Sở hữu nguồn tư liệu đáng mơ ước
Nguyễn Duy Linh hiện là sinh viên ngành quản trị du lịch và lữ hành Trường ĐH Nam Cần Thơ. Điều gây ấn tượng với mọi người khi tiếp xúc là anh kể chuyện lịch sử, văn hóa Nam bộ một cách đầy am hiểu; khả năng dịch chữ Hán Nôm "thượng thừa".
Anh Linh nghiên cứu, đọc chữ Hán Nôm tại một ngôi mộ xưa |
DUY TÂN |
Sau 5 năm tìm tòi và nghiên cứu, đến nay, nam sinh viên đã có một gia tài tư liệu đồ sộ và đáng mơ ước, với hơn 10.000 ảnh tư liệu, bài nghiên cứu. Từ những tư liệu quý giá này, nhiều nhà nghiên cứu, các bảo tàng đã kết hợp với anh Linh để có thêm tư liệu viết bài nghiên cứu về văn hoá kiến trúc Nam bộ.
Linh kể, từ khi học lớp 11 đến nay, cứ vào ngày lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần, anh lại dành thời gian rong ruổi khắp các tỉnh thành ĐBSCL để tìm hiểu, ghi nhận, sưu tầm tư liệu giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử của các ngôi nhà cổ, đình, chùa, miếu. “Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, từ nhỏ tôi đã theo ông nội học chữ Hán. Đến năm lớp 11, tôi tự sử dụng điện thoại thông minh học thêm kiến thức Hán Nôm và trau dồi liên tục cho đến nay”, anh Linh kể.
Theo anh Linh, biết chữ Hán Nôm mới có thể nghiên cứu sâu về văn hóa Nam bộ xưa. Bởi không học qua trường lớp, chỉ tự học nên để có thể viết đẹp, phiên âm, dịch nghĩa chuẩn xác là cả một quá trình kiên trì, khổ luyện.
Rong ruổi trên hành trình nghiên cứu, anh phải thuyết phục gia đình và sắp xếp tốt việc học. Sau thời gian dài nghiên cứu, anh rất rành về học trò lễ, nhạc lễ Nam bộ, bày trí bàn thờ gia tiên theo đúng chất xưa.
Đến nay, anh Linh có hơn 10.000 hình ảnh, tư liệu nghiên cứu về văn hóa, kiến trúc Nam bộ xưa |
DUY TÂN |
Linh kể, vì sở hữu những vật giá trị nên chủ của những ngôi nhà cổ khá dè dặt với người lạ, phải mất nhiều thời gian tới lui thuyết phục mới nhận được sự đồng thuận.
Điển hình như căn nhà cổ của gia đình ông Huỳnh Công Tịnh (ngụ P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất trên đất cù lao Tân Lộc. Anh phải cất công năm lần bảy lượt lên xuống mới thuyết phục được ông Tịnh cho vào nhà tìm hiểu kiến trúc, tư liệu cổ, dịch thuật chữ Hán Nôm. Giờ đây, không riêng ông Tịnh mà nhiều chủ nhân nhà cổ ở các tỉnh đều xem Duy Linh thân thương như con cháu.
“Khi tôi vào đã góp ý cách bảo quản, bảo trì nhà cổ, vì nhà gỗ trên trăm năm dễ bị mối mọt. Đồng thời, dịch thuật các câu chữ trên liễn để giúp chủ nhà biết thêm nhiều nét đặc trưng, cái hay của ngôi nhà mình”, anh Linh hào hứng kể.
Mong muốn quảng bá và lưu giữ văn hóa Nam bộ
Sau mỗi chuyến đi thực tế, anh Linh đều đến gặp thầy cô, những nhà nghiên cứu văn hóa nhờ tư vấn, đối chiếu nhằm xác thực tài liệu tìm được. Khi đã có thông tin chuẩn xác, anh bắt tay vào viết bài chia sẻ trên trang cá nhân để lan tỏa giá trị.
Với những tích lũy tư liệu, hình ảnh ghi nhận được, anh Linh mong muốn quảng bá và lưu giữ văn hóa trên các phương tiện truyền thông, truyền tải một cách sinh động, thú vị. Hiện, trên trang mạng xã hội, Linh là một trong những thành viên sáng lập trang “Tản mạn kiến trúc” có hơn 40.000 người theo dõi trang.
Có đến hàng trăm nhà cổ đã được anh Linh đến tận nơi nghiên cứu, khám phá |
DUY TÂN |
“Xuất phát từ mối quan tâm về kiến trúc, văn hóa, đặc biệt khi đứng trước quá trình đô thị hóa, tôi lo ngại các các công trình di sản xưa dần mất đi. Do đó, tôi mong muốn đăng tải để truyền tải và lưu giữ những giá trị văn hóa đến người trẻ cùng đam mê”, anh Linh cho biết.
Hiện nhóm của Linh có 7 thành viên, tuổi đời 18-28, có chuyên môn khác nhau: kiến trúc, nhân học, nghệ thuật học so sánh, lịch sử, du lịch để cùng nhau phát triển trang “Tản mạn kiến trúc”. Các thành viên trong nhóm phân chia vai trò tra cứu tư liệu, đi thực địa, vẽ minh họa và viết nội dung.
Anh Linh đang ấp ủ ra mắt quyển sách về công trình xưa ở Nam bộ như một sự tổng kết hành trình góp phần gìn giữ quảng bá giá trị văn hóa, kiến trúc.
PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết: “Linh là sinh viên rất đặc biệt. Những thông tin em sưu tập hiện tại rất lớn. Đây là một nền tảng rất quý. Linh có năng lực và tôi hy vọng rằng em sẽ có được hỗ trợ để có thể đúc kết thành công trình nghiên cứu, góp phần vào phát triển văn hóa, du lịch vùng đất Nam bộ”.
Bình luận (0)