phổ biến như ngày nay, vì thế, cầm bút viết về gia đình, về cuộc sống của những người Việt Nam tại Mỹ là con đường duy nhất để họ không quên “nhân dạng” (identity) Việt Nam của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.