Anh và Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố chung như trên sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa các bộ trưởng vào ngày 3.2, theo Reuters.
Cùng ngày, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato lên tiếng quan ngại về luật mới gây tranh cãi của Trung Quốc, theo đó trao quyền cho lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực tại những khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên xem là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này.
Ông Kato cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng luật trên để chống lại luật quốc tế, theo Kyodo News.
Một ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết Tokyo sẽ cân nhắc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác về lĩnh vực an ninh hàng hải với các nước khác trong khu vực, bao gồm Philippines và Việt Nam.
Hai tuần trước, phái đoàn đại diện thường trực của Nhật Bản tại LHQ ngày 19.1 gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông. Công hàm nêu rõ với tư cách là quốc gia tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), Nhật Bản bác bỏ quan điểm của Trung Quốc vốn cho rằng “việc Bắc Kinh vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và pháp luật quốc tế”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh ANC về Luật Hải cảnh hôm 1.2, cũng là ngày luật hải cảnh mới chính thức được Trung Quốc thi hành, ông Greg Poling, giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cảnh báo rằng luật mới không chỉ chẳng thay đổi thói quen hành xử bạo lực, hung hăng, phi pháp của Hải cảnh Trung Quốc, mà còn trở thành công cụ mới phục vụ cho tham vọng của Bắc Kinh.
Để đáp trả, ông Poling cho rằng các bên nên phối hợp với Mỹ và châu Âu để gia tăng hơn nữa sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Kinh.
Bình luận (0)