Anh Tưởng ‘không tưởng’

21/09/2022 09:00 GMT+7

Tuy thua thiệt về sức khỏe và gặp nhiều khó khăn trong quá trình lập nghiệp, nhưng bằng nghị lực không đầu hàng số phận, anh Phan Văn Tưởng đã không chỉ tự lực nuôi sống bản thân mà còn mở xưởng may tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

“Phải làm gấp năm người khác”

Tôi tìm đến Xưởng may Tưởng Hà vào một ngày chủ nhật, tuy nhiên, tôi thấy không khí làm việc vô cùng vui vẻ và khẩn trương. Anh “giám đốc” Phan Văn Tưởng (sinh năm 1970, ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) một tay chống nạng, một tay đang tỉ mỉ hướng dẫn công nhân mới kỹ thuật may.

Thấy khách, anh Tưởng hồ hởi ra đón với dáng đi “lắc lư”, bởi chân trái của anh bị teo từ nhỏ. Kể với tôi, anh cho biết, hiện tại xưởng may đã trở lại hoạt động bình thường sau dịch Covid-19. Xưởng rộng hơn 300m2, có gần 30 lao động, trong đó chủ yếu là người địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Có thời điểm, xưởng có một số lao động là người khuyết tật. Anh bảo rằng, “lúc cao điểm nhất xưởng có 60 công nhân, trong đó 16 công nhân là người khuyết tật, tuy nhiên nhiều người sức khỏe yếu họ không theo được lâu dài nên hiện nay chỉ còn vài người. Doanh thu hiện nay của xưởng dao động từ khoảng 250 – 300 triệu đồng/năm”.

Anh Tưởng luôn hóm hỉnh với công nhân may tại xưởng

tgcc

Kể về số phận không được may mắn nhưng trên môi anh luôn nở nụ cười và ánh mắt sáng lên sự lạc quan. Hóa ra, anh vốn sinh ra lành lặn. Được 10 tháng tuổi, anh bị một trận ốm thập tử nhất sinh. May mắn sống sót nhưng lại di chứng teo chân trái.

Biết con tàn tật, bố mẹ anh không muốn để con đến trường, vừa vất vả vừa sợ con bị bạn bè trêu chọc. Tuy nhiên, nhìn bạn bè tung tăng đến trường, anh xin bố mẹ đi học bằng được. Năm 8 tuổi, anh vào lớp 1.

Theo học hết lớp 9, anh Tưởng nung nấu ý định học một cái nghề để tự nuôi sống bản thân và anh đã chọn nghề may. Thời gian đầu, anh học nghề gần nhà, tuy nhiên chỉ được học may cơ bản. Anh nhờ bố đạp xe đưa lên Hà Nội học may chuyên sâu để sau này có thể làm may độc lập.

Trớ trêu thay, chẳng nơi nào chịu nhận anh. Họ nhìn thấy anh chống nạng đi từ cửa vào đã tỏ ý từ chối ngay, cho dù anh cố giải thích rằng đã biết may cơ bản và cái chân teo không ảnh hưởng tới tốc độ làm việc.

Một xưởng, hai xưởng rồi đến xưởng thứ 4 họ vẫn lắc đầu từ chối. Bố anh còn khuyên anh hãy chấp nhận sự thật và đi về quê. Nhưng anh không nản chí: “kiểu gì cũng có chỗ thương con, nhận con vào học”.

Rồi, ông trời không phụ lòng người. Đến xưởng thứ 5, người chủ trẻ tuổi đã nhận anh vào học việc. Nhưng người chủ mặc cả “anh phải cố gắng gấp năm người khác nếu không sẽ không theo được đâu”.

Hơn một năm cần mẫn theo học, anh Tưởng đã thành thạo cách đạp máy, cắt, đo và làm thành sản phẩm hoàn chỉnh. Năm 1987, anh về quê mở một tiệm may đo để mưu sinh. Do tay nghề cao, cẩn thận lại vui tính nên tiệm may của anh rất đông khách. Ngoài ra, anh còn luôn cập nhật mẫu mã mới để tư vấn cho khách hàng nên không chỉ người trung niên mà thanh niên cũng đến may đo của anh rất đông.

“Giám đốc” kiêm mọi việc

Nhu cầu khách hàng tăng, năm 2011, anh Tưởng mở xưởng sản xuất với diện tích khoảng 100m2, chuyên gia công áo vest, áo sơ mi công sở bằng số tiền tiết kiệm mấy chục năm. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian rất khó khăn của ông “giám đốc” Phan Văn Tưởng.

Thời điểm đó, vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo, chạy chữa nhiều nhưng không tiến triển. Anh vừa phải chăm sóc vợ con, vừa chạy đôn chạy đáo khắp các tỉnh thành để mua máy cũ, tìm nguồn nguyên liệu, lo đầu ra, tuyển nhân công... “Gần như ngày nào tôi cũng dậy từ 4 giờ sáng và làm việc đến 23 giờ đêm, cả năm không có ngày nghỉ. Chỉ mong sao xưởng đi vào hoạt động, đơn hàng đổ về giúp nhiều người khó khăn chưa có việc làm có công việc để tạo ra thu nhập”, anh Tưởng cười hiền, tâm sự.

Tuy nhiên, một lần nữa cuộc đời không mỉm cười với anh khi người vợ hiền thảo đã không qua khỏi, để lại hai đứa con thơ dại. Anh phải đóng vai “gà trống nuôi con”. Ít lâu sau, anh lại phát hiện bị bệnh đại tràng. Ăn uống khó khăn và vật lộn với những cơn đau hằng đêm khiến anh có lúc chỉ còn nặng hơn 40 kg.

Dẫu sức khỏe tinh thần và thể chất tụt dốc, nhưng anh vẫn luôn tận tâm với công việc ở xưởng may, từ đi nhận đơn hàng, gia công, kế toán, đào tạo.. đều một tay ông giám đốc làm cả. Anh hiểu rằng, xưởng may không chỉ là kế sinh nhai của anh mà còn của mấy chục lao động khó khăn khác nên tinh thần trách nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu.

Để nắm bắt thị hiếu khách hàng, anh Tưởng không ngừng lên mạng cập nhật mẫu mã và xu hướng thời trang. Anh sáng tạo và tự tay thiết kế nhiều sản phẩm mới và nâng cấp công nghệ để vừa đạt năng suất vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ tinh thần cầu tiến, dám làm, xưởng may của anh Tưởng sản xuất ra bao nhiêu hàng đều “cháy chợ” đến đó. Một số đại lý quần áo bán lẻ lớn trên nhiều tỉnh thành đã tìm về tận xưởng của anh để ký hợp đồng cung cấp sản phẩm lâu dài.

Luôn mong công nhân giàu hơn “ông chủ”

Chị Vũ Thị Hằng, tổ trưởng tổ may đang may tươi cười, nói: Tôi làm ở đây từ ngày xưởng được thành lập và chưa bao giờ tính nghỉ hay chuyển đi chỗ khác làm việc. Ngoài mức thu nhập ổn định (từ 7 – 12 triệu/tháng, tính cả tăng ca) thì không khí làm việc ở đây rất vui vẻ, tình cảm. Đặc biệt, xưởng có một ông “sếp” rất hóm hỉnh, tốt bụng, luôn quan tâm đến đời sống người lao động. “Sếp” còn luôn động viên chúng tôi nếu ai có khả năng thì hãy mở xưởng riêng, tăng thêm thu nhập, sếp sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm và vốn.

Quả thật, trong xưởng may của anh có phần nóng nực nhưng tôi thấy tràn ngập tiếng cười và không khí làm việc hăng say, cần mẫn. Chắc chắn, lý do để những người công nhân ở đây gắn bó với xưởng không chỉ là yếu tố thu nhập mà còn có một môi trường làm việc thân thiện, ấm áp như một mái nhà.

Cảm mến trước nghị lực và tấm lòng của anh, chị Nguyễn Thị Hà (1982) ở làng bên đã nên duyên cùng anh vào năm 2016. “Hồi Hà nhận lời yêu rồi lấy tôi, rất nhiều người bàn ra tán vào, họ bảo Hà bị điên. Hà xinh đẹp, khỏe mạnh, tuổi còn trẻ mà lại đồng ý lấy một người khuyết tật như tôi, bản thân tôi cũng rất bất ngờ nhưng thật hạnh phúc”, anh Tưởng tâm sự.

Tiếp lời chồng, chị Hà cười e thẹn: “Anh ấy tuy khiếm khuyết về thể xác nhưng lại có nghị lực và tâm hồn đẹp. Tuy đã có tuổi, sức khỏe yếu nhưng mỗi lúc có đơn hàng về là anh cặm cụi làm việc ngày đêm sao cho kịp hàng trả khách để giữ chữ tín hàng đầu”.

Nói về anh, ông Đồng Văn Hiến - trưởng thôn Duyên Yết hết lời khen ngợi: “Tấm gương nghị lực vươn lên số phận như anh Tưởng là hiếm lắm. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương, anh Tưởng còn thường xuyên quyên góp, ủng hộ vào các quỹ, cuộc vận động từ thiện của thôn – xã. Anh Tưởng sống tình cảm, chan hòa với hàng xóm láng giềng nên ai cũng yêu quý, tôi hy vọng rằng xưởng may của anh sẽ tiếp tục tạo công ăn việc làm cho nhiều người nữa tại địa phương trong tương lai. Anh Tưởng vinh dự được Huyện ủy Phú Xuyên tặng thưởng giấy khen cá nhân tiêu biểu thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2016.

Tạm biệt anh, tuy đi lại khó khăn nhưng anh vẫn tiễn tôi ra tận ngõ với lời nhắn gửi: “lúc nào rảnh lại về anh chơi nhé”. Tôi nhìn vào ánh mắt và nụ cười đó, tôi tin anh sẽ tiếp tục sống đẹp và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.